Thứ ba, 23/04/2024 18:33 (GMT+7)

Người dân trong bán kính 500m sẽ chịu ảnh hưởng ô nhiễm thủy ngân

MTĐT -  Thứ tư, 04/09/2019 22:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo Bộ TN&MT, đến thời điểm hiện tại, ước tính có khoảng từ 15,1 - 27,2 kg thủy ngân phát tán ra môi trường. Khu vực nguy hiểm trong bán kính 500m tính từ hàng rào của Công ty Rạng Đông.

Theo Vietnamnet, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/9, thông tin về kết quả quan trắc không khí, đất và nước mặt tại công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông, ông Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ TN-MT cho biết, Bộ đã tổ chức nhiều cuộc họp với các bộ ngành để thống nhất số liệu thủy ngân phát tán ra môi trường sau vụ cháy.

Ban đầu, theo số liệu báo cáo của công ty Rạng Đông, nguồn thủy ngân có thể phát tán là khoảng 15,1 kg. Tuy nhiên, theo tính toán của các nhà khoa học, cần 30mmg thủy ngân để sản xuất 1 bóng đèn huỳnh quang, 8mmg cho một bóng đèn compact, khối lượng thủy ngân phát tán là 27,2kg.

Rất may 3 kho tủ lạnh chứa amalgam để sản xuất đèn chưa bị cháy, vẫn đang được niêm phong.

Thứ trưởng TN&MT Võ Tuấn Nhân

"Chúng tôi xác định 15,1- 27,2 kg thủy ngân đã phát tán ra môi trường", ông Nhân nói.

Lãnh đạo Bộ TN&MT cho biết, đã lấy mẫu nước, trầm tích xung quanh nhà máy và cho nhiều kết quả khác nhau.

Cụ thể, so sánh giá trị nồng độ thủy ngân (Hg) với các quy chuẩn Việt Nam (QCVN) hiện hành về môi trường cho thấy:

Có 1/12 mẫu nước mặt có giá trị Hg vượt QCVN 1,3 lần tại điểm quan trắc trên sông Tô Lịch, cách cống xả gom nước thải của công ty ngõ 320 Khương Đình 1,5km.

Có 1/8 mẫu nước thải có giá trị Hg vượt QCVN 2,76 lần tại điểm quan trắc hố ga cạnh xưởng led trong công ty.

Có 12/13 mẫu trầm tích, bùn đáy có giá trị Hg vượt QCVN. Điểm quan trắc tại sông Tô Lịch, cách cống xả gom nước thải của công ty ngõ 320 Khương Đình 1km có giá trị Hg cao nhất, vượt QCVN 6,1 lần.

Có 1/6 mẫu không khí có giá trị Hg vượt QCVN 1,02 lần tại điểm quan trắc trong khuôn viên nhà kho bị cháy của công ty.

Tổng cục Môi trường cũng đã bố trí 4 vị trí lấy mẫu hấp phụ thuỷ ngân theo hướng phát tán của dòng khí tại khoảng cách 200 m, 500 m và 1.000 m tính từ hàng rào kho bị cháy.

Với khoảng cách 200 m, các mẫu hấp phụ thủy ngân đều có giá trị nằm trong ngưỡng khuyến cáo của WHO và châu Âu (ngưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe con người tại khu vực đô thị). Các điểm quan trắc không khí phía trước khu cháy và trong nhà kho bị cháy có giá trị thủy ngân cao, vượt ngưỡng khuyến cáo của WHO từ 10-30 lần (ngưỡng ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe con người tại khu vực đô thị).

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm, cơ quan chức năng đã đề nghị Công ty khẩn trương cô lập khu vực cháy, che chắn bằng mái tôn, phủ bạt để tránh mưa, không để hơi thuỷ ngân tiếp tục phát tán. 

Ngoài ra, 2/9 điểm quan trắc nước mặt có giá trị thủy ngân nằm ngoài khoảng khuyến cáo của WHO (ngưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe con người), đó là điểm ở hồ Hạ Đình và trên sông Tô Lịch, tại điểm cách ngõ 320 Khương Đình 1,5 km về phía hạ lưu.

Nồng độ thủy ngân trong môi trường đất tại các vị trí quan trắc đều không vượt quá ngưỡng có thể gây hại cho môi trường và sức khỏe của con người (theo khuyến cáo của Canada); nhưng mẫu đất trong khuôn viên vườn hoa của công ty có hàm lượng thủy ngân cao hơn các vị trí khác.

"Vụ cháy ở Rạng Đông là sự cố cháy nổ mất an toàn hoá chất, được đánh giá là quy mô ảnh hưởng trung bình nhưng thiệt hại lớn về tài sản, có tác động xấu đến sức khoẻ người dân và môi trường xung quanh; hoá chất gây ô nhiễm chủ yếu là thuỷ ngân và một số kim loại nặng", ông Nhân nói.

Theo ông, sau khi phân tích kết quả cũng như căn cứ vào khuyến cáo chuyên môn của WHO thì "người dân sống trong bán kính 500 m tính từ hàng rào kho bị cháy sẽ chịu ảnh hưởng ô nhiễm thủy ngân".

Về giải pháp khắc phục hệ quả vụ cháy, theo ông Võ Tuấn Nhân, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức cuộc họp liên ngành, đề nghị công ty Rạng Đông khẩn trương tổ chức cô lập khu vực bị cháy, che chắn nhà xưởng bằng mái tôn, bạt để tránh phát tán thuỷ ngân trôi chảy ra môi trường khi trời mưa, phòng chống khả năng thuỷ ngân bốc hơi gây ô nhiễm không khí khi trời nắng nóng lên.

Bộ Tài nguyên – Môi trường cũng dự định phối hợp với đơn vị chức năng như bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh hoá học tiến hành tẩy độc khu vực bị cháy, thống kê lượng hoá chất phát tán ra môi trường, căn cứ trên số thuỷ ngân lỏng đã sử dụng để sản xuất các bóng đèn huỳnh quang, compact. Bộ cũng đề nghị các cơ quan tổ chức kiểm tra sức khoẻ công nhân, người lao động trong công ty.

Đối với Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố phải chủ trì việc tiến hành xử lý phế thải vật liệu, khuyến cáo người dân trong vùng áp dụng các biện pháp vệ sinh, phòng ngừa phơi nhiễm thuỷ ngân. Hà Nội cũng cần công bố thông tin kết quả kiểm tra nhiễm độc với cán bộ phòng cháy vừa qua, xây dựng chế độ kiểm tra sức khoẻ với những người dân thuộc diện bị ảnh hưởng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ cùng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội để hướng dẫn cải tạo khu vực còn tồn dư thuỷ ngân, tiếp tục đánh giá khả năng phát tán thuỷ ngân trong môi trường không khí khi trời nắng lên. Viện nghiên cứu môi trường và các chuyên gia Nhật cũng sẽ tiếp tục cùng theo dõi, đánh giá, quản lý rủi ro môi trường sau vụ cháy.

Giải pháp lâu dài, theo Thứ trưởng Nhân, quan điểm của Bộ là các đô thị lớn, không chỉ Hà Nội, phải có kế hoạch di dời và lộ trình thích hợp để đưa các nhà máy có nguy cơ ô nhiễm ra khỏi khu dân cư. Bộ đề nghị Hà Nội nhân dịp này tạo điều kiện để đưa công ty Rạng Đông ra khỏi khu vực, không xây dựng lại nhà máy tại vị trí này. Ông Nhân cũng hi vọng, sau sự cố này, những công ty, nhà máy như Rạng ông (có nguy cơ ô nhiễm, có sử dụng nguồn hoá chất) nhất quyết phải di dời.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Người dân trong bán kính 500m sẽ chịu ảnh hưởng ô nhiễm thủy ngân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bảo tồn chim hoang dã: Cần một giải pháp hiệu quả và bền vững
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa ra mắt tài liệu “Các loài chim hoang dã nghiêm cấm hoặc hạn chế quảng cáo và mua bán” nhằm hỗ trợ các nỗ lực thực thi Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách bảo tồn chim hoang dã

Tin mới