Thứ tư, 24/04/2024 18:57 (GMT+7)

Hành trình đi tìm 'con đường hạnh phúc' của người dân Mê Linh

Nhóm Phóng Viên -  Thứ tư, 30/05/2018 08:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Công ty cổ phần gốm xây dựng thương mại và vận tải Hoàng Kim (xã Thạch Đà, Mê Linh, Hà Nội) xả khí thải, nước thải gây ô nhiễm môi trường, lấn chiếm hành lang đê khiến người dân bức xúc tột độ.

Vừa qua, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử nhận được phản ánh của người dân thôn 1, xã Thạch Đà (huyện Mê Linh, Hà Nội) về việc Công ty cổ phần gốm xây dựng thương mại và vận tải Hoàng Kim (Công ty Hoàng Kim) xả khí thải, nước thải gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, lấn chiếm hành làng đê, không làm mương thoát nước khiến đất canh tác của dân bị ngập úng nhiều năm.

Ngay sau khi nhận được phản ánh, PV đã có mặt tại thôn 1, xã Thạch Đà (huyện Mê Linh, Hà Nội) để ghi nhận thực tế.

Nước mắt và sự phẫn nộ

Hiện hữu trên khuôn mặt những người dân tại đây chính là sự bức xúc và tiếng thở dài khi PV nhắc tới Công ty Hoàng Kim - “thủ phạm” khiến người dân phải sống chung với ô nhiễm.

Một người dân sống gần Công ty Hoàng Kim rưng rưng nước mắt chia sẻ với PV: “Nhà máy gạch này có từ lâu rồi, khói bụi nhiều, nước thải họ cũng đổ thẳng ra ruộng. Người dân đang chết dần chết mòn vì ung thư, tất cả khu này chả mấy nhà còn chồng, nhà có tới 3 người bị ung thư, nhà nào có điều kiện thì họ chuyển đi nơi khác sống. Chúng tôi cũng gửi đơn kiến nghị lên các cấp chính quyền nhưng chẳng giải quyết được gì”.

Giọt nước mắt bất lực của người dân khi chứng kiến người cảnh môi trường ngày càng bị ô nhiễm và sự thờ ơ của chính quyền.

 Ông N.V.S cũng bức xúc kể: “Nhà máy này hoạt động khoảng năm 2008, trước đây chỗ đấy là một đầm sen đẹp lắm, cuộc sống người dân yên ổn. Thế nhưng từ khi nhà máy đi vào hoạt động là dân chúng tôi khổ đủ đường, ngay chân đê trước có mương thoát nước nhưng giờ nhà máy lấp mương rồi, nước không chảy đi đâu được. Chỗ đấy bây giờ trở thành nơi đổ đất và than của nhà máy, phía sau họ cũng đổ đất tràn ra cả ruộng dân”.

Công ty Hoàng Kim đổ đất tràn ra ruộng của dân

Để xác minh thông tin vụ việc, PV đã tìm đến nhà ông Điều (tổ trưởng thôn 1). Nhưng chúng tôi lại nhận được sau cuộc trò chuyện vẻn vẹn trong 2 phút là sự thờ ơ: “Bây giờ tôi có việc bận rồi, các anh chị tìm ông Thắng với ông Tám để hỏi ý, muốn biết rõ thì phải hỏi người dân”.

Hành trình lấy lại con đường "Hạnh phúc"

Theo lời ông Điều, PV tìm đến nhà ông Thắng và ông Tám để làm rõ ngọn ngành sự việc.

Trao đổi với PV, ông Phùng Quang Thắng (trước làm công an xã Thạch Đà) chia sẻ: “Thứ nhất, khói than sản sinh từ nhà máy thải ra làm cây trồng không thể sinh trưởng và phát triển, dẫn đến giảm thu hoạch thậm chí là mất trắng. Ban đêm họ mới xả khói, đặc biệt quạt gió thổi khói than ra ruộng lúa, sao sống được".

"Nhà máy không làm mương thoát nước, gây ngập úng cho hơn 20 mẫu đất canh tác của dân từ năm 2012 đến nay", ông Thắng chia sẻ.

Thứ hai, nhà máy không làm mương thoát nước, gây ngập úng cho hơn 20 mẫu đất canh tác của dân từ năm 2012 đến nay, đặc biệt là nước thải có chứa hóa chất từ khu chợ Thạch Đà dồn lại, lâu ngày ngấm xuống lòng đất ảnh hưởng đến nguồn nước ăn của người dân gần nhà máy.

Mương thoát nước của cả thôn bị chặn lại, gây ngập úng cho hơn 20 mẫu đất canh tác của dân từ năm 2012 đến nay.

Thứ ba, nhà máy gạch đã lấn chiếm đất tràn sang khu ruộng và đổ đất tràn lên con đường hạnh phúc, làm cho dân không có đường ra đồng”.

“Nhiều người dân chúng tôi nghi vấn diện tích đất của nhà máy này có nhiều uẩn khúc. Liệu có lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân nào trong việc thu hồi và giao đất ở đây hay không? Theo tôi được biết thời điểm đó họ bán đất cho công ty này với giá 135.000 đồng/m2, khi đó chưa giao cho công ty này phần con đường Hạnh phúc.

Nhưng đến khi công ty họ lấn chiếm hành lang đê để làm bãi đổ đất và than, dân đã gửi đơn kiến nghị lên xã, lúc đấy dân mới biết là đoạn con đường Hạnh phúc cũng đã bị bán với giá 135.000 đồng/m2 bằng với giá đất ao sen”, ông Thắng nói thêm.

Con đường hạnh phúc cũng bị Công ty Hoàng Kim "chiếm" làm bãi than.

Về vị trí đặt nhà máy, ông Thắng cho hay: “Trước xã thông báo sẽ có nhà máy gạch xây dựng trên địa bàn xã, nhưng không phải vị trí này, mà là một địa điểm khác cơ. Nhưng đến lúc giao đất xong dân mới biết địa điểm đã bị thay đổi, đa số dân đều phản đối nhưng đã quá muộn”.

Dường như có một cơn sóng ngầm đến từ sự phẫn nộ của những người dân đang chống chọi với ô nhiễm, tạo thành mạng lưới để hỗ trợ nhau đấu tranh lấy lại môi trường trong lành, lấy lại con đường mang tên Hạnh phúc.

Người dân thôn 1, xã Thạch Đà nhiều lần viết đơn kiến nghị lên xã, lên huyện để xử lý tình trạng trên từ năm 2010 đến nay, nhưng bao nhiêu năm vẫn không giải quyết được cuối cùng đâu lại vào đó.

Ông Thắng cũng cho biết: “Dân đã nhiều lần viết đơn kiến nghị lên xã, lên huyện để xử lý tình trạng trên từ năm 2010 đến nay, nhưng bao nhiêu năm vẫn không giải quyết được cuối cùng đâu lại vào đó”.

Theo tài liệu ông Thắng cung cấp, tháng 6/2012 UBND huyện Mê Linh có gửi yêu cầu Công ty Hoàng Kim tu bổ, cải tạo con đường Hạnh phúc để nhân dân đi lại thuận lợi cho sản xuất theo đúng Bản cam kết của công ty này ký tháng 10/2009.

Tháng 6/2012 UBND huyện Mê Linh có gửi yêu cầu Công ty Hoàng Kim tu bổ, cải tạo con đường hạnh phúc để nhân dân đi lại thuận lợi cho sản xuất.

Tháng 4/2013, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hà Nội có công văn yêu cầu nhà máy gạch phải làm hồ sơ xin giảm diện tích đất sử dụng thuộc con đường Hạnh phúc, trả lại cho nhà nước. Tuy nhiên, đến nay đã 5 năm trôi qua, Công ty Hoàng Kim vẫn chưa thực hiện được, tình trạng ô nhiễm vẫn tiếp diễn, con đường Hạnh phúc cũng chưa lấy lại được.

Người dân thôn 1, xã Thạch Đà đang có chung mong muốn, đó là Công ty Hoàng Kim ngừng việc đổ đất sang ruộng của dân, trả lại con đường hạnh phúc cho nhà nước để người dân có đường đi lại ra đồng, khơi thông mương nước để trả lại đất canh tác cho dân và bồi thường thiệt hại. Nhưng mong muốn lớn nhất của người dân nơi đây chính là di dời nhà máy gạch để trả lại cuộc sống bình yên.

Để rộng đường dư luận, PV đã gọi điện liên hệ gặp trực tiếp Chủ tịch UBND xã Thạch Đà, tuy nhiên vị Chủ tịch này lại từ chối gặp và tỏ ý không muốn tiếp báo chí.

Một câu hỏi đặt ra, tại sao Công ty Hoàng Kim có nhiều sai phạm, người dân gửi đơn kiến nghị lên rất nhiều lần nhưng vẫn không thể xử lý được? Liệu có một bàn tay to lớn nào đang “che chắn” cho doanh nghiệp này ngang nhiên hoạt động như vậy hay không? Đằng sau là những uẩn khúc gì?

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin!

Bạn đang đọc bài viết Hành trình đi tìm 'con đường hạnh phúc' của người dân Mê Linh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.
“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.