Thứ ba, 19/03/2024 14:07 (GMT+7)

Nguyên nhân nào gây nên tình trạng ô nhiễm không khí tại miền Bắc?

MTĐT -  Thứ tư, 18/09/2019 15:44 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo chuyên gia vào thời điểm thời tiết giao mùa, không khí ít dịch chuyển, hiện tượng nghịch nhiệt khiến chất lượng không khí các tỉnh miền Bắc ở mức kém, đặc biệt vào lúc sáng sớm.

Sáng 17/9, hàng loạt các điểm quan trắc không khí tự động cho thấy chất lượng không khí ở nhiều tỉnh miền Bắc ở mức "Kém", tương đương mức cảnh báo "nhóm nhạy cảm cần hạn chế thời gian ở ngoài" hoặc nguy hại nhất và vào thời điểm sáng sớm hàng ngày.

Cụ thể, điểm quan trắc tại cầu Niệm (Kiến An, Hải Phòng) chỉ số là 160, điểm tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 167, ba điểm tại tỉnh Phú Thọ đều trên ngưỡng 160. Đến trưa, chỉ số ô nhiễm không khí tại các tỉnh này có giảm nhưng vẫn ở trong khoảng từ 80 đến 120 (mức từ Trung bình đến Xấu).

Tình trạng ô nhiễm không khí Hà Nội trong nhiều ngày qua.

Tại thành phố Hà Nội, trong ba ngày qua mức độ ô nhiễm không khí đo được ở hơn 20 điểm luôn ở ngưỡng trên 100 (mức Xấu). Riêng điểm đo tại đường Tô Hiệu (Hà Đông), trường THPT Trung Văn (Nam Từ Liêm), công viên Hòa Bình, Hàng Đậu (Hoàn Kiếm) đều cho thấy chỉ số ô nhiễm không khí trên 150 (mức Kém) và duy trì đến chiều tối.

Trao đổi với Vov, về vấn đề này, ông Lê Thanh Hải (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự báo Khí tượng Thủy văn, Tổng thư ký Hội khí tượng Thủy văn Việt Nam) cho biết, những ngày vừa qua thời tiết miền Bắc nằm trong giai đoạn giao mùa mưa ít, mây quang, gió lặng là yếu tố nên các khối không khí ít có sự biến động làm cho chất lượng không khí thấp nhất trong năm.

"Chiều tối và đêm có bức xạ mặt đất nghịch nhiệt (càng lên cao nhiệt độ không khí lại tăng), không khí không thể bốc lên cao theo hoạt động đối lưu, không có hiện tượng ngưng kết mây, gây mưa làm bớt nhiễm bẩn. Ở phương ngang thì không có gió thổi vào để di chuyển khối khí ô nhiễm đi nơi khác. Các chỉ số đo tại trạm quan trắc khí tượng cho thấy khối không khí ổn định (tức không xáo trộn) vì vậy chất lượng không khí sẽ thấp", ông Hải phân tích.

Theo ông Hải nhận định hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ cũng là nguyên nhân dẫn đến chất lượng không khí ở mức thấp.

"Ban đêm bức xạ nhiệt từ mặt đất phát tán vào khí quyển tạo ra lớp sương mù ở tầng thấp. Chất lượng không khí biến động theo ngày, thời điểm ổn định nhất (tức chất lượng không khí xuống thấp nhất) là sáng sớm từ 3h – 9h sáng hàng ngày, khi đó mặt trời đốt nóng không khí sẽ khiến không khí bốc lên cao và dịch chuyển đi xung quanh thì không khí được cải thiện (chu kì ngày đêm)", ông Hải cho biết thêm.

Lý giải về vấn đề này, ông Hải cho rằng: “Đây là hiện tượng có tính chất giao mùa và năm nào cứ mùa Thu cũng xuất hiện. Sắp tới không khí không còn ổn định (ít dịch chuyển khiến chất lượng xuống thấp) như thế nữa vì có không khí lạnh từ phía Bắc tràn xuống và khối khí ở biển Đông thổi vào sẽ làm thay đổi và không khí được cải thiện”.

Ông Lê Thanh Hải khuyến cáo: “Trẻ em, người cao tuổi nhất là người có tiền sử về hệ hô hấp không nên ra đường trong thời gian này, vì nếu ra đường sẽ hại hơn lợi. Cần có khẩu trang đảm bảo chất lượng và có khả năng chống lại được khí bụi PM2.5 (bụi mịn)”.

Nhiều nghiên cứu tại Hà Nội đã chỉ ra hiện tượng nghịch nhiệt là một trong các nguyên nhân chính làm cho nồng độ các chất ô nhiễm (đặc biệt là bụi PM 2.5) tăng cao đột biến.

Theo chuyên gia, nếu đường phố có nhiều bụi bẩn kết hợp với tình trạng nghịch nhiệt, toàn bộ lượng bụi này sẽ bị giữ lại ở tầng thấp trong không khí.

Có nhiều nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm không khí thủ đô gồm hoạt động giao thông, xây dựng, hoạt động sản xuất công nghiệp.

Các nhà khoa học cũng khẳng định hiện tượng ô nhiễm còn do sự quản lý các công trình xây dựng không tốt. Bụi từ các nơi sản xuất xi măng, sắt thép, hoá chất, ở các tỉnh bay về Hà Nội, bụi mịn cũng hình thành do đốt rơm rạ, đốt rác.

Trước đó, tại Hội nghị tổng kết năm 2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định ô nhiễm không khí đang là vấn đề môi trường nghiêm trọng của thủ đô. Các phương tiện giao thông đang là một trong những nguyên nhân chính gây ra hiện tượng ô nhiễm bụi.

Chỉ số bụi mịn PM2.5 hôm qua tại Hà Nội là 111,3 µg/m3, cao gấp 4,5 lần quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3) và 11,1 lần trung bình năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Theo WHO, mức PM2.5 lý tưởng trong không khí là 10 µg/m3. Mỹ chia chất lượng không khí ra làm 5 mức, trong đó lượng PM2.5 từ 0-12,0 là tốt, từ 12,1 đến 35,4 trung bình, từ 35,5 đến 55,4 là nguy hiểm cho người nhạy cảm. Chỉ số 55,5-150,4 mức nguy hiểm, từ 150,5 đến 250,4 là rất nguy hiểm, từ 250,5 trở lên là độc hại. Khi nồng độ bụi PM2.5 trong không khí ngoài trời tăng lên, không khí sẽ mờ đi và tầm nhìn bị giảm trông giống như sương mù.

Tiếp xúc với các hạt mịn có thể gây ra các ảnh hưởng sức khỏe ngắn hạn như mắt, mũi, họng và phổi, ho, hắt hơi, sổ mũi và khó thở. Nguyên nhân chính là do bụi PM 2.5 cộng với khí CO hay SO2, NO2 làm kích ứng niêm mạc, đồng thời cản trở hemoglobin kết hợp oxy khiến tế bào thiếu oxy, dẫn đến suy giảm chức năng phổi, làm nặng thêm tình trạng bệnh hen và bệnh tim.

Bụi siêu mịn khi tiếp xúc lâu dài gây gia tăng tỷ lệ viêm phế quản mạn tính, giảm chức năng phổi, tăng tỷ lệ tử vong do ung thư phổi và bệnh tim. Ước tính cứ PM2.5 tăng 10 µg/m3 thì số bệnh nhân cấp cứu vì bệnh cao huyết áp tăng 8%, các bệnh lý về tim mạch cũng tăng lên. Do đó, những người có vấn đề về hô hấp và tim, trẻ em và người già nhạy cảm với bụi bẩn cần đề phòng biến chứng.

Bụi PM2.5 còn được mệnh danh là "sát thủ âm thầm" bởi có thể thúc đẩy bệnh xơ gan và làm tăng nguy cơ mắc bệnh chuyển hóa, rối loạn chức năng gan. PM2.5 gây kháng insulin, viêm và tăng biến chứng bệnh tiểu đường. Bụi mịn còn tấn công vào phế nang, vượt qua vách ngăn khí - máu để đi vào hệ tuần hoàn và gây bệnh, ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh.

P.V(Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Nguyên nhân nào gây nên tình trạng ô nhiễm không khí tại miền Bắc?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới