Thứ sáu, 29/03/2024 22:56 (GMT+7)

Mách người dân vùng ngập lụt xử lý nước và ô nhiễm môi trường

MTĐT -  Thứ hai, 23/07/2018 22:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Khi có lũ lụt xảy ra, nước cuốn trôi và hòa trộn mọi chất thải gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường. Dưới đây sẽ là một vài biện pháp giúp người dân tại vùng lũ khắc phục tạm thời vấn đề ô nhiễm.

Nguy cơ ngập lụt trở lại ở miền Bắc

Sau khi bão Sơn Tinh đi qua, sáng 23/7, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đang trên đảo Hải Nam (Trung Quốc), với sức gió mạnh cấp 6, giật câp 8. Dự báo, ATNĐ di chuyển theo hướng Bắc, về phía bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), sau đó chuyển sang hướng Tây đi về phía Móng Cái, Quảng Ninh và biên giới Việt-Trung, gây ảnh hưởng đến Bắc bộ và tiếp tục gây ra một đợt mưa to đến rất to từ ngày 25-7 đến ngày 27-7.

Do đó, trong tuần này, liên tục từ thứ 3 đến Chủ nhật, trời nhiều mây, có mưa và mưa rào. Trong đó 3 ngày cuối tuần, từ thứ 6 tới Chủ nhật có khả năng có mưa to đến rất to, và nguy cơ ngập úng có thể lặp lại. Cần lưu ý mưa to sẽ có khả năng gây lũ quét và sạt lở đất đá ở khu vực vùng núi phía Bắc, bởi khu vực này được dự báo sẽ là trọng tâm mưa của đợt mưa tới.

Sau bão lũ, ngập lụt, các vùng ảnh hưởng thường xảy ra nhiều loại dịch bệnh như tả, lỵ, thương hàn... mà nguyên nhân chính là do môi trường và nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm. Nếu không có biện pháp xử lý tốt thì có thể bùng phát những vụ dịch lớn.

Xử lý môi trường ô nhiễm và xác động vật sau bão

Bão Sơn Tinh tràn vào Việt Nam gây ngập lụt trên diện rộng tại nhiều địa phương nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc như Yên Bái, Phú Thọ,... Tận dụng khi nước rút và trời tạnh ráo, người dân tại các vùng bị thiệt hại cần nhanh chóng xử lý các nguồn ô nhiễm để ổn định cuộc sống và chuẩn bị kỹ lưỡng cho đợt mưa lũ tiếp theo có thể xảy ra.

Nước rút đến đâu người dân phải huy động cộng đồng làm vệ sinh môi trường đến đó. Vì nếu không làm kịp thời thì sẽ khó đẩy được phù sa ra khỏi nhà, sân và đường đi. Khi nước rút hết môi trường bị ô nhiễm nặng, có mùi tanh thối do xác súc vật, côn trùng, cây cối chết thối rữa... Do đó, cần phải khơi thông cống rãnh, lấp vũng nước đọng, chôn lấp xác súc vật và tẩy uế.

Về xử lý xác súc vật chết, người dân hãy khảo sát, ước lượng xác súc vật chết cần xử lý. Chọn vị trí chôn xác súc vật ở ngoài đồng cách xa nguồn nước ít nhất 50m. Đào hố chôn xác súc vật ở độ sâu ít nhất phải trên 0,8m, đổ 3-5kg vôi bột hoặc phun Chloramine B nồng độ cao rồi lấp đất lèn chặt, rào kỹ lại tránh súc vật đào bới.

Khử trùng nơi có xác súc vật chết: Sau khi chuyển xác súc vật đi chôn phải phun thuốc khử trùng hoặc rải vôi bột nơi có xác súc vật chết. Nếu không có vôi, hoá chất khử trùng thì dùng rác khô đốt nơi súc vật chết. Hằng ngày phải kiểm tra nơi chôn xác súc vật xem có bị súc vật hoặc chuột bọ đào bới hay không. Nếu phát hiện có mùi hôi thối hoặc bị đào bới thì phải lấp lại ngay.

Dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, phơi khô quần áo, không treo, mắc quần áo ẩm ướt vào một chỗ dễ làm nơi trú ẩn cho muỗi.

Xử lý nước sinh hoạt giếng khoan và giếng khơi

Sau lũ lụt, đối với giếng khoan, cần xử lý như sau: bơm hết nước đục và bơm tiếp tục khoảng 15 phút để loại bỏ nước có khả năng bị nhiễm bẩn. Sau đó người dân có thể sử dụng được nguồn nước giếng khoan. Cần chú ý làm vệ sinh sạch sẽ bơm nước và sàn nền giếng khoan.

Đối với giếng khơi: Cần khơi thông tất cả các vũng nước đọng chung quanh khu vực giếng nước. Dội lên thành giếng làm cho trôi sạch hết đất cát, rác bám trên thành giếng và sàn nền giếng. Nếu giếng nước bị ngập lụt, có nước đục; phải tiến hành thau vét giếng. Múc cạn nước và vét hết bùn cặn. Các vùng có điện hoặc có máy nổ, dùng máy bơm điện hút cạn nước rồi thau vét giếng.

Nếu tất cả các giếng nước trong khu vực đều không thể thau vét được, có thể áp dụng biện pháp xử lý tạm thời như múc vài chục lít nước lên bể chứa rồi đánh phèn chua và khử trùng. 

Trường hợp không có phèn chua để làm trong nguồn nước, có thể làm một bể lọc cát tạm thời bằng một thùng, xô hay vại với thể tích chứa khoảng 20 - 30 lít nước. Đục một lỗ với đường kính chừng 1 cm  trên vách thành, cách đáy thùng 5 cm. Cho một ít đá hoặc gạch vỡ lót ở đáy, đặt một mảnh bao tải gai lên trên rồi đổ cát dày khoảng 25 - 30 cm. Đổ nước giếng vào cho đến khi nước chảy ra trong suốt thì lấy để khử trùng.

Nếu giếng nước bị ngập nhưng nước lụt không tràn vào giếng và nước giếng còn trong thì vẫn phải tiệt trùng trước khi sử dụng. Nếu điều kiện cho phép nên múc cho nước cạn và thau vét. Nếu không có điều kiện, có thể tiến hành tiệt trùng ngay nước trong giếng để sử dụng tạm; một vài tuần sau tiến hành thau vét giếng nước.

Khi có hàng loạt giếng nước bị ngập lụt, nhu cầu sử dụng nước nhiều mà không đủ lực lượng xử lý nước, mỗi cụm dân cư nên chọn một vài giếng nước tập trung xử lý trước để có thể lấy được nước dùng ngay. 

Đặc biệt, trước khi vào đợt mưa lũ, người dân nên thường xuyên dùng tấm vải nylon hoặc nắp đậy bịt miệng giếng khơi để ngăn bớt rác, cặn bẩn xâm nhập vào giếng chứ không ngăn chặn được nước bẩn vào giếng. 

Phan Ngân (T/H)

Bạn đang đọc bài viết Mách người dân vùng ngập lụt xử lý nước và ô nhiễm môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới