Thứ sáu, 29/03/2024 04:02 (GMT+7)

Nguy cơ rác thải nhựa bức tử sông Sài Gòn

MTĐT -  Thứ ba, 03/12/2019 08:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bên bờ kênh của sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Triệu đến cầu Thanh Đa ngập ngụa các loại rác thải như túi ni lông, thùng xốp, quần áo cũ, chai nhựa...

Hiện nay nguồn nước sông Sài Gòn đang nguy cơ bị ô nhiễm nghiêm trọng, không chỉ bởi do các hoạt động sản xuất phát triển kinh tế xã hội mà còn bởi sự thiếu ý thức của người dân khi thẳng tay vứt rác thải xuống sông, nhất là rác thải nhựa.

Cống kiểm soát triều cường cầu Bình Triệu đang mở để dòng nước ô nhiễm bốc mùi hôi nồng nặc chảy trực tiếp ra sông Sài Gòn.

Bên bờ kênh của sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Triệu đến cầu Thanh Đa, của quận Bình Thạnh, khi thủy triều xuống, cũng là lúc các loại rác thải như: túi ni lông, thùng xốp, quần áo cũ, chai nhựa... nằm dạt hai bên kênh lộ ra.

Cống kiểm soát triều cường cầu Bình Triệu mở đưa dòng nước đen kịt, bốc mùi hôi thối cùng rác thải đổ thẳng vào sông Sài Gòn tạo ra hai màu trắng – đen đối nghịch.

Theo ông Đinh Công Sản, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chỉnh trị sông và phòng chống thiên tai thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, hiện nay, TP đang hướng tới việc ngừng khai thác nước ngầm thì việc bảo vệ nguồn nước mặt, đặc biệt là nguồn nước sông Sài Gòn rất quan trọng, bởi đây là một trong những nguồn chính cung cấp cho nhà máy nước sạch của TP. Thế nhưng, nguồn nước này đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

"Ô nhiễm trên sông Sài Gòn thì chúng ta biết rằng là ô nhiễm ngày càng tăng do các cơ sở công nghiệp người ta xả ra. Tuy nhiên chúng ta có cấm hay hạn chế thì cái xu thế thì nó vẫn bị ô nhiễm"-ông Đinh Công Sản nói.

Khi thủy triều xuống, rác thải xuất hiện ở sông Sài Gòn dưới chân cầu Bình Triệu

Ông Trần Kim Thạch, Trưởng phòng quản lý chất lượng nước, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn cũng khẳng định rằng, hàm lượng chất hữu cơ trong nước sông Sài Gòn đang cao hơn 1,5 lần; amoni cao gấp 2-3 lần tùy thuộc vào từng thời điểm so với quy chuẩn nguồn nước mặt dùng trong sinh hoạt. Nguyên nhân gây ra tình trạng trên do hoạt động xả thải từ các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, và hành vi xả rác bừa bãi của người dân.

Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu về nước khu vực châu Á (CARE - thuộc ĐH Bách khoa TP.HCM), thì trung bình một người dân sống ở TP.HCM thải từ 350g đến hơn 7,2 kg rác nhựa ra kênh rạch và các hệ thống sông mỗi năm. Trong 1 m3 nước sông Sài Gòn có 10 đến 233 mảnh nhựa và trong 1 lít nước có khoảng 172 đến 519 sợi nhựa từ các loại vải nhân tạo, vải tổng hợp, hộp xốp...

Đây là chỉ số khá cao vì với cùng mật độ dân số và phương pháp lấy mẫu giống nhau, nhưng trong 1m3 nước sông Seine ở Pháp chỉ có 0,28-0,47 mảnh nhựa và có từ 3-106 sợi vải/lít nước. Điều này cho thấy, với hành vi vô ý thức của mình khi xả thải, nhất là xả thải rác thải nhựa thì mỗi người dân của TPHCM đang góp phần "giết chết" sông Sài Gòn.

PGS-TS Lê Hùng Anh, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường thuộc Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cho biết, rác hữu cơ có thời gian phân hủy chỉ 7/15 ngày thì những vật dụng gắn bó với đời sống con người như bàn chải đánh răng, tã dùng một lần, chai nước nhựa có thời gian phân hủy lên đến 500 năm.

Mũ bảo hiểm đang trong quá trình phát sinh ra hạt vi nhựa.

Khi các loại rác thải nhựa này theo dòng nước trôi xuống sông thì một phần sẽ trôi ra biển và một phần sẽ lắng đọng lại, chìm xuống đáy sông. Và quá trình phân hủy không làm cho nhựa biến mất mà chuyển thành những hạt nhựa nhỏ hơn 5 mm mà mắt thường không thể nhìn thấy. Theo quy luật tuần hoàn, khi các hạt vi nhựa được các loài động vật sinh sống ở dưới nước ăn vào, tích tụ trong cơ thể và khi con người sử dụng chúng làm thực phẩm thì con người lại nhiễm hạt vi nhựa.

"Có nhiều con đường để hạt vi nhựa xâm nhập vào cơ thể con người, khi mà nhiễm hạt vi nhựa vào trong cơ thể con người thì một phần được đào thải theo con đường tự nhiên, nhưng một phần vẫn còn tích tụ trong cơ thể con người và đó cũng là nguy cơ tiềm ẩn các bệnh tật cho con người"-PGS-TS Lê Hùng Anh nói.

Ông Trần Kim Thạch, Trưởng phòng quản lý chất lượng nước, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn chia sẻ, trước tình trạng ô nhiễm nguồn nước của sông Sài Gòn đang có xu hướng nghiêm trọng, để đảm bảo việc cấp nước cho TPHCM, Tổng công ty đã thực hiện một số kế hoạch như: Xây dựng các hồ chứa nước đầu nguồn để sơ lắng và ngăn sự xâm ngập mặn do biến đổi khí hậu; phối hợp với ban quản lý của hồ Trị An và hồ Dầu Tiếng để khi có sự cố về chất lượng nước ở hạ nguồn thì Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn sẽ yêu cầu 2 hồ chứa nước này xả nước để đảm bảo chất lượng nước luôn được ổn định.

"Với tình trạng ô nhiễm như vậy thì về trước mắt nó làm tăng chi phí xử lý cho hoạt động cấp nước của công ty, tuy nhiên về lâu dài thì hệ thống công nghệ sẽ có thế không đáp ứng được. Về lâu dài TP không có chiến lược để bảo vệ nguồn nước, thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc cấp nước cho TPHCM", ông Trần Kim Thạch nói.

Các loại rác nằm ngổn ngang đoạn dưới chân cầu Bình Triệu.

Hiện nay, tình trạng ô nhiễm sông ngòi, kênh rạch đang diễn ra ngày càng phức tạp hơn, đặc biệt là rác thải nhựa. Và mỗi người dân nên dần hạn chế thói quen sử dụng nhựa một lần, thay vào đó là các loại vật dụng tái sử dụng được nhiều lần, đặc biệt là không xả rác bừa bãi ra kênh rạch hay môi trường, để có thể kịp thời cứu lấy những dòng sông và đồng thời cũng đảm bảo được an ninh nguồn nước cho tương lai.

Theo vov

Bạn đang đọc bài viết Nguy cơ rác thải nhựa bức tử sông Sài Gòn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.