Thứ năm, 25/04/2024 11:07 (GMT+7)

Làm sạch sông Tô Lịch: Chuyên gia Nhật lên tiếng phản bác Hà Nội

MTĐT -  Thứ hai, 02/12/2019 09:07 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tổ chức xúc tiến thương mại-môi trường Nhật Bản đã phản bác lại ý kiến của Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho rằng, kết quả thí điểm của công nghệ Nano-Bioreactor tại sông Tô Lịch là thất bại.

Mới đây, đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội mới đây có buổi tiếp xúc cử tri tại quận Thanh Xuân. Tại đây, lãnh đạo thành phố đã giải đáp các thắc mắc, mong mỏi của người dân thủ đô trước việc con sông Tô Lịch trăm năm tuổi vẫn "chết dần" dù các giải pháp của chuyên gia trong và ngoài nước đã được thực hiện.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết thành phố đang nghiên cứu 3 phương án giải quyết ô nhiễm ở sông Tô Lịch. Việc thu gom toàn bộ nước thải, lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng việc này không khả thi do có quá nhiều điểm xả thải, chi phí xây dựng sẽ rất lớn.

Vừa qua, thành phố cũng được đoàn chuyên gia Nhật Bản giúp đỡ, thí điểm sử dụng công nghệ Nano-Bioreactor để xử lý nguồn ô nhiễm ở sông Tô Lịch. Bên cạnh đó, thành phố cũng cho xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch và một số hồ bằng các chế phẩm sinh học, hóa học. Nhưng ông Dục vẫn cho rằng các kết quả chưa thực sự khả quan và áp dụng sẽ khó hiệu quả.

"Hiện còn phương án cuối cùng là xây dựng hệ thống cống thu gom nước thải đặt dọc hai bên bờ sông, nước thải sẽ được đưa về nhà máy nước thải Yên Xá để xử lý", ông Dục nói.

Giám đốc Sở Xây dựng thông tin hệ thống cống thu gom dự kiến hoàn thành vào năm 2020 nhưng đang chậm tiến độ. Dự kiến năm 2021 hệ thống thu gom này sẽ được đưa vào sử dụng và giải quyết được vấn đề ô nhiễm sông Tô Lịch.

Trước phát ngôn này, Tổ chức xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản đã phản bác lại ý kiến của Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục. Trong thông cáo báo chí gửi các cơ quan truyền thông có nêu rõ: “Ông Giám đốc Sở Xây dựng là người đại diện cho chính quyền Hà Nội mà cố tình phát biểu vô căn cứ, không hiểu mục tiêu, trái kết luận của UBND TP nên buộc chúng tôi phải lên tiếng để bảo vệ danh dự của công nghệ Nhật Bản, cũng như danh dự cá nhân của chúng tôi liên quan tới dự án tài trợ miễn phí thí điểm xử lý một đoạn sông Tô Lịch".

Nội dung thông cáo giải thích tiếp, “trong buổi họp đánh giá về kết quả Dự án này do Chủ tịch UBND Hà Nội chủ trì ngày 29/10/2019, ông Giám đốc Sở Xây dựng cũng không có ý kiến đánh giá về kết quả không đạt hay thất bại.

Đặc biệt, trong văn bản Thông báo số 1338/TB-UBND ngày 5/11/2019 về “Kết luận của Chủ tịch UBND Thành phố tại buổi làm việc với Tổ chức Xúc tiến Thương mại – Môi trường Nhật Bản về kết quả thí điểm xử lý làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản” cũng đều không hề có nội dung nào đánh giá về kết quả Dự án của chúng tôi là thất bại.

Mặt khác, UBND Thành phố còn đang giao cho Tổ chức Chúng tôi tiếp tục triển khai làm mở rộng thêm 1 ao tù để tiếp tục đánh giá. Vậy, Chúng tôi không hiểu không hiểu động cơ, mục đích là gì, căn cứ vào Kết luận đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường hay UBND Thành phố mà ông Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội lại có thể vượt thẩm quyền và phát ngôn đánh giá rằng, kết quả Dự án chúng tôi là thất bại?” - thông cáo báo chí nêu rõ.

Vậy căn cứ vào đâu mà ông Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội lại phát ngôn như vậy? Khi thực hiện (thí điểm) Tổ chức Xúc tiến thương mại – Môi trường Nhật Bản có mục tiêu rõ ràng và đã có báo cáo UBND TP Hà Nội, các Sở, ngành, đơn vị có liên quan.

Theo kết quả phân tích của các cơ quan chuyên môn Việt Nam, chất lượng nước ở khu thả cá Koi trên sông Tô Lịch và Hồ Tây đã có 36/36 chỉ tiêu đạt QCVN 08-MT:2015/BTNMT; Mùi hôi thối sông Tô Lịch giảm 200 lần, Hồ Tây giảm 30 lần.

Với nước trong khu xử lý thả cá Koi tại sông Tô Lịch: Vi khuẩn có hại Coliform giảm hơn 61 triệu lần, E.coli giảm 1.100 lần; Với nước khu xử lý thả cá Koi tại Hồ Tây: Vi sinh vật có lợi Bacillus tăng 738 lần, tổng vi sinh vật hiếu khí tăng 47 lần;

Với bùn, bùn sông Tô Lịch (trong khu xử lý) giảm nhiều nhất 76,3cm từ 91.3cm về 15cm, bùn Hồ Tây giảm nhiều nhất về 0cm. Ngoài ra, cá Koi và cá chép Việt Nam đã thả tại khu vực nước sau xử lý tại khu thí điểm đều sống và sinh trưởng tốt sau gần 2 tháng cho đến ngày chuyển sang Hồ Tây.

Như vậy, kết quả cho thấy 6/6 mục tiêu đặt ra đã đạt, như vậy là dự án chứng minh công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản đã thành công như dự kiến. Vậy căn cứ vào đâu mà ông Giám đốc Sở Xây dựng lại đánh giá kết quả dự án là thất bại?

"Cũng cần nhắc lại, ngay từ ngày đầu gặp mặt Ngài Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 11/4/2019, chúng tôi đã đưa ra khẳng định “với công nghệ này, chỉ sau 3 ngày, mùi hôi sẽ giảm gần hết. Còn sau khoảng 2 tháng, các chất thải và bùn dưới sông sẽ bị phân hủy” - nội dung thông cáo cho biết.

Ngoài ra, cá Koi và cá chép Việt Nam thả tại khu vực nước sau xử lý tại khu thí điểm sống và sinh trưởng tốt sau gần 2 tháng cho đến ngày chuyển sang hồ Tây.

Theo đánh giá của người dân sống cạnh khu vực thí điểm, mặc dù hàng ngày vẫn có lượng nước thải chưa qua xử lý liên tục xả trực tiếp vào khu vực thí điểm tuy nhiên gần như không còn mùi hôi thối tại khu vực xử lý thí điểm.

Dự án thí điểm làm sạch sông Tô Lịch được triển khai từ ngày 16/5. Theo kế hoạch ban đầu, đến giữa tháng 7/2019, Công ty cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt (JVE) sẽ công bố kết quả.

Tuy nhiên, do sự cố xả nước hồ Tây bất ngờ ngày 9/7, khiến toàn bộ kết quả thí điểm bị cuốn trôi, đơn vị thí điểm đã phải triển khai lại và vừa kết thúc đợt thí điểm thứ 2 ngày 17/10.

Toàn bộ hệ thống máy móc phục vụ thí điểm của đơn vị này cũng đã được tháo dỡ khỏi sông Tô Lịch.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Làm sạch sông Tô Lịch: Chuyên gia Nhật lên tiếng phản bác Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành