Thứ sáu, 29/03/2024 12:53 (GMT+7)

Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất bao bì thân thiện với môi trường

MTĐT -  Thứ hai, 25/11/2019 10:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thời gian qua, các ngành chức năng và chính quyền các quận, huyện đã có nhiều hình thức tuyên truyền nhằm hạn chế việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần.

Thời gian qua, các ngành chức năng và chính quyền các quận, huyện đã có nhiều hình thức tuyên truyền nhằm hạn chế việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, sử dụng bao bì có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường… 

Thông qua việc tuyên truyền, vận động đã bắt đầu tạo chuyển biến về nhận thức cho người tiêu dùng và các cơ sở sản xuất, thương mại trong lĩnh vực này. Việc sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa một lần tại các cơ sở kinh doanh, đặc biệt tại các chợ truyền thống đã được hạn chế hơn trước rất nhiều.

Tiểu thương chợ Hôm - Đức Viên được Ban quản lý chợ tuyên truyền hạn chế sử dụng túi ni lông.

Đơn cử như, phong trào hạn chế sử dụng túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần được các hộ kinh doanh ở chợ Hôm - Đức Viên (quận Hai Bà Trưng – Hà Nội) hưởng ứng nhiệt tình. Không chỉ ký cam kết, các hộ kinh doanh trong chợ còn bảo nhau cắt giảm sử dụng túi ni lông, nhờ đó mỗi ngày lượng rác thải được thu gom trong chợ đã giảm rõ rệt so với trước kia…

Hơn 20 năm kinh doanh ngành hàng khô tại chợ Hôm – Đức Viên, chưa bao giờ chị Nguyễn Thị Hải thấy tình trạng sử dụng túi ni lông nhiều và tràn lan như hiện nay. Mỗi một sản phẩm bất kỳ từ to đến nhỏ, từ củ hành đến mớ rau, người mua hàng đều đòi hỏi chị cho riêng vào một chiếc túi cho tiện lợi. Trung bình mỗi ngày chị sử dụng hết khoảng gần 2kg túi ni lông các loại.

Từ khi thành phố Hà Nội kêu gọi hạn chế rác thải nhựa, trong đó có túi ni lông, khoảng một tháng nay, Ban quản lý chợ Hôm đã tuyên truyền, phổ biến về tác hại, mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của các sản phẩm nhựa dùng một lần tới sức khỏe con người, qua đó đã có sự chuyển biến tích cực.

Theo chị Hải từ khi được Ban quản lý chợ tuyên truyền, các tiểu thương đã hiểu rõ tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường, mỗi người đều tự nhận thấy mình cần thay đổi thói quen đưa nhiều túi ni lông cho khách hàng, học những cách tuyên truyền, giải thích dễ hiểu với khách hàng mỗi khi họ xin thêm túi ni lông.

“Mỗi khi khách hàng tới mua rau củ quả, chúng tôi đều yêu cầu xếp vào rổ. Khi khách đã chọn xong, nếu lượng hàng nhiều chúng tôi sắp vào túi ni lông to, nếu lượng hàng ít chúng tôi sắp vào túi nhỏ. Vì thế không còn tình trạng người mua một nắm hành lấy một túi ni lông, rồi thêm một nhúm ớt lại xin một chiếc túi khác

Tương tự, chị Nguyễn Thị Xuân (tiểu thương kinh doanh ngành hàng rau, củ quả tại chợ Phùng Khoang, quận Hà Đông) cho hay: “Tôi rất ủng hộ phong trào hạn chế và tiến tới xóa bỏ túi ni lông. Một số người tiêu dùng khi mua hàng đã có ý thức hạn chế sử dụng túi ni lông, tuy nhiên còn lại phần đông họ vẫn chưa thực sự hiểu được tác hại của túi ni lông nên họ vẫn xin rất nhiều túi. Chúng tôi bán hàng cũng đã hạn chế đưa nhiều túi cho khách nhưng đôi khi gặp khách mua hàng chưa hiểu họ phàn nàn là chúng tôi tiếc chiếc túi không cho họ, những trường hợp đó chúng tôi đành phải chiều lòng khách”.

Nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang sản xuất các túi dễ phân hủy, thân thiện với môi trường.

Trước thực trạng này, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 232/KH-UBND, triển khai phòng, chống rác thải nhựa và túi ni lông đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 trên địa bàn Thành phố.

Trong đó, Thành phố đặt ra các mục tiêu rất cụ thể. Đối với các đơn vị, cơ quan, tổ chức, đoàn thể trực thuộc UBND Thành phố từ tháng 11/2019 không sử dụng túi ni-lông khó phân hủy và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, hạn chế 80% các sản phẩm nhựa khó phân hủy.

Đối với các cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư và cơ sở sản xuất, kinh doanh, phấn đấu từ năm 2020, giảm dần việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy sử dụng một lần. Đến ngày 31/12/2020, hạn chế đến mức thấp nhất các cơ sở sản xuất bao bì tiêu dùng bằng nhựa.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc quan trọng nhất là phải có giải pháp ngăn chặn từ gốc tình trạng này. Đó là phải giảm các cơ sở sản xuất bao bì tiêu dùng từ nhựa.

Theo thống kê của Sở Công Thương Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn có khoảng 100 doanh nghiệp sản xuất nhựa và các sản phẩm từ nhựa, chủ yếu thuộc ba ngành chính là: nhựa kỹ thuật; nhựa gia dụng và nhựa bao bì.

Thực hiện cam kết đến hết năm 2020 không còn cơ sở sản xuất bao bì tiêu dùng từ nhựa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thành phố sẽ nghiên cứu, xây dựng quy định cấm các đơn vị, cơ sở sản xuất bao bì tiêu dùng bằng nhựa sử dụng một lần.

Mặt khác, sẽ xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất các bao bì thân thiện với môi trường, nhất là doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ sản xuất bao bì tiêu dùng từ nhựa khó phân hủy sang chất liệu khác thân thiện với môi trường từ năm 2020.

 Theo LĐTĐ

Bạn đang đọc bài viết Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất bao bì thân thiện với môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới