Thứ năm, 18/04/2024 09:30 (GMT+7)

Nhiều đô thị Việt Nam khủng hoảng chôn lấp rác

MTĐT -  Thứ sáu, 18/01/2019 11:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các khu xử lý rác thải ở Đà Nẵng, Huế đang quá tải; còn hai bãi rác chôn lấp ở thành phố Hạ Long thì đóng cửa vì ô nhiễm.

Đà Nẵng, đô thị hơn một triệu dân mỗi ngày hứng từ 900 đến 1.000 tấn rác sinh hoạt. Dự kiến đến năm 2025, lượng rác sẽ tăng lên khoảng 1.800 tấn.

Thời gian dài, Đà Nẵng xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp tại bãi rác Khánh Sơn. Sau gần 30 năm hoạt động, bãi rác lớn nhất thành phố này đã quá tải, gây nhiều hệ lụy với môi trường sống của cư dân lân cận.

Khoảng 1.700 hộ dân quanh bãi rác Khánh Sơn hàng ngày phải hít thở không khí kèm mùi hôi đậm đặc. Đã nhiều lần, họ xuống đường chặn xe chở rác ra vào bãi, khiến khu vực nội thành ùn ứ rác. Cả chục cuộc đối thoại giữa chính quyền và người dân diễn ra suốt nhiều năm chưa tìm được lời giải.

Bãi rác Khánh Sơn mỗi ngày tiếp nhận hơn 700 tấn rác thải. Ảnh: Nguyễn Đông.

Lãnh đạo Đà Nẵng thừa nhận trước đây việc xử lý ô nhiễm môi trường ở bãi rác "không được làm đúng quy trình". Để giảm thiểu ô nhiễm, trong ngắn hạn, thành phố đầu tư khu xử lý nước rỉ rác với công suất 700 m3 mỗi ngày; lắp đặt hai camera quan sát 360 độ tại bãi đổ rác để giám sát việc xử lý, đồng thời thu hẹp phạm vi đổ rác còn khoảng 2.000 m2, phủ đất với tần suất 2 ngày mỗi lần.

Trong nỗ lực giải bài toán rác, hồi cuối năm 2018, ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở Xây dựng đã đề xuất phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; từ năm 2019 đến 2022, phân loại thành bốn nhóm rác thải xây dựng, rác tái chế, rác nguy hại và rác còn lại; giai đoạn 2023-2025 sẽ phân làm 5 nhóm.

"Chúng tôi cũng đề xuất đầu tư thêm hai đến ba trạm trung chuyển rác, để đảm bảo nếu xảy ra sự cố tại bãi rác Khánh Sơn thì có nơi trữ rác cho toàn thành phố trong thời gian hai đến ba ngày", ông nói.

Tại Thừa Thiên Huế, bãi rác Thủy Phương ở thị xã Hương Thủy, rộng hơn 4 ha là nơi tiếp nhận và xử lý rác lớn nhất tỉnh. Hàng ngày, rác thải sinh hoạt của người dân thành phố Huế và thị xã Hương Thủy được thu gom về đây.

Rác thải chất cao như núi trong nhà máy xử lí rác trên địa bàn xã Hương Thủy. Ảnh: Võ Thạnh.

Mỗi ngày, Công ty cổ phần môi trường và công trình đô thị Huế (Hepco) gom hơn 350 tấn rác sinh hoạt, trong đó khoảng 150 tấn được chôn lấp tại bãi Thủy Phương, 200 tấn còn lại chuyển cho nhà máy của công ty Tâm Sinh Nghĩa (ở gần bãi rác) xử lý.

Tuy nhiên, hai tháng nay Tâm Sinh Nghĩa dừng nhận rác do "rác vẫn còn chất như núi trong nhà máy".Ông Trần Quang Tuấn, giám đốc nhà máy giải thích, doanh nghiệp đang trong quá trình xây dựng thêm lò đốt trong khi hơn 1.000 tấn rác chưa xử lý còn tồn, nên cơ sở không thể tiếp nhận thêm.

Việc doanh nghiệp dừng xử lý rác cộng với bãi rác xã Lộc Thủy tạm đóng cửa khiến lượng rác về bãi Thủy Phương tăng lên hơn 350 tấn mỗi ngày. "Với tình hình như hiện nay, Thủy Phương chỉ trụ được thêm 2 năm nữa", ông Khánh nói.

Tỉnh đã cho phép một doanh nghiệp đầu tư nhà máy đốt rác phát điện với công suất 400 tấn mỗi ngày ở xã Phú Sơn (thị xã Hương Thủy). Dự kiến nhà máy này sẽ hoạt động vào năm 2020, cũng là thời điểm bãi rác Thủy Phương hết diện tích chôn lấp.

Rác thải được chôn lấp ở bãi rác Thủy Phương. Ảnh: Võ Thạnh.

TP Hạ Long (Quảng Ninh) cũng từng có hai bãi rác là Đèo Sen và Hà Khẩu xử lý bằng công nghệ chôn lấp, nhưng "do gây ô nhiễm nên đã dừng hoạt động", ông Nguyễn Vũ Hải, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP Hạ Long cho hay.

Đi vào hoạt động từ năm 2006, bãi rác Đèo Sen (phường Hà Khánh, TP Hạ Long) rộng 6,8 ha đã trở thành núi rác khổng lồ. Hàng trăm nghìn tấn rác được chôn lấp trong 10 năm đã khiến tình trạng ô nhiễm môi trường nơi đây trầm trọng. Những ngày mưa bão, bể chứa nước rỉ thải chảy tràn vào nhà dân, gây ngập úng ruộng, vườn. Người dân "ăn cơm cũng phải mắc màn, khi ngủ cũng phải đeo khẩu trang".

Năm 2013, vì không thể chịu được mùi hôi thối và lo sợ sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, nhiều hộ dân sống gần đó đã gửi đơn kiến nghị đến chính quyền yêu cầu đóng cửa bãi rác.

Bài toán chỉ được giải quyết khi Hạ Long chuyển sang công nghệ đốt rác. 450 tấn rác sinh hoạt hàng ngày được tập kết về Trung tâm xử lý chất thải rắn của Công ty cổ phần Indevco tại huyện Hoành Bồ. Indevco cũng là nơi xử lý rác cho các thành phố Cẩm Phả và hai huyện Hoành Bồ, Quảng Yên với khoảng 150 tấn mỗi ngày.

Hà Nội, sau nhiều lần khủng hoảng rác ở nội thành vì người dân liên tục chặn xe vào bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn) vì ô nhiễm, thành phố dự kiến chi 3.400 tỷ đồng để di dời khoảng 1.000 hộ dân trong bán kính 500 m quanh khu vực.

Theo ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, hiện có 3 công nghệ xử lý rác đô thị phổ biến là chôn lấp hợp vệ sinh, đốt rác phát điện và tái tạo điện sạch, các bon hữu cơ từ chất thải rắn bằng phương pháp nhiệt phân, khí hóa.

Tuy nhiên do các đô thị ở Việt Nam thường không phân loại rác đầu nguồn nên việc áp dụng công nghệ cao khó thành công. Đơn cử, không phân loại rác đầu nguồn sẽ dẫn đến các loại nhựa khi chôn xuống phải mất hàng trăm năm mới có thể phân hủy. "Phương pháp chôn lấp tốn diện tích song vẫn không tránh khỏi ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất, không khí", ông nhận xét.

Theo Vnexpress

Bạn đang đọc bài viết Nhiều đô thị Việt Nam khủng hoảng chôn lấp rác. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3
Tối 17-4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba - năm 2024.