Thứ sáu, 19/04/2024 19:57 (GMT+7)

Nơm nớp lo động đất hoành hành vùng thủy điện

MTĐT -  Thứ năm, 02/08/2018 14:24 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Được ví như một “quả bom nước”, thủy điện Sông Tranh 2 thực sự đang trở thành mối lo ngại cho người dân địa phương và cả hạ du Quảng Nam khi những ngày qua động đất liên tục xảy ra ở nơi đây.

2 phút 2 trận động đất, dân bất an

Những ngày này, người dân 2 huyện miền núi Bắc Trà My và Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam bất an trước việc liên tục xảy ra động đất với tần suất dày đặc. Theo đó, ngày 28/7, chỉ trong chưa đến 2 phút từ 0h19-0h21, trên địa bàn huyện Bắc Trà My xảy ra 2 trận động đất có độ lớn 3,7 Richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 11km. Trước đó, trong vòng từ 5h24-6h10 ngày 26/7, xuất hiện đến 4 trận động đất liên tục xảy ra ở cùng địa danh trên.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hàng loạt vụ động đất trong thời gian ngắn khiến dư luận lo lắng. Thực tế, chuyện động đất ở huyện Bắc Trà My, Nam Trà My xưa nay được người dân địa phương ví như “cơm bữa”. Tuy nhiên, tần suất như trên thì chưa bao giờ xảy ra khiến họ có phần hoang mang. Đặc biệt là ở huyện này có thủy điện Sông Tranh 2 được ví như “quả bom nước” trên đầu.

Động đất ở vùng thủy điện Trà My, Quảng Nam đang diễn biến phức tạp, tần suất dày đặc.

Thực tế qua nhiều hội thảo khoa học, nguyên nhân động đất ở huyện miền núi Quảng Nam được chuyên gia xác định do thủy điện Sông Tranh 2 gây ra. Cụ thể, khi tích nước, tải trọng nước trong hồ sẽ làm gia tăng trường ứng suất của đất đá trong khu vực hồ chứa. Hiện tượng thẩm thấu nước xuống độ sâu làm thay đổi ứng suất lỗ rỗng, giảm ma sát các mặt trượt gây ra hiện tượng động đất.

Nói về điều này, ông Nguyễn Văn Lân, Phó Giám đốc công ty Thủy điện Sông Tranh 2 cho biết, đơn vị đã nắm được các trận động đất xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây. Theo ông Lân, hiện tại, các thông số của đập thủy điện đều ở mức bình thường. Những trận động đất với cường độ nhỏ như vậy chắc chắn không ảnh hưởng đến độ an toàn của đập thủy điện.

Vị này cũng nói rằng, theo thiết kế, thủy điện Sông Tranh 2 có thể chống chịu trước những trận động đất có cường độ dưới 5,5 Richter. Và suốt nhiều năm qua, trận động đất có cường độ lớn nhất xảy ra ở đây chỉ dừng ở mức 4,7 độ Richter.

Rõ ràng, những trả lời của vị Phó Giám đốc là có căn cứ, cơ sở riêng, tuy nhiên, người dân vẫn có quyền hoài nghi, lo lắng, bởi sự chênh lệch giữa 4,7 độ Richter với ngưỡng an toàn 5,5 độ Richter là quá mong manh. Và bất cứ lúc nào, ranh giới này cũng có thể bị xóa nhòa. Dù rằng, những trận động đất liên tục trong thời gian qua chỉ dừng ở mức độ rung lắc nhẹ đồ đạc, nhà cửa, nhưng câu chuyện cảnh báo cho người dân là cấp thiết và vô cùng quan trọng.

Nguyên nhân của động đất là do... thủy điện?!

Bởi ngoài mối lo “bom nước” thủy điện, mùa mưa lũ sắp đến đồng nghĩa nguy cơ sạt lở thường trực ở miền núi tỉnh Quảng Nam. Trong quá khứ, tai ương từ sạt lở đã từng khiến miền Tây Quảng Nam chia cắt, cô lập và đớn đau hơn là việc hàng chục sinh mạng người đã vĩnh viễn vùi sâu trong đất đá. Chưa hết, với người dân miền cao, trình độ dân trí còn thấp so với mặt bằng chung nên đã rất nhiều lần họ bỏ nhà, bỏ cửa ùn ùn kéo lên trụ sở cơ quan chức năng khi cảm nhận động đất, khi nghe kẻ xấu rêu rao tin đồn vỡ thủy điện…

Trả lời báo chí, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ rằng, một phần do trình độ dân trí có hạn nên việc người dân địa phương hoang mang là điều có thể thông cảm. Tuy nhiên đứng trên góc độ khoa học, quản lý Nhà nước thì việc động đất ảnh hưởng đến thủy điện Sông Tranh 2 đã có kết luận của Hội đồng thẩm định Quốc gia năm 2012. Còn về quan trắc động đất có liên quan đến thủy điện hay các tác nhân khác thì đã có viện Vật lý địa cầu quan sát.

Cũng theo vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, địa phương cũng đã có những phương án chuẩn bị trước để ứng phó với “biến động”, mà căn cơ nhất là diễn tập về việc sơ tán dân khi có động đất ở Sông Tranh và diễn tập xử lý tình huống phương án nếu xảy ra sự cố bất thường.

Ẩn họa và cảnh báo

PGS.TS Nguyễn Chí Công, Trưởng khoa Xây dựng Thủy lợi – Thủy điện, đại học Bách khoa Đà Nẵng cho biết, về lý thuyết khoa học loại thủy điện vừa và lớn sẽ phải tích một lượng lớn nước ở thượng nguồn. Khi tích nước sẽ tạo ra một trọng lượng lớn gây nên những vết đứt gãy tạo nên địa chấn tức động đất.

Theo PGS.TS Nguyễn Chí Công, việc có thủy điện lớn ở vùng động đất thường xuyên là một điều đáng lo ngại, cần có xem xét, nghiên cứu để cảnh báo cho người dân.

Thủy điện vận hành thực sự gây ra nhiều hệ lụy cho hạ du: Mùa mưa thì xả nước gây lũ chồng lũ, mùa nắng thì tích nước khiến hạn càng thêm hạn.

Từ mong muốn có thêm nhiều thông tin để cảnh báo, tuyền truyền cho người dân, PV đã vào cuộc tìm hiểu, thu thập nhiều tư liệu. Theo báo cáo mới nhất của tổng cục Thủy lợi, bộ NN&PTNT, trong 1 hội thảo vừa diễn ra ở TP. Đà Nẵng vào tháng 6/2018 vừa qua, thì khu vực miền Trung - Tây Nguyên có 693/1.200 hồ hư hỏng, xuống cấp của cả nước (chiếm 58%). Nhiều hồ chứa (thủy lợi và thủy điện) trong khu vực bị hư hỏng, xuống cấp, công trình đầu mối của các hồ chứa không đủ khả năng chống lũ theo tiêu chuẩn hiện hành.

Một thực tế đáng báo động là từ năm 2008 đến nay, các tỉnh trong khu vực đã xảy ra 38 sự cố đập, hồ chứa (chiếm 76% so với cả nước) gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Với địa hình có độ dốc lớn, nhiều sông suối, miền núi Quảng Nam có tiềm năng rất lớn về thủy điện. Lý thuyết đó đã hiện diện rõ ra thực tế. Trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, hiện có 44 dự án thủy điện đã được triển khai. Quảng Nam từng trải thảm đỏ mời các doanh nghiệp đầu tư thủy điện. Thậm chí, năm 2017, địa phương này còn xem xét bổ sung một loạt dự án thủy điện vào “rốn” động đất Trà My. Sự kiện này từng gây xôn xao dư luận một thời gian dài. Chính sự dễ dãi trong việc cấp phép đã đánh cược an nguy của người dân trước những hiểm họa khôn lường…

Theo Người đưa tin

Bạn đang đọc bài viết Nơm nớp lo động đất hoành hành vùng thủy điện. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...