Thứ năm, 28/03/2024 21:21 (GMT+7)

Nhìn từ chiến dịch Giờ Trái đất

MTĐT -  Thứ bảy, 30/03/2019 09:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tối nay 30/3, cùng với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ với khoảng 7.000 thành phố trên toàn thế giới, đồng loạt 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam sẽ hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất.

Sự việc diễn ra trong 1 giờ, từ 20h30 đến 21h30. Như vậy, đã trải qua 12 năm của sự kiện đặc biệt này. Cùng với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam là thành viên tích cực bằng rất nhiều sáng kiến, hành động để bảo vệ Trái đất.

Từ Chiến dịch Giờ Trái đất, người ta thấy rằng, đi cùng với việc tiết kiệm điện còn là tạo ra nguồn điện năng mới, được coi là “năng lượng sạch”: Điện gió và điện mặt trời.

Chiến dịch Giờ Trái đất là sáng kiến của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF), được khởi xướng từ năm 2007. Đến nay, có 187 quốc gia và vùng lãnh thổ với khoảng 7.000 thành phố và hàng tỷ người dân trên toàn thế giới đã tham gia hưởng ứng Chiến dịch. Năm nay, Chiến dịch Giờ trái đất tập trung vào biện pháp và nội dung tuyên truyền thiết thực và sáng tạo với chủ đề “Tiết kiệm năng lượng, bảo vệ Trái đất”.

Các bạn trẻ hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất 2018. Ảnh: TTXVN.

Nhiều năm qua, trên khắp thế giới đã lên tiếng về sự biến đổi khí hậu, Trái đất nóng lên. Người ta chợt nhận ra rằng Trái đất không vĩnh cửu, trái lại còn khá mong manh. Sự mong manh ấy bộc lộ rất rõ khí quá nhiều khí thải carbon do con người tạo ra đã bị đẩy vào bầu khí quyển, tạo thành “hiệu ứng nhà kính” với nhiều hậu họa. Khi bầu khí quyền nóng lên, Trái đất nóng lên thì cũng là lúc băng ở hai cực Trái đất tan ra, khiến nước biển dâng lên, đe dọa nhấn chìm nhiều vùng đất vốn là nơi sinh sống của hàng triệu con người. Kèm theo đó, khí hậu cũng trở nên cực đoan hơn với những mùa đông không rét hoặc là những mùa hè vắng bóng những cơn mưa. Nạn hạn hán, sa mạc hóa đang diễn ra nhanh hơn, rộng hơn.

Trong những vấn nạn đó, Việt Nam là quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng bất lợi của biến đổi khí hậu. Những trận bão trở nên bất thường hơn. Hạn hán gia tăng. Nước biển xâm nhập sâu vào nội đồng cũng những trận triều cường.

Khi nhìn nhận trên bình diện tổng quát ấy mới thấy ý nghĩa rất tích cực của Chiến dịch Giờ Trái đất, không chỉ là tiết kiệm năng lượng (cụ thể là điện chiếu sáng), mà rộng ra hơn là khơi dậy ý thức của con người về việc chung tay bảo vệ hành tinh chúng ta đang sống.

Cụ thể, với việc tiết kiệm điện, đó là việc làm rất cần thiết, trong khi đối với nước ta nguồn cung điện chưa dồi dào. Nhiều năm qua, trên đất nước đã mọc lên nhiều nhà máy nhiệt điện, thủy điện để đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển, cuộc sống sinh hoạt của nhân dân. Tới đây, nhu cầu về điện còn cao hơn nữa, càng phải đòi hỏi tìm kiếm nhiều nguồn điện năng hơn nữa, và cũng rất cần sự tiết kiệm điện của mỗi người dân, từng cơ sở sản xuất, kể cả các cơ quan hành chính. Trong khi nguồn cung cấp điện chưa dồi dào thì việc tiết kiệm điện lại càng có ý nghĩa. Chỉ cần mỗi người có ý thức tắt đi một thiết bị điện không thật cần dùng thì cũng đã làm “dôi ra” không ít điện năng. Giờ Trái đất chính là nhắm đến việc xây dựng ý thức tiết kiệm điện trong từng con người. Xin nhắc lại, sau 1 giờ tắt đèn trong Giờ Trái đất 2018, lượng điện năng tiết kiệm được trên phạm vi cả nước là 485.000 kWh, tương đương khoảng 834 triệu đồng.

Về các công trình điện, hiện thế giới, trong đó có nước ta, đang hướng tới nguồn năng lượng tái tạo, hay còn gọi là bền vững. Trong đó, điện mặt trời và điện gió được xem là hết sức quan trọng.

Với Việt Nam, đất nước nhiều nắng nhiều gió thì việc xây dựng hệ thống nhà máy điện mặt trời và điện gió đang được xem là hướng ưu tiên trong chiến lược phát triển điện năng. Khu vực Nam Trung Bộ (đặc biệt là hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận) lợi thế về điện mặt trời lẫn điện gió. Vì đây là khu vực số ngày nắng trong năm rất nhiều và cũng là nơi gió từ khơi xa ào ạt thổi về quanh năm ngày tháng. Vùng Tây Nam Bộ cũng vậy, rất có lợi thế về hai nguồn năng lượng tái tạo này. Chủ trương đã có, tuy nhiên cũng còn gặp không ít trở ngại. Đó là việc vốn đầu tư cao, giá thành điện cao, cần nhiều diện tích xây dựng nhà máy, đấu nối vào lưới điện quốc gia đòi hỏi trình độ và thiết bị kỹ thuật cao… Tuy nhiên, không thể không làm, vì có thể thủy điện và nhiệt điện đã gần như bão hòa.

Tiết kiệm điện cũng như tạo ra nguồn điện “sạch” -  điện mặt trời và điện gió, vì thế cũng có thể nói là hành động bảo vệ Trái đất một cách thiết thực.

Theo Đại đoàn kết

Bạn đang đọc bài viết Nhìn từ chiến dịch Giờ Trái đất. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.