Thứ năm, 18/04/2024 13:22 (GMT+7)

Trên 1.000 công trình thủy lợi đã quá tải, xuống cấp nghiêm trọng

Mai Hương -  Thứ tư, 25/07/2018 16:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cùng với đê điều, nhiều thiết chế hạ tầng hiện nay đã trở nên quá tải, số lượng hồ chứa thuỷ lợi xuống cấp nghiêm trọng khiến nhà chức trách lo lắng.

Hạ tầng quá tải, khó đối phó với diễn biến thiên tai cực đoan

Chiều 25/7, phát biểu tại cuộc họp liên quan đến vụ việc vỡ đập thuỷ điện Xe Pian-Xe Namnoy ở tỉnh Attapeu (đông nam Lào), Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường bày tỏ những sự lo ngại đối với tình hình thời tiết, thiên tai ngày càng có những diễn biến cực đoan.

Những trận mưa lớn kéo dài ngay sau thời gian nắng nóng được Bộ trưởng Bộ NN&PTNN đưa ra làm dẫn chứng. Đặc biệt, lượng mưa lớn đã gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng về cả người, tài sản.

Bên cạnh đó, vấn đề hàng loạt hệ thống đê điều đang có dấu hiệu xuống cấp, hư hại cũng được Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu, theo đó, đây cũng là một trong những việc cấp bách, ảnh hưởng lớn tới công tác phòng chống thiên tai.

Cùng với đê điều, nhiều thiết chế hạ tầng hiện nay đã trở nên quá tải, số lượng hồ chứa thuỷ lợi xuống cấp nghiêm trọng, chưa được sửa chữa mà Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đưa ra là con số khá giật mình, trên 1 ngàn công trình hạ tầng đang có tình trạng vừa nêu.

Cũng liên quan đến sự tác động của thời tiết, người đứng đầu bộ NN&PTNT nói rằng chỉ cần mưa từ 100-150mm là đã có thể gây hậu quả nghiêm trọng vì tất cả rừng và đất rừng ở nước ta đã no nước. 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai.

"Sự cố cỡ đập ở Lào là bài học lớn cho Việt Nam, chúng ta cần tổng rà soát đánh giá các hồ chứa thuỷ điện thuỷ lợi trước mùa mưa lũ" ông Nguyễn Văn Hải, Phó Cục trưởng cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai nói.

Ông Hải cho rằng cần tính toán quan trắc để có thông tin chính xác về lượng mưa, lượng nước. Ban chỉ đạo Trung Ương phòng chống thiên tai sẽ cùng các địa phương tiếp tục rà soát một lần nữa toàn bộ hệ thống hồ chứa thuỷ điện, thuỷ lợi để đánh giá kỹ lưỡng an toàn hồ chứa, đập thuỷ điện để có giải pháp ứng phó kịp thời.

Đối những lo ngại về tác động từ vụ vỡ đập ở Lào, vị Phó Cục trưởng khẳng định là sự cố vỡ đập ở Lào ít tác động đến Đồng bằng Sông Cửu Long. Mực nước dâng ở khu vực này khoảng 5-10cm. Theo tính toán sau 4 đến 5 ngày, lượng nước từ đập vỡ ở Lào mới về đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Chiều 25/7, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai và những tác động tới Việt Nam để đưa ra những giải pháp ứng phó.

Cuộc họp có sự tham gia của ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT); PGS.TS Trần Hồng Thái - Tổng cục Khí tượng Thủy văn cùng đại diện các Bộ Y tế, Bộ TN-MT, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Ngoại giao.

 Thiên tai gây thiệt hại lớn về người và tài sản

Thông tin từ Cục Phòng chống thiên tai cho hay, từ đầu năm 2018 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 14 loại hình thiên tai bao gồm: 02 cơn bão, 02 ATNĐ, 88 trận dông, lốc sét, 7 trận lũ quét, sạt lở đất, 07 đợt gió mạnh trên biển, 04 đợt rét đậm, rét hại,…trong đó đặc biệt là lũ quét, sạt lở đất từ ngày 23-26/6/2018 tại các tỉnh miền núi gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Tổng hợp từ đầu năm 2018 đến nay thiên tai đã làm 75 người chết và mất tích, 48 người bị thương; 509 nhà bị đổ, sập và 12.571 nhà bị hư hại, tốc mái và 1.964 nhà bị ngập nước; 14.394 ha lúa và hoa màu bị đổ dập; 1.689 ha cây công nghiệp và cây ăn quả bị thiệt hại, gãy đổ; 8.923 con gia súc và 17.109 con gia cầm bị chết; 8.966 m đê dưới cấp IV, kênh mương và bờ bao bị sạt trượt. Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính trên 868,5 tỷ đồng.

Để sẵn sàng chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản, 6 tháng cuối năm 2018, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT sẽ tập trung triển khai Nghị quyết 76/NQ-CP, Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Từ nay đến cuối năm, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cần phối hợp thành lập các đoàn kiểm tra do Thứ trưởng làm trưởng đoàn, chú ý kiểm tra các địa phương dễ xảy ra thiên tai, chú trọng kiểm tra về phương án PCTT, lực lượng, phương tiện cần huy động khi xảy ra thiên tai, kiểm tra an toàn hồ đập, kiểm tra công tác đảm bảo sự an toàn khi vận hành hồ chứa, các phương án phân lũ đảm bảo an toàn cho người dân vùng hạ lưu.

Bên cạnh đó, cần kiểm tra hệ thống đê điều, có các biện pháp chống sạt lở đất ở bờ sông, bờ biển, các hệ thống đê xung yếu, bảo vệ các công trình quan trọng như hệ thống điện, đường giao thông, giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương lên phương án sơ tán dân khi xảy ra thiên tai, đảm bảo an toàn cho người dân. 

Bạn đang đọc bài viết Trên 1.000 công trình thủy lợi đã quá tải, xuống cấp nghiêm trọng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.
Khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3
Tối 17/4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba - năm 2024.