Thứ sáu, 19/04/2024 10:00 (GMT+7)

Người của Tổng cục Môi trường nhờ 'giúp đỡ' cho Công ty Việt Tiến?

Triệu Hồ -  Thứ tư, 01/08/2018 16:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Một cty gây ô nhiễm môi trường, tự ý cho thuê đất theo kiểu liên doanh liên kết, không có đánh giá tác động môi trường và cũng chẳng có phương án PCCC,...Liệu có tình trạng bao che, hay lợi ích nhóm?

Như đã phản ánh trong bài viết: “Chủ tịch thị trấn Trâu Quỳ bức xúc nhưng bất lực với ô nhiễm” ngày 28/7, theo đó Môi trường và Đô thị Việt Nam thông tin về vụ việc Công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu và chế biến lương thực Việt Tiến hoạt đông gây ô nhiễm môi trường không chỉ khiến người dân mà cả chủ tịch thị trấn Trâu Quỳ cũng rất bức xúc.

Mặc dù UBND thị trấn Trâu Quỳ đã nhiều lần kiểm tra nhắc nhở, báo cáo, đề xuất lên cấp trên nhưng công ty vẫn không thực hiệ khắc phục, ngang nhiên xả thải khiến tình trạng ô nhiễm nối tiếp qua các năm.

Video: Ghi nhận xả thải ô nhiễm của công ty Việt Tiến:

Người dân đặt ra câu hỏi, lãnh đạo UBND huyện, phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Lâm (được cho là đang nắm rất chắc các hồ sơ, tài liệu về Công ty Việt Tiến) liệu có đang buông lỏng quản lý, tiếp tay cho công ty này hoạt động bất chấp pháp luật, ngày đêm “hủy hoại” môi trường và cuộc sống người dân?

Để làm rõ thông tin và có câu trả lời đến bạn đọc, PV đã nhiều lần liên hệ với ông Nguyễn Văn Hợi - Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường hiện đang là người phụ trách. Nhưng ông Hợi báo bận nên giao cho bà Lê Tuyết Mai chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện làm việc với PV.

Trong buổi làm việc bà Mai cho biết: “Thực ra UBND huyện đều biết về công ty này cả, đã có kiểm tra nhắc nhở đơn vị thực hiện rồi, tại thời điểm kiểm tra thì công ty này không có đề án bảo vệ môi trường và đánh giá tác động môi trường được cơ quan thẩm quyền nhà nước xác nhận phê duyệt”.

Ngày 26/7 UBND huyện đã lập đoàn kiểm tra và yêu cầu công ty cổ phàn sơn Nam Khánh (trong khuôn viên công ty Việt Tiến) phải tạm dừng hoạt động.

Theo tìm hiểu được biết Công ty Việt Tiến cho 7 công ty nhỏ khác vào thuê đất với mỗi công ty một ngành nghề khác nhau gồm có: Công ty cổ phần sơn Nam Khánh; cơ sở sửa chữa động cơ, mô tơ điện; cơ sở sản xuất cám; cơ sở sản xuất tủ điện; Công ty TNHH Văn phòng phẩm Thăng Long; Công ty cổ phần Ngọc Việt; Công ty cổ phần Tonysa.

Theo bà Mai, đợt kiểm tra gần nhất vào năm 2014, thời điểm đó Công ty Việt Tiến dừng hoạt động và cho 7 đơn vị khác vào thuê đất để sản xuất theo kiểu liên doanh liên kết chứ không sản xuất theo đúng dự án đầu tư được phê duyệt. Trước đây công ty này cũng chưa từng bị xử phạt gì về vi phạm môi trường.

Một nhà xưởng trong khu vực.

Thời điểm PV ghi nhận vẫn có tiếng ồn, khói bụi và nước thải phát ra từ dãy nhà xưởng, các đơn vị thuê đất của Việt Tiến vẫn chưa tạm dừng hoạt động.

Bà Mai cũng cho biết thêm: “UBND huyện đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra việc sử dụng đất theo hợp đồng thuê đất đã ký với Công ty Việt Tiến. Huyện đã kiểm tra ghi nhận toàn bộ hiện trạng, ghi nhận các lỗi vi phạm, yêu cầu tạm dừng và đã có kết luận rồi đề xuất cơ quan cấp trên. Theo nghị định 155 thì UBND huyện cũng không được xử lý vi phạm hành chính đối với những đối tượng như thế này”.

Theo như hợp đồng thuê đất được ký ngày 10/1/1997 do Sở Địa chính Hà Nội (tiền thân của Sở Tài nguyên và Môi trường hiện nay) đã ký với bên thuê đất là Công ty Việt Tiến, thời hạn thuê đất là 25 năm tính từ ngày 9/12/1996 thì Công ty Việt Tiến đã vi phạm những điều khoản được hai bên thống nhất trong hợp đồng đơn cử như việc vi phạm điều 3, điều 4 của hợp đồng này.

Hợp đồng thuê đất. 

Bà Lê Tuyết Mai cũng thông tin: “Năm 2017 không kiểm tra đến công ty này, thời điểm năm 2014 kiểm tra thì có 4 trên 7 đơn vị thực hiện Đề án bảo vệ môi trường, đến nay vẫn còn 3 đơn vị không có đề án bảo vệ môi trường, đã yêu cầu 3 đơn vị này dừng và lập biên bản xử phạm vi phạm hành chính”.

Về công tác PCCC của Công ty Việt Tiến, bà Mai khẳng định: “Tại thời điểm kiểm tra ngày 26/7/2018 Công ty Việt Tiến cũng không cung cấp được phương án PCCC, đã đề nghị giao cho công an kiểm tra tham mưu UBND huyện xử lý nghiêm”.

Theo cách nói của bà Mai thì UBND huyện đã nắm rất rõ những vi phạm nghiêm trọng của Công ty Việt Tiến từ 4 năm trước (đợt kiểm tra gần nhất là 2014) đã có báo cáo lên cấp trên, báo cáo lên Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nhưng từ đó đến nay vẫn không hề có một động thái nào nhằm xử phạt hay khắc phục ô nhiễm. Thậm chí các vi phạm ngày một nghiêm trọng và ngang nhiên.

Dư luận thắc mắc, theo như các điều khoản trong hợp đồng thì việc Công ty Việt Tiến cho các đợn vị khác vào thuê đất theo kiểu liên doanh liên kết khi chưa được cấp phép là hoàn toàn sai trái. UBND huyện đã nắm rất rõ những vi phạm này, liệu Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chính là bên cho thuê và đưa ra các điều khoản trên lại có thể không biết? Hay biết rồi nhưng lại "tiếp tay" cho vi phạm nhằm "trục lợi"?

Không chỉ coi thường pháp luật, ngang nhiên cho thuê, liên kết sai quy định, mà còn có những vi phạm khác về Đánh giá tác động môi trường, Đề án bảo vệ môi trường và Phòng cháy chữa cháy. Có hay không việc buông lỏng quản lý của huyện Gia Lâm và Sở Tài nguyên và Môi trường khi để “con voi chui lọt lỗ kim”? 

Ở một diễn biến khác, một người đàn ông không rõ tính danh tự xưng mình là Phó giám đốc Trung tâm tư vấn môi trường thuộc Tổng cục môi trường có gọi điện cho PV với nội dung: “Anh đang làm vụ việc chỗ ông Hợi bên Gia Lâm đúng không, anh kéo dài cho em ít hôm nữa hẵng xuống gặp chỗ ông Hợi”.

Khi PV thắc mắc về lời đề nghị kỳ quặc này thì người đàn ông nói rằng: “Bởi vì bây giờ mình đe ông ấy ra thì ông ấy lại đe một số doanh nghiệp đấy ra, một số doanh nghiệp đấy thì lại là em của chỗ ông anh em là chỗ anh D. ấy. Anh D. bên Tổng cục Môi trường. Thực ra bây giờ các anh đe ông Hợi ra thì lại đè đội kia ra thì hết hay ấy”(!?).

Điều khoản 3 trong hợp đồng thuê đất có ghi rõ: Trong quá trình sử dụng đất, bên thuê phải chấp hành đúng các quy định của Thành phố để đảm bảo các yêu cầu về an ninh, trật tự khu vực,phòng chống cháy, nổ,vệ sinh công cộng, bảo vệ môi trường và phải được các cơ quan quản lý của Thành phố Hà Nội xác nhận trước khi đưa công tình vào khai thác sử dụng.

Điều 4, khoản 4.1 có ghi: Trong thời hạn hợp đồng thuê đất có hiệu lực Bên thuê đất cam kết không sử dụng đất thuê vào mục đích trái phép, Không chuyển giao quyền sử dụng Khoảnh đất cho tổ chức hoặc cá nhân khác dưới bất kỳ hình thức nào khi chưa được cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước cho phép. Không được quyền góp vốn bằng giá trị thuê đất để liên doanh liên kết với tổ chức, cá nhân trong và nước ngoài khi chưa được Chính phủ hoặc UBND Thành phố cho phép.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin về xử lý vụ việc này.

Bạn đang đọc bài viết Người của Tổng cục Môi trường nhờ 'giúp đỡ' cho Công ty Việt Tiến?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?