Thứ sáu, 19/04/2024 12:40 (GMT+7)

Nhiều ý kiến trái chiều quanh đề xuất “ở nhà ngày ô nhiễm”

MTĐT -  Thứ ba, 17/12/2019 10:52 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Với đề xuất cho làm việc ở nhà ngày ô nhiễm ở mức tím, PGS.TS Phùng Chí Sỹ cho rằng đề xuất này thiếu tính khả thi, không phát sinh từ thực tế, không dựa vào căn cứ nào.

“Ở nhà ngày ô nhiễm”

Những ngày qua, ô nhiễm không khí tại Hà Nội liên tục ở ngưỡng tím, thậm chí nhiều điểm đã chạm ngưỡng nâu, thậm chí nhiều chuyên gia khuyến cáo, người dân nên hạn chế ra ngoài.

Liên tiếp nhiều ngày, chỉ số chất lượng không khí liên tục duy trì ở ngưỡng tím – rất xấu (AQI >200). Có những thời điểm, theo thống kê của ứng dụng Airvisual, AQI một số khu vực tại Hà Nội vượt ngưỡng tím lên nâu – nguy hại (AQI>300).

Ứng dụng PAMair cũng đưa ra bảng đo chất lượng không khí của Hà Nội “dày đặc” màu tím với ngưỡng rất xấu.

Trước tình trạng này, doanh nghiệp Change cho rằng sự quan tâm của cộng đồng với vấn đề ô nhiễm không khí và tầm nghiêm trọng của nó với sức khỏe vẫn chưa đúng mức. Do vậy, dù cảm nhận được sự thay đổi của không khó xung quanh theo chiều hướng xấu đi thông qua các giác quan thị giác, khứu giác, nhiều người vẫn chọn cách ra đường bất chấp với trang bị bảo vệ sức khỏe thô sơ hoặc thậm chí không trang bị.

Change đề xuất các lãnh đạo doanh nghiệp cho nhân viên, người lao động làm việc ở nhà trong ngày ô nhiễm không khí.

Từ đó, Change đề xuất các lãnh đạo doanh nghiệp, xem xét thêm chính sách cho nhân viên làm việc ở nhà khi những ngày chất lượng không khí (AQI) mức báo động tím; nhân viên văn phòng có thể chủ động xin được làm việc ở nhà vào những ngày này.

Với hướng đề xuất đó, bà Hoàng Thị Mai Hương, Chủ tịch Hội đồng Quản Trị Saatchi & Saatchi Việt Nam, cho biết: “Làm việc tại nhà tuy không phải là một phương án tối ưu, nhưng sẽ là một giải pháp linh hoạt cho các tổ chức và doanh nghiệp nên áp dụng để bảo vệ sức khỏe cho nhân viên cũng như góp phần giảm khí thải. Hãy làm việc ở nhà trong những ngày không khí bị ô nhiễm cao độ, như một hành động cụ thể để góp phần làm trong sạch môi trường”.

Trao đổi với Tiền Phong về vấn đề này, Chị Vũ Bích Ngọc, làm việc tại khu công nghệ cao Cầu Giấy chia sẻ: Ngoài những cuộc họp phòng ít khi diễn ra, việc trao đổi với đồng nghiệp chủ yếu trên online. Vì vậy, những ngày ô nhiễm, doanh nghiệp nên cân nhắc cho nhân viên làm việc ở nhà theo hình thức không bắt buộc, vừa hạn chế tác động của ô nhiễm đến sức khỏe, vừa hạn chế nguồn phát thải từ xe cơ giới ra môi trường.

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho hay, một số thành phố trên thế giới thường áp dụng các giải pháp như thông báo khẩn và đề nghị mọi người theo dõi thường xuyên, thông báo nghỉ học đối với một số trường học ở vùng ô nhiễm cao, hạn chế các tiết học ngoài trời ở vùng ô nhiễm ít hơn; Đình chỉ một số cơ sở sản xuất và công trình xây dựng trong ít ngày, phạt nặng và công khai tên những người đốt rác, đốt rơm rạ. Hà Nội có thể tham khảo và cân nhắc.

Ai ở nhà, ai đi?

Còn theo, TS. Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh cho rằng, đây là giải pháp cần thiết, tuy nhiên phải cân nhắc đến điều kiện công việc của từng người.

Cũng trao đổi về vấn đề này với báo Đất Việt, PGS.TS Phùng Chí Sỹ - Giám đốc Trung tâm Công nghệ môi trường cho rằng đây là đề xuất không khả thi.

"Nếu "ở nhà ngày ô nhiễm" thì người dân nào ở nhà, người nào đi? Người giàu ở nhà thì vẫn có lương thực để ăn, còn người nghèo ở nhà mà không đi ra đường kiếm sống thì sống bằng cái gì? Hay người nào có việc bất khả kháng cần phải đi ra đường để giải quyết thì làm sao ở nhà được.

Học sinh đi học, công nhân đi làm, làm sao có thể thay đổi cả tổ chức như thế dược. Ở nước ngoài họ có đề xuất ngày hôm nay xe biển chẵn ra đường, ngày hôm sau xe biển lẻ ra đường là vì hệ thống giao thông công cộng của họ rất đầy đủ, tiện lợi thì đề xuất đó mới khả thi.

Còn ở Việt Nam thì không thể đề xuất như thế được bởi đề xuất đó không phát sinh từ thực tế, không dựa vào căn cứ gì. Giờ bảo ở nhà nhưng thành phố vẫn ô nhiễm thì sao?", PGS.TS Phùng Chí Sỹ nói.

Theo vị PGS.TS này, ô nhiễm không khí tại Hà Nội, TP.HCM hay ở nhiều nơi khác đều có rất nhiều nguyên nhân khác nhau như do giao thông, do các hoạt động xây dựng làm rơi vãi đất cát ra đường, do cơ sở hạ tầng yếu kém, do hoạt động tại các khu công nghiệp, do các quán nấu ăn dùng than tổ ong, ngoài ra còn do khí thải xuyên biên giới từ các quốc gia khác sang Việt Nam.

Bởi vậy, việc đầu tiên là phải xác định xem không khí ở Hà Nội, TP.HCM là do những nguồn nào tác động nhiều nhất, vì sao phát sinh ra những bụi đấy.

"Việc đề xuất kế hoạch để cải thiện môi trường cần phải có nghiên cứu một cách bài bản, toàn diện, nguyên nhân do dâu, bộ phận nào tác động đến không khí trong tỉnh, thành phố đó nhiều nhất. Phải có chương trình kế hoạch cụ thể, nơi nào ô nhiễm nhiều, dễ xử lý thì làm trước, nơi nào ô nhiễm ít, khó xử lý thì làm sau.

Không thể đưa ra những đề xuất thiếu tính khả thi như "Ở nhà ngày ô nhiễm" được cũng không thể bảo dẹp làng nghề, hay dẹp giao thông được vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người dân", ông Sỹ cho biết thêm.

Bàn về hướng xử lý cụ thể, vị PGS.TS này cho rằng, ở Việt Nam không thể dùng một biện pháp để làm giảm không khí ô nhiễm mà phải dùng rất nhiều biện pháp khác nhau cho phù hợp với từng điều kiện cụ thể ở mỗi nơi, mỗi địa phương.

"Đề xuất giúp giảm không khí ô nhiễm môi trường có khả thi hay không thì phải có nghiên cứu về nguyên nhân gây ô nhiễm một cách bài bản. Ví dụ khu này bụi mù là do đường sá thì phải có biện pháp lảm giảm bụi, nhà máy ô nhiễm thì phải lắp hệ thống xử lý khí thải cho tốt, hạn chế xe tải vào giờ cao điểm, tăng cường các xe công cộng.

Còn nếu không biết nguyên nhân vì sao ô nhiễm không khí mà đưa giải pháp thì sẽ không có hiệu quả. Bởi vậy cần phải áp dụng biện pháp tổng thể, phù hợp với từng thời điểm cụ thể, giai đoạn cụ thể, phải có kế hoạch một cách bài bản. Không thể giải quyết theo phong trào được, hôm nay làm cái này ngày sau lại làm cái khác", PGS.TS Phùng Chí Sỹ nói.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Nhiều ý kiến trái chiều quanh đề xuất “ở nhà ngày ô nhiễm”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?