Thứ ba, 19/03/2024 14:43 (GMT+7)

Kỳ họp HĐND TPHCM: “Nóng” với kẹt xe và ô nhiễm môi trường

MTĐT -  Chủ nhật, 08/12/2019 11:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 7/12, trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 17, HĐND TPHCM đã tập trung thảo luận, cho ý kiến hàng loạt vấn đề “nóng”, trong đó có vấn đề giao thông và ô nhiễm môi trường.

Trước tình trạng sương mù xuất hiện nhiều ở TPHCM, ĐB Nguyễn Mạnh Trí đề nghị ngành TN-MT có thông tin chính thống về tình hình ô nhiễm ở TPHCM, vì nhiều người nói theo một cách rất chủ quan là TPHCM là một trong những nơi ô nhiễm nhất thế giới (!?)

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Sở TN-MT cho biết, sở vẫn tiến hành quan trắc ở những địa điểm như các nút giao thông, vào thời gian cao điểm. Kết quả ô nhiễm nhất phải kể đến khu vực vòng xoay Mỹ Thủy, với hơn 90% kết quả quan trắc vượt quy chuẩn về tiếng ồn, hơn 50% vượt quy chuẩn về bụi.

Hiện nay TP đang vận hành thử nghiệm hai trạm quan trắc phía Đông ở quận 9 và phía tây ở quận Bình Tân, nhờ đó sẽ có thể quan trắc tự động và công bố kết quả liên tục trong 24/24. Ngoài việc công bố trên website và 48 bảng điện tử, sở sẽ xây dựng app trên điện thoại để việc cung cấp thông tin đến người dân được liên tục, kịp thời.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM thông tin, TPHCM có 327 vị trí quan trắc về nước và không khí. Riêng về môi trường đô thị có 30 vị trí quan trắc và kết quả cho thấy, TPHCM có bụi lơ lửng và tiếng ồn. Nguyên nhân do giao thông gây ra, tiếp đó là công nghiệp và xây dựng. Khi ô nhiễm như vậy tích tụ, gây ra sương mù trong thời gian ngắn.

Cũng liên quan đến môi trường, ĐB Hoàng Thị Diễm Tuyết nhận xét, việc vận động người dân không xả rác; việc giám sát, xử phạt chưa được thực hiện nghiêm nên tình trạng xả rác ra nơi công cộng vẫn diễn ra nhiều. TPHCM đang chuyển sang đốt rác phát điện, ĐB Nguyễn Minh Nhựt lo lắng, khí thải của việc đốt rác, nếu xử lý không khéo thì có khả năng gây các bệnh ung thư và khí độc phát tán rộng. ĐB Nguyễn Minh Nhựt đề nghị TP phải kiểm soát chặt chẽ quá trình thi công xây dựng và vận hành, đảm bảo đúng chuẩn, không gây ô nhiễm môi trường.

Trong phần trả lời, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM thừa nhận, sở chưa có giải pháp để cải tiến hiệu quả việc xử phạt người vứt rác ra nơi công cộng. Số lượng camera gắn ở khu dân cư tăng, một năm lắp đặt hơn 12.000 camera, song muốn sử dụng hình ảnh từ camera để xử phạt hành vi vứt rác thì lại không đủ pháp lý, bởi camera không đáp ứng chuẩn yêu cầu kỹ thuật và chưa kiểm định. Bà Mỹ cho hay, toàn TP chỉ có khoảng 800 camera đủ chuẩn để sử dụng làm căn cứ xử phạt, còn lại là camera xã hội hóa, chưa kiểm định.

Về việc đốt rác phát điện, bà Mỹ cho hay, TPHCM đã chọn công nghệ này là công nghệ chủ lực trong xử lý rác thời gian tới, giúp giảm nươc rỉ rác, giảm mùi hôi so với cách cũ là chôn lấp rác. Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM nhìn nhận lo lắng của ĐB là chuẩn xác, bởi nếu không kiểm soát kỹ (nhiệt độ đốt rác không trên 1.100 độ C), thì việc đốt rác có thể phát thải dioxin làm ảnh hưởng rất cao tới môi trường. Bà Mỹ cho hay, TPHCM lựa chọn công nghệ của Đức, có sự đồng bộ, có thu khí trong quá trình đốt. Tiếp thu góp ý của ĐB, bà Mỹ cam kết, sở sẽ giám sát chặt chẽ quá trình lắp đặt và xử lý rác thải bằng công nghệ đốt.

Lượng hành khách đi xe buýt ngày càng giảm

ĐB Nguyễn Trọng Trí cũng băn khoăn về con số vận tải hành khách công cộng ngày một giảm. ĐB Trí đề nghị cần nghiên cứu những giải pháp trợ giá mới, thu hút người dân đi xe buýt nhiều hơn thay cho cách trợ giá như hiện nay. Chấp nhận lý giải do kẹt xe nên người dân chọn phương tiện khác cho linh hoạt, phù hợp hơn, song ĐB Thi Thị Tuyết Nhung vẫn bày tỏ sự thất vọng khi lượng hành khách đi xe buýt giảm mạnh (giảm 14%).

ĐB Tuyết Nhung đề nghị Sở GT-VT TPHCM có các giải pháp đảm bảo đến cuối năm 2020, tỷ lệ người dân TPHCM sử dụng xe buýt đạt theo yêu cầu. ĐB Tuyết Nhung cũng ái ngại khi rất nhiều xe ôm công nghệ cứ chăm chăm nhìn vào điện thoại, gây ra nhiều lo lắng cho người đi đường.

Hiện nay trên địa bàn TPHCM có 43.000 ô tô dưới 9 chỗ và 164.000 xe ôm công nghệ. Về việc các tài xế xe công nghệ vừa lái xe, vừa sử dụng điện thoại di động, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GT-VT cho hay, sở đã phối hợp với Công an TPHCM triển khai các đợt cao điểm xử phạt. Sở cũng yêu cầu các đơn vị cung ứng dịch vụ siết chặt hoạt động và tăng cường xử lý các lái xe vi phạm.

Phân trần về tình trạng người đi xe buýt giảm, người đứng đầu ngành GTVT thành phố nhìn nhận, do thời gian đi xe buýt từ trung tâm ra ngoại thành kéo dài cả tiếng đồng hồ; đi các tuyến trong khu vực nội ô cũng mất từ 30-45 phút. Đó là chưa kể thời gian chờ đợi. “Thời gian chờ đợi, đi xe buýt kéo dài làm giảm sức cạnh tranh của xe buýt. Điều này cũng khiến người dân nản, bỏ xe buýt và lựa chọn các phương tiện khác”, ông Trần Quang Lâm thừa nhận. Trong khi đó, số lượng phương tiện giao thông cá nhân không ngừng tăng ở mức cao, khoảng 200 xe các loại đăng ký mới/ngày. Xe cá nhân bùng nổ càng gây thêm khó khăn cho hoạt động của xe buýt.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Kỳ họp HĐND TPHCM: “Nóng” với kẹt xe và ô nhiễm môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Im lặng để mất nhau
Anh im lặng , em cũng sẽ lặng im////Dù con tim hình bóng anh khuất lấp///Niềm nhớ thương dành cho anh duy nhất///Cũng im lìm chẳng nhắn gọi anh đâu...
Bài thơ: Lòng cỏ
Đôi khi lòng đau như cỏ///Vết chân vô ý lướt qua,///Có khi lòng vui như cỏ///Bàn chân mềm mại thướt tha.