Thứ bảy, 20/04/2024 10:18 (GMT+7)

Hà Nội: Chất lượng không khí ở mức báo động, người dân cần làm gì?

MTĐT -  Thứ sáu, 29/03/2019 10:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những ngày qua, không khí vào buổi sáng như được bao bọc bởi sương mù. Nhưng thực chất, trời mù mịt là do ô nhiễm không khí gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.

Theo các chuyên gia, không khí Hà Nội luôn ở mức đáng báo động trong nhiều ngày qua là do thời tiết sương mù, khói bụi từ phương tiện giao thông, bụi xây dựng, chất ô nhiễm bị lưu giữ ở tầng thấp, khiến các trạm quan trắc lúc nào cũng ở mức báo động màu cam đến màu đỏ (mức kém và xấu)…

Theo trang aqivn.org, chỉ số chất lượng không khí trung bình (PM 2.5 AQI) tại Hà Nội vào buổi sáng những ngày qua đang ở mức rất xấu. Trong ngày 27/3, chất lượng không khí có lúc còn ở mức nguy hại cho sức khỏe.

7h sáng 28/3, chất lượng không khí ở Hà Nội được cảnh báo ở mức rất xấu thông qua chỉ số AQI là 277.

Còn theo số liệu quan trắc trực tiếp của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) vào thời điểm 15h ngày 28/3 cho thấy toàn bộ khu vực nội thành Hà Nội, từ đường Vành đai III hất vào, đều ở mức độ báo động màu cam.

Chất lượng không khí Hà Nội đáng báo động trong những ngày qua. Ảnh: ANTĐ. 

“Đây là mức độ không khí có chất lượng kém, người già, trẻ em và những người mắc bệnh hô hấp (nhóm nhạy cảm) cần hạn chế ra ngoài” – Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cảnh báo.

Theo hướng dẫn của WHO, năm 2018 Hà Nội có đến 82 ngày tương ứng với 91% số ngày có nồng độ bụi PM2.5 vượt chuẩn, tức là cứ 10 ngày, Hà Nội có 9 ngày ô nhiễm không khí.

Màn sương mờ khiến tầm nhìn của người tham gia giao thông bị hạn chế, mặt khác họ cảm thấy khó thở, ngột ngạt khi liên tục phải di chuyển ngoài đường. Không chỉ vậy, chất lượng không khí ở mức thấp còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.

Theo BSCKII Nguyễn Ngọc Hồng, Trưởng Khoa Bệnh Phổi nghề nghiệp, Bệnh viện Phổi Trung ương, trong không khí ô nhiễm có nhiều hạt bụi nhỏ, hạt càng nhỏ sẽ càng vào sâu. Riêng với những hạt bụi có kích thước PM 2,5 có thể đi thẳng vào phế nang phổi, thậm chí đi thẳng vào máu. Với bất cứ dị nguyên nào từ môi trường vào cơ thể đều có thể gây kích ứng.

Khi tiếp xúc với bụi hay môi trường ô nhiễm, con người sẽ có phản ứng ho kích ứng, hắt hơi giống triệu chứng cảm cúm. Tiếp theo, người bệnh có thể bị ho, tăng tiết dịch, khạc đờm kéo dài, có thể dẫn tới tình trạng viêm phế quản mạn tính. Lâu dài có thể gây rối loạn đường thở.

“Bụi ô nhiễm đi vào sâu trong hệ hô hấp tới các phế nang sẽ ảnh hưởng tới chức năng phổi gây rất nhiều các bệnh phổi. Đặc biệt bụi có kích thước PM2,5 có thể vượt qua tất cả các hàng rào bảo vệ của cơ thể, vào tận phế nang và đi vào máu, gây độc cho cơ thể”, BS Ngọc nói.

BS Ngọc khuyến cáo, với tình trạng không khí bị ô nhiễm, những người có bệnh lý hô hấp, mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản hoặc nhiễm trùng đường hô hấp sẽ bị nặng lên dẫn đến tình trạng khó thở tăng lên, nặng sẽ suy hô hấp phải phải nhập viện.

Trong môi trường ô nhiễm, những người có cơ địa dị ứng, nhạy cảm, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch, hoặc các bệnh nền mãn tính đều có thể khiến bệnh nặng thêm hoặc dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm.

Các chuyên gia cũng đưa ra khuyến cáo, những ngày này, người dân cần hạn chế ra đường và nên đeo khẩu trang cẩn thận. Trao đổi với Người đưa tin, GS.TS Phạm Ngọc Đăng - Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết: “Nếu không có việc gì quan trọng thì mọi người hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân ra đường, để giảm mức độ ô nhiễm nhất có thể”.

“Cùng với đó là việc dừng đèn đỏ quá 20 giây thì các phương tiện giao thông nên hạn chế nổ máy, giảm động cơ xuống thấp nhất có thể, đặc biệt là xe máy, để không tạo thêm áp lực nhiệt độ không khí” ông Đăng cho hay.

Theo báo cáo của Hà Nội, hiện có 5,8 triệu xe máy, 0,7 triệu ôtô và khoảng 1,2 triệu phương tiện ngoại tỉnh thường xuyên đi trên địa bàn. Nồng độ khói bụi tăng cao và đột ngột tuỳ vào từng thời điểm, đặc biệt vào các giờ cao điểm sáng và chiều, giảm xuống thấp nhất vào giữa trưa và ban đêm

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ Văn Trung ương, Hà Nội đang trong những ngày không khí lạnh suy yếu gây nên hiện tượng nghịch nhiệt, chất lượng không khí chuyển biến nghiêm trọng. Dự báo sương mù, mưa lất phất sẽ còn lặp lại trong 2-3 ngày tới, nhất là từ 4-8h sáng, kéo dài tới chiều tối, chất lượng không khí chưa thể cải thiện.

Nhật Hạ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Chất lượng không khí ở mức báo động, người dân cần làm gì?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ