Thứ sáu, 19/04/2024 20:38 (GMT+7)

Hà Nội vẫn tồn tại hơn 15.000 bếp than tổ ong

MTĐT -  Chủ nhật, 05/07/2020 10:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở TN-MT cho biết, tính đến tháng 6, Hà Nội giảm 72,8% số lượng bếp than tổ ong so với năm 2017 và hiện vẫn còn 15.418 bếp than tổ ong.

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) Hà Nội, TP đang hướng tới mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong vào cuối năm 2020.

Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở TN-MT cho biết, tính đến tháng 6, Hà Nội giảm 72,8% số lượng bếp than tổ ong so với năm 2017 và hiện vẫn còn 15.418 bếp than tổ ong.

Sở TN-MT đã sử dụng mô hình kiểm kê phát thải trong ba năm gồm: Kiểm kê số lượng bếp than từng quận, thời gian sử dụng trung bình một bếp than, số lượng người chịu ảnh hưởng do bếp than. Các số liệu được tổng hợp nhân với hệ số phát thải dựa theo hướng dẫn của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC 2006).

Hoàn Kiếm là quận duy nhất loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng bếp than tổ ong, huyện Sóc Sơn giảm 99%, huyện Ứng Hòa giảm 98% và quận Long Biên giảm 91%. Bốn quận, huyện trên đã giảm từ gần 15.000 bếp than tổ ong vào năm 2017 xuống còn 420 bếp vào tháng 6/2020.

Trong khi đó, các quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Hoàng Mai còn tồn tại lượng bếp than tổ ong lớn nhất (hơn 1500 bếp), chiếm 46% lượng khí thải PM2.5 do bếp than tổ ong của toàn thành phố.

Việc giảm bếp than tổ ong giúp chỉ số bụi mịn PM 2.5 giảm từ hơn 2.300 tấn năm 2017 xuống còn khoảng 1.600 tấn năm 2020, lượng khí thải CO2 từ việc sử dụng bếp than tổ ong giảm hơn 382.000 tấn/năm.

Về lộ trình cắt giảm, tiến tới loại bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong ở Hà Nội, Chi cục Bảo vệ Môi trường cho biết, từ nay cho đến ngày 31/12, Thành phố sẽ yêu cầu người dân chuyển sang sử dụng các loại bếp khác an toàn, thân thiện với môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Trước đó, tháng 11/2019, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký ban hành chỉ thị về việc thay thế, loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Thành phố hướng đến loại bỏ hoàn toàn than tổ ong trước năm 2021.

Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trên địa bàn thành phố được UBND TP.Hà Nội ban hành cuối năm 2019 nêu rõ, từ ngày 30/10/2019 đến ngày 31/12/2019, các đơn vị tổ chức thông báo đến mọi tầng lớp dân cư, các tổ dân phố, thôn, xóm, bản làng về chủ trương của thành phố loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong, làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn.

Thành phố cũng thực hiện các biện pháp hỗ trợ để thực hiện chuyển đổi từ sử dụng than và bếp than tổ ong trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ sang các loại bếp khác an toàn, thân thiện với môi trường và sức khỏe cộng đồng; tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp quản lý và kiểm soát, chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố.

Từ ngày 1/1/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã áp dụng Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường có sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu.

Minh Tuệ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội vẫn tồn tại hơn 15.000 bếp than tổ ong. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...