Thứ sáu, 19/04/2024 23:24 (GMT+7)

Giảm rác thải nhựa thông qua giải pháp quản lý từ nguồn tới biển

MTĐT -  Thứ năm, 14/11/2019 15:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việc quản lý chưa hiệu quả tại lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn (chảy qua địa phận 2 địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng) khiến lưu vực sông này đứng trước những thách thức nghiêm trọng về ô nhiễm rác thải nhựa.

Quản lý từ nguồn tới biển thí điểm áp dụng nghiên cứu trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn được kỳ vọng sẽ giúp giảm rác thải nhựa hiệu quả.

Ngày 14/11, tại TP. Hội An (Quảng Nam) đã diễn ra Hội thảo “Xây dựng nền tảng quản lý từ nguồn tới biển: Xử lý rác thải rắn tại lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn, Việt Nam".

Ô nhiễm rác thải nhựa hiện đang là một vấn đề nhức nhối đối với nhiều lưu vực sông trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam.

Ô nhiễm rác thải nhựa tại biển đến từ nguyên nhân quan trọng là do dòng chảy từ các sông đổ ra.

Quản lý từ nguồn tới biển (S2S) là cách tiếp cận nhằm giảm rác thải trên biển thông qua tập trung vào tính kết nối và liên quan lẫn nhau giữa các lưu vực sông và vùng ven biển với mục đích giải quyết một cách tổng thể vấn đề quản lý đất, nước ngọt và hệ sinh thái để kiểm soát và hạn chế rác thải nhựa từ các nguồn khác nhau đổ ra biển và hệ thống nước ngọt.

Vu Gia – Thu Bồn là lưu vực sông lớn thứ chín tại Việt Nam và được xem là hệ thống sông lớn duy nhất tại khu vực miền Trung Việt Nam đổ ra biển Đông từ khu vực Hội An. Việc sử dụng đất và nước ở thượng nguồn sẽ có tác động không cân bằng lên môi trường ở vùng cửa sông và ven biển. Quản lý từ nguồn tới biển với nỗ lực lồng ghép quản lý tài nguyên đất, nước và biển, được kỳ vọng là giải pháp phù hợp để giải quyết những vấn đề cấp bách trong quản lý giữa lưu vực sông và vùng biển và giải quyết những thách thức đang diễn ra tại lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn khi giúp các bên liên quan ở thượng nguồn và hạ nguồn ngồi lại với nhau, thảo luận và tăng cường điều phối giữa các bên, tìm ra biện pháp giảm ô nhiễm rác thải nhựa do quản lý chưa hiệu quả tại khu vực này.

Tháng 12/2016, với sự hỗ trợ kỹ thuật và thúc đẩy của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã ký thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2017 – 2020 thí điểm thực hiện “Quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và khu vực ven biển Quảng Nam – Đà Nẵng” sử dụng cách tiếp cận từ Đỉnh núi xuống Rạn san hô (R2R). Ban điều phối chung của 2 bên (JCC) đã quyết định lựa chọn rác thải rắn là dòng chảy ưu tiên tại lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn. Việc xác định dòng chảy chính về rác thải rắn cũng phù hợp với những cam kết và đồng thuận cao từ tỉnh Quảng Nam, TP. Đà Nẵng và Chính phủ Việt Nam liên quan đến cuộc chiến chống ô nhiễm rác thải nhựa.

Theo bà Vũ Thu Hà - Chuyên gia tư vấn chất thải và nguồn của IUCN - cho biết, kết quả sơ bộ về nghiên cứu rác thải lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn cho thấy mỗi ngày có tới 36,5 tấn chất thải nhựa không được thu gom ở lưu vực sông.

Tỷ lệ rác thải nhựa tại các địa phương ngày càng có chiều hướng gia tăng trong khi các biện pháp xử lý rác thải còn chưa theo kịp.

Trong thời gian qua, chính quyền tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực để giảm thiểu rác thải nhựa như không sử dụng nước đóng chai bằng nhựa dùng 1 lần ở các cuộc họp chính quyền, thực hiện các sáng kiến, mô hình chống sử dụng đồ nhựa một lần, thực hiện phân loại chất thải tại nguồn… Đặc biệt, tại TP. Hội An, hàng loạt nhà hàng, khách sạn đã thực hiện kinh doanh hướng tới không chất thải (không ống hút nhựa, không chai nhựa PET, phân loại rác tại nguồn để làm compost, tái chế, xà phòng từ dầu ăn thải...)

Bà Hà cho biết, khó khăn của các chính quyền địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam chính là tìm ra công nghệ xử lý rác phù hợp, vị trí đặt các cơ sở xử lý chất thải mới, trong khi đó, lượng rác thải nhựa nhất là nhựa dùng một lần lại có dấu hiệu gia tăng; việc phân loại rác tại nguồn chưa hiệu quả; những đồ nhựa sử dụng một lần trên thị trường quá tiện lợi và quá rẻ nên người dân lạm dụng….

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết, tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng đặt quản lý chất thải, trong đó có quản lý chất thải rắn là một trong những vấn đề đặc biệt quan trọng cần quan tâm trong thời gian tới. Ban điều phối Quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn cũng tích cực phối hợp với nhau quản lý theo hướng tiếp cận từ nguồn tới biển, bởi rác thải ở một địa phương này có thể ảnh hưởng đến địa phương khác thông qua hệ thống sông suối, các dòng chảy ven biển. Trước hết phải nâng cao nhận thức của người dân từ vùng núi đến ven biển, ven sông được hiểu rằng mỗi hành động của mình đều tác động đến cộng đồng. Đồng thời là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị hai tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng trong vấn đề xử lý rác thải, nhất là rác thải nhựa.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được tập huấn cách tiếp cận S2S, cập nhật tiến độ hoạt động của JCC bao gồm quản lý rác thải rắn tại Đà Nẵng và Quảng Nam cũng như trình bày những kết quả ban đầu về đánh giá dòng chảy rác thải rắn khu vực Vu Gia – Thu Bồn, cập nhật thông tin những vấn đề và giải pháp đối với quản lý rác thải rắn tại Quảng Nam và Đà Nẵng; trao đổi và chia sẻ về kiểm toán rác ở cấp hộ gia đình nhìn từ Cù Lao Chàm...

Theo báo Công thương

Bạn đang đọc bài viết Giảm rác thải nhựa thông qua giải pháp quản lý từ nguồn tới biển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...