Thứ ba, 23/04/2024 17:42 (GMT+7)

Nhuệ Giang đang ô nhiễm trầm trọng

MTĐT -  Thứ bảy, 31/03/2018 22:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong khi sông Nhuệ đoạn chảy ra địa bàn quận Hà Đông, Hà Nội đã bị ô nhiễm nặng gây ảnh hưởng đến người dân thì Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông lại ngang nhiên xả thải ra sông Nhuệ…

Theo sự phản ánh về thực trạng ô nhiễm môi trường trên sông Nhuệ, PV đã nhiều ngày có mặt tại địa bàn quận Hà Đông và đi bộ dọc bờ sông từ làng La Khê qua khu tập thể Chùa Ngòi ra đến làng Vạn Phúc và ngã ba sông chảy xuôi theo đường Thanh Bình đến cầu Đen, xuống Mậu Lương để tìm hiểu thì được biết dòng sông này từ lâu luôn cạn nước.

Ông Đỗ Hữu Dần (công tác tại Công an tỉnh Hà Tây cũ, hiện đã nghỉ hưu) sống ở phố Lý Tự Trọng, phường Quang Trung cho biết: “Ngày xưa, thị xã Hà Đông còn có nhiều ruộng ở hai bên bờ sông đồng La Khê, đồng Đơ (ngay sau khu phố ông ở) và cả bên khu tập thể Chùa Ngòi, tập thể Trung đại tu ô tô đến Học viện chính trị đều được các cánh đồng bao phủ.

Ngay như trong khu trung tâm trên khu Đệm (tức là phố Nguyễn Viết Xuân hiện nay) và sau trường Đoàn Kết đều là những cánh đồng làng Đơ… Vậy nên sông Nhuệ là một con sông cấp nước tưới, tiêu phục vụ nông nghiêp.

Dòng sông Nhuệ Giang đang ô nhiễm trầm trọng. 

Từ khi thị xã Hà Đông lên thành phố và năm 2008 sát nhập vào Hà Nội thì tốc độ đô thị hóa phát triển rất mạnh. Đất dành cho nông nghiệp quanh Hà Đông không còn nữa nên dòng sông này đã nhiều năm cạn kiệt và nước thải sinh hoạt, thải công nghiệp đã vô tư chảy ra sông khiến dòng sông ô nhiễm trầm trọng”.

Nhận được thông tin phản ánh của một số người dân sống trên địa bàn phường Yết Kiêu, quận Hà Đông, thời gian qua, đường ống của Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông liên tục xả nước thải có màu vàng đậm ra sông Nhuệ, gây ô nhiễm nguồn nước, chúng tôi đã đến làm việc với Ban Giám đốc Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông.

Qua trao đổi với cán bộ về chuyên môn thì được biết, đúng là Công ty có xả nước thải ra sông Nhuệ và việc xả thải này là thường xuyên, tuy nhiên thời gian vừa qua do việc gia hạn giấy phép xả thải của cơ quan chức năng chậm nên hiện nay Công ty vẫn chưa nhận được.

Ông Lại Văn Thịnh - Giám đốc Công ty nước sạch Hà Đông cho biết: “Thực chất nước xả thải ra sông Nhuệ là nước thau bể nhưng vì nước thau bể có nhiều thành phần sắt nên có màu vàng khiến nhiều người cho rằng nước thải này góp phần gây ô nhiễm môi trường. Hơn nữa chất lượng nước xả thải của Công ty luôn được kiểm tra mẫu nước xả thải theo đúng quy định của Sở Tài nguyên và Môi trường và có phiếu kết quả thử nghiệm định kỳ”.

Qua tìm hiểu về Công ty TNHH MTV nước sạnh Hà Đông thì được biết ngay sau khi giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (1976) công ty đã được UBND tỉnh Hà Tây cho phép nâng công suất lên 16.000m3/ngđ để phục vụ nước sạch dân sinh cho nhân dân quanh vùng. Năm 2008, sau khi hợp nhất tỉnh Hà Tây với Hà Nội, UBND TP. Hà Nội đã cho phép Công ty nâng thêm 6.000 m3/ngđ. Đến nay công suất là 22.000 m3/ngđ để đáp ứng nhu cầu cấp nước cho nhân dân quận Hà Đông và một số vùng lân cận.

Tuy nhiên, nói về quy trình vận hành lọc nước và nước thải ra môi trường thì một cán bộ trong ngành nước ở Hà Nội cho phóng viên biết: “Thực chất, đầu vào cho sản xuất nước sạch hiện nay đang là vấn đề khó cho các nhà máy. Hơn nữa quy trình vận hành lọc nước qua giàn mưa, bể cát thì còn có công đoạn phải sử dụng đến nước để rửa cát. Mà nước rửa cát là nước được sục vào các bể lọc, nên trên bề mặt cát luôn phủ một lớp váng như bùn màu vàng bởi đã lọc lại các thành phần hoạt chất của ô xít sắt 3, rồi chính nước rửa bể đó lại bỏ đi nên hầu như các nhà máy đều rất tiếc lượng nước rửa bể đó. Tuy nhiên, hầu như các nhà máy nước đều phải lấy mẫu quan trắc bùn thải theo quy định nên các tạp chất đều nằm trong ngưỡng cho phép và không gây hại tới môi trường. Còn trên thực tế thì nước giếng khoan nên do có thành phần sắt thì đều có mùi tanh cả”.

Quay lại câu chuyện lượng nước thải xả ra sông Nhuệ của Công ty TNHH MTV nước sạnh Hà Đông, chúng tôi đã đặt câu hỏi là tại sao khi nguồn nước đầu vào còn khan hiếm mà bao kỹ sư lại không nghĩ ra một cách nào đó để tận dụng ngay lượng nước rửa bể cát để tái sử dụng và làm cách nào đó để lớp bùn trên bề mặt bể cát kia hữu ích cho sản xuất nông nghiệp bởi thành phần ô xít sắt 3 cũng có tác dụng cung cấp vi lượng cho một số loại cây trồng đấy chứ? Nhưng có lẽ suy nghĩ và câu hỏi của người làm báo đã đi chậm hơn các cán bộ có chuyên môn về nước bởi một cán bộ của Công ty nước sạch Hà Đông cho biết là hiện nay đã có đề án đã nghiên cứu đề tài này rồi và trong tương lai không xa thì sẽ không còn phải xả thải nước rửa bể nữa.

Theo dọc dòng sông Nhuệ, chúng tôi tình cờ gặp một cụ già đang tập thể dục gần cầu Trắng Hà Đông, hỏi thăm mới biết cụ là bác sĩ Vũ Hoa Sáng (đã nghỉ hưu) trước làm công tác nghiên cứu ở Viện Sốt rét Ký sinh trùng và Côn trùng trung ương, nay đang sống tại ngõ 3, phố Thanh Bình (ngay bên bờ sông). Trò chuyện với cụ về việc ống nước bên kia sông xả thải nước màu vàng ra sông liệu có gây ô nhiễm và hại cho môi trường sống hay không.

Cụ Sáng cười và nói chuyện với phóng viên: “Thực chất thì dòng sông này từ lâu đã bị ô nhiêm nặng rồi, bởi cống nước của các khu dân cư cứ đổ thẳng ra sông nên ô nhiễm chứ nước thải của nhà máy nước thì theo tôi có khi còn góp phần làm sạch thêm dòng sông ý chứ. Chỉ có điều là lượng nước xả ra sông quá ít nên không nhằm gì”.

Chia tay cụ, trong tôi mang nhiều suy nghĩ về thực tiễn một dòng sông đang “hấp hối” bởi sự ô nhiễm, rồi những câu hỏi như sản xuất nước là ngành công nghiệp nhưng nước xả từ việc thau bể cát có thể coi là nước xả công nghiệp không? Các cơ quan chức năng đã có phương án cải tạo, khơi trong dòng chảy để Nhuệ Giang trở lại thơ mộng như xưa hay chưa? Và có nên đánh đổi sự phát triển không ngừng của một đô thị như Hà Đông lấy sự ô nhiễm như dòng sông Nhuệ hôm nay hay không?

Những câu hỏi cứ lởn vởn trong suy nghĩ của tôi và có lẽ, tác giả bài viết này xin nhường câu trả lời cho các ngành chức năng.

Theo Gia đình & Pháp luật

Bạn đang đọc bài viết Nhuệ Giang đang ô nhiễm trầm trọng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bảo tồn chim hoang dã: Cần một giải pháp hiệu quả và bền vững
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa ra mắt tài liệu “Các loài chim hoang dã nghiêm cấm hoặc hạn chế quảng cáo và mua bán” nhằm hỗ trợ các nỗ lực thực thi Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách bảo tồn chim hoang dã

Tin mới