Thứ sáu, 29/03/2024 17:30 (GMT+7)

Hà Nội: Báo động ô nhiễm bụi từ các công trình xây dựng

MTĐT -  Thứ hai, 03/12/2018 15:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cùng với quá trình đô thị hóa, những năm qua, các công trình xây dựng tại Hà Nội mọc lên như nấm sau mưa, bụi bẩn từ quá trình thi công đã làm môi trường không khí tại Thủ đô ngày càng đáng báo động.

Ở Việt Nam ô nhiễm môi trường trên địa bàn các đô thị lớn đang trở thành một vấn đề bức xúc, trong đó Hà Nội đang trở thành một trong những đô thị đứng đầu cả nước về ô nhiễm không khí. Nồng độ bụi đã vượt ngưỡng cho phép từ 2-3 lần trên nhiều trục đường giao thông.

Đáng chú ý, theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do khí thải từ các phương tiện giao thông và các công trình xây dựng.

Cùng với quá trình đô thị hóa, những năm qua, các công trình xây dựng tại Hà Nội thi nhau mọc lên như nấm sau mưa, bụi bẩn từ quá trình thi công đã khiến môi trường không khí tại Thủ đô ngày càng đáng báo động.

Một trong những tuyến đường có thể kể đến như: Phạm Hùng, Trường Chinh, Tố Hữu, Nguyễn Trãi, quốc lộ 32, Phạm Ngọc Thạch và các tuyến đường vành đai đang có nhiều công trình xây dựng thi công nên đường phố thường xuyên hứng chịu bụi, bẩn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới giao thông và đời sống người dân khu vực.

Kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng cho thấy, khu vực đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm); Hàng Đậu (quận Hoàn Kiếm)... chỉ số chất lượng không khí thường xuyên ở mức kém. Nhiều nguyên nhân dẫn đến chỉ số này, trong đó có bụi phát sinh từ các công trình xây dựng...

Bụi bẩn từ các công trình xây dựng đã khiến môi trường Thủ đô ngày càng ô nhiễm. Ảnh: Internet. 

Trao đổi với Hà Nội mới về thực trạng này, ông Nguyễn Minh Khoa, cán bộ Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng chủ yếu là số lượng các công trình xây dựng rất lớn, trong khi lực lượng chuyên môn chưa bao quát hết công việc. Song, cũng do cơ quan chức năng thực hiện chưa kiên quyết và triệt để, công tác thanh tra, kiểm tra còn chưa thường xuyên...

Theo Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, từ đầu năm 2018 tới nay, Đội Thanh tra chuyên ngành số 2 (thuộc Thanh tra Sở Xây dựng) đã lập 2 đoàn kiểm tra công tác bảo đảm an toàn lao động và vệ sinh môi trường. Đoàn đã kiểm tra 84 dự án xây dựng, kết quả cho thấy, vẫn còn nhiều công trình chưa bảo đảm các tiêu chí về môi trường.

Qua kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy, mỗi công trình xây dựng phát sinh ô nhiễm theo cách riêng: Các công trình xây dựng hạ tầng thường gây tiếng ồn và vương vãi đất, bụi bẩn; với các công trình kiến trúc thì thiếu rào che chắn, vật liệu tập kết không đúng nơi quy định, chưa bố trí điểm rửa xe trước khi ra - vào công trình (hoặc có nhưng chưa bảo đảm)...

Hà Nội đang trở thành một trong những đô thị đứng đầu cả nước về ô nhiễm không khí. Ảnh: Internet. 

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm bụi từ các công trình xây dựng, theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái, các tổ chức, cá nhân khi tháo dỡ công trình cần tuân thủ đúng quy định về bảo vệ môi trường như: Phải che chắn, phun nước để giảm bụi, chỉ được làm trong những khung giờ nhất định và các phương tiện chuyên chở ra vào công trường phải được vệ sinh sạch sẽ. Các đơn vị thi công hè, đường phải nghiêm khắc hơn trong việc "làm gọn, dọn sạch" - không để vương vãi cát, xi măng, phế thải... sau khi thi công.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng theo phân cấp cần tăng cường giám sát, đôn đốc cũng như tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm. Đồng thời, phải chỉ rõ trách nhiệm của người đứng đầu khi buông lỏng quản lý, không xử lý vi phạm đến nơi, đến chốn... Có như vậy, tình trạng ô nhiễm bụi, tiếng ồn... từ các công trình xây dựng mới giảm để trả lại môi trường trong lành cho Thủ đô.

Công trình vi phạm quy định về môi trường sẽ lập tức bị dừng thi công

Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 02/2018/TT-BXD quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình và chế độ báo cáo công tác bảo vệ môi trường ngành xây dựng. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/4/2018, thay thế cho Quyết định số 29/1999/QĐ-BXD ngày 22/10/1999 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quy chế Bảo vệ môi trường ngành Xây dựng.

Thông tư 02/2018 nêu rõ, đối với chủ dự án, cần lập kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường trên cơ sở chương trình quản lý môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc Kế hoạch bảo vệ môi trường đã được cấp có thẩm quyền xác nhận trước khi thi công xây dựng công trình.

Chủ đầu tư phải có trách nhiệm đình chỉ thi công và yêu cầu nhà thầu khắc phục để đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường khi phát hiện nhà thầu vi phạm nghiêm trọng các quy định về bảo vệ môi trường trong thi công hoặc có nguy cơ dẫn đến mất an toàn môi trường.

Đồng thời, chủ đầu tư phải phối hợp với nhà thầu thi công xây dựng công trình xử lý, khắc phục khi xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường; kịp thời báo cáo, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để giải quyết ô nhiễm, sự cố môi trường nghiêm trọng và các vấn đề phát sinh.

Đối với nhà thầu thi công xây dựng, thực hiện kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường và các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình thi công gói thầu; Dừng thi công xây dựng công trình khi phát hiện nguy cơ xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường nghiêm trọng và có biện pháp khắc phục để đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi tiếp tục thi công.

Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố có trách nhiệm lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường bằng văn bản định kỳ 01 (một) lần/năm và gửi về Bộ Xây dựng trước ngày 15/01 của năm kế tiếp. Đồng thời cập nhật và lưu trữ các thông tin, dữ liệu của báo cáo công tác bảo vệ môi trường trên phần mềm quản lý trực tuyến cơ sở dữ liệu môi trường ngành Xây dựng.

Nhà thầu tư vấn quản lý dự án, nhà thầu giám sát thi công xây dựng có trách nhiệm báo cáo kịp thời cho chủ dự án và các nhà thầu có liên quan về những nguy cơ, vấn đề phát sinh có thể ảnh hưởng đến công tác bảo vệ môi trường trong quá trình thi công xây dựng công trình để có các giải pháp ngăn ngừa, xử lý phù hợp. Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất với chủ dự án về công tác bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình của các nhà thầu trên công trường theo quy định của hợp đồng tư vấn xây dựng.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Báo động ô nhiễm bụi từ các công trình xây dựng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ