Thứ sáu, 19/04/2024 20:06 (GMT+7)

Môi trường bị nội công, ngoại kích

MTĐT -  Thứ tư, 29/05/2019 11:26 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về công tác bảo vệ môi trường năm 2018. Theo đó, môi trường nước ta phải "trân mình" chịu đựng các yếu tố tác động từ bên trong lẫn bên ngoài.

Theo báo cáo, kết quả quan trắc môi trường không khí tại một số TP lớn những năm gần đây cho thấy chất lượng không khí đã được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, nồng độ bụi cục bộ tại một số khu vực trong một số đô thị, đặc biệt là Hà Nội và TP HCM có giá trị hơi vượt quy chuẩn Việt Nam nhưng mức độ ô nhiễm đang có xu hướng giảm dần.

Nước và đất khá hơn nhưng vẫn lo

Qua kết quả quan trắc và tính toán chỉ số chất lượng nước (WQI) cho thấy chất lượng nước tại các khu vực thượng nguồn lưu vực sông của Việt Nam được duy trì khá tốt, ô nhiễm xảy ra tập trung ở khu vực trung lưu và hạ lưu. Tại đầu nguồn sông Hồng, chất lượng nước sông đã bị ô nhiễm các chất hữu cơ (COD, BOD5) và có xu hướng gia tăng so với năm 2017. Tại thượng nguồn sông Hậu, nước sông cũng đã có hiện tượng ô nhiễm các chất hữu cơ.

Tại một số khu vực vẫn xảy ra tình trạng ô nhiễm kéo dài, điển hình như lưu vực sông Cầu (đoạn hợp lưu của sông Ngũ Huyện Khê giữa 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang); lưu vực sông Nhuệ - Đáy, nhất là khu vực giáp ranh giữa Hà Nội và tỉnh Hà Nam; các đoạn sông chảy qua nội thành Hà Nội; các kênh Tàu Hũ - Bến Nghé, Tân Hóa - Lò Gốm thuộc TP HCM… Ô nhiễm chủ yếu là các chất hữu cơ, chất dinh dưỡng (N&P) đã vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường cho phép theo QCVN 08-MT:2015/BTNMT.

Kênh Tân Hóa - Lò Gốm (TP HCM) vẫn còn ô nhiễm, chủ yếu là các chất hữu cơ vượt quá quy chuẩn Ảnh: Hà Giang.

Tình trạng xâm nhập mặn vẫn tiếp tục diễn ra tại các khu vực cửa sông của lưu vực các sông Vu Gia - Thu Bồn, Đồng Nai, Mê Kông và có xu hướng gia tăng so với những năm trước.

Chất lượng nước dưới đất vẫn duy trì khá tốt song một số khu vực ở đồng bằng Bắc Bộ có hiện tượng ô nhiễm cục bộ chất dinh dưỡng và kim loại nặng. Chất lượng nước biển ven bờ có các thông số đặc trưng đều nằm trong giới hạn của QCVN 10-MT:2015/BTNMT về chất lượng nước biển. Một số khu vực có các hoạt động giao thông, cảng biển phát triển mạnh như tỉnh, TP Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng… vẫn xảy ra tình trạng ô nhiễm cục bộ các chất rắn lơ lửng, dầu mỡ song không có biến động bất thường so với năm 2017 và những năm trước.

Môi trường đất tại một số khu vực có hoạt động sản xuất công nghiệp, làng nghề đã có hiện tượng ô nhiễm kim loại nặng (xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ; khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội; làng nghề tái chế Châu Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh; KCN Hòa Khánh, Đà Nẵng…). Hiện tượng xâm nhập mặn tại các vùng cửa sông, thoái hóa đất do xói mòn rửa trôi tại vùng đồi núi có xu hướng tăng so với giai đoạn 2015-2017. Đặc biệt, hiện tượng mặn hóa, phèn hóa, xâm nhập mặn ở các cửa sông và vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn tiếp tục diễn ra, ảnh hưởng môi trường đất.

147/435 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng

Năm 2018, có thêm 79 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã hoàn thành việc xử lý triệt để. Tuy nhiên, trên phạm vi cả nước vẫn còn 147/435 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 1788/2013/QĐ-TTg chưa hoàn thành xử lý triệt để. Bên cạnh đó đã phát sinh một số cơ sở gây ô nhiễm môi trường mới, đặc biệt các cơ sở thuộc khu vực công ích như bãi rác, cơ sở y tế tuyến huyện...

Ngoài ra, Việt Nam hiện có trên 5.000 mỏ và điểm khai thác khoáng sản làm phát sinh lượng bụi, nước thải lớn, gây tác động xấu đến môi trường do ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước; khoảng 300 doanh nghiệp sản xuất giấy, bột giấy, hầu hết sử dụng công nghệ lạc hậu, thiết bị cũ, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do phải trải qua nhiều quy trình tẩy mực, băm nhuyễn, làm trắng… hay sử dụng nhiều loại hóa chất và bản thân các phế phẩm từ giấy cũng chứa nhiều chất gây ô nhiễm có độc tính cao; 25 nhà máy nhiệt điện than đã vận hành thương mại với tổng công suất lắp đặt là 18.294 MW, 65 dự án sản xuất gang thép có công suất 100.000 tấn/năm trở lên… nếu không được quản lý, tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải tốt sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Đối với ngành dệt nhuộm, nước thải gần như chưa được xử lý một cách hiệu quả, không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Hiện cả nước có 251 KCN đã đi vào hoạt động có phát sinh chất thải (không tăng so với năm 2017). Nhưng trong năm 2018, tiếp tục có một số cơ sở phát sinh nguồn thải lớn đi vào hoạt động như Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (nước thải công nghiệp 9.600 m3/ngày đêm, nước làm mát và nước khử lưu huỳnh bằng FGD có khối lượng lớn hàng triệu m3/ngày, chất thải nguy hại là 521 tấn/tháng), Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh đi vào vận hành lò cao số 2, các dự án nhiệt điện tại trung tâm điện lực Vĩnh Tân (lưu lượng nước làm mát và khử lưu huỳnh bằng FGD khoảng 28 triệu m3/ngày đêm), một số nhà máy đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý chất thải như dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ, dự án "Tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng"...

Đáng sợ nguồn ô nhiễm từ bên ngoài

Áp lực từ chính sách cấm nhập khẩu một số loại phế liệu của một số nước trên thế giới dẫn đến phế liệu đang có nguy cơ chuyển vào khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam. Tổng khối lượng phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam năm 2018 là 9.254.300 tấn, tăng hơn 1.308.100 tấn so với năm 2017.

Các vấn đề môi trường theo lưu vực sông Mê Kông, sông Hồng, các sông xuyên biên giới, biển ngày càng phức tạp. Đến nay, trên dòng chính sông Mê Kông có 7 công trình đập thủy điện đã được xây dựng trên phía thượng nguồn, trong đó có 3 đập đang được xây dựng và 1 đập dự kiến xây dựng vào năm 2022 cùng với 78 con đập trên dòng phụ của sông Mê Kông. Các đập thủy điện này không chỉ làm thay đổi dòng chảy, ngăn chặn sự di chuyển của cá, giảm luồng trầm tích, sụt giảm phù sa, gia tăng mất mát đa dạng sinh học mà còn gây ô nhiễm nguồn nước, làm gia tăng nguy cơ xói lở, xâm nhập mặn, tác động tích lũy xuyên biên giới đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long của nước ta.

Một lượng lớn rác thải nhựa tiếp tục được thải ra trên toàn thế giới, phần lớn trong số đó được thải ra đại dương. Báo cáo của Liên Hiệp Quốc năm 2018 cho thấy mỗi năm có khoảng 500 tỉ chai nhựa, trên 500 tỉ túi ni-lông được sử dụng; nhân loại thải bỏ một lượng rác thải nhựa đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất, trong đó 13 triệu tấn thải ra đại dương.

Trong năm 2018, tiếp tục phát hiện và công bố 19 loài ngoại lai xâm hại, 61 loài ngoại lai nguy cơ xâm hại. Những vấn đề này đang đặt ra những thách thức lớn cho môi trường nước ta.

Theo NLĐ

Bạn đang đọc bài viết Môi trường bị nội công, ngoại kích. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...