Thứ sáu, 19/04/2024 22:36 (GMT+7)

Doanh nghiệp lại xin nhận chìm bùn thải xuống biển

MTĐT -  Thứ hai, 22/10/2018 11:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

UBND tỉnh TT - Huế vừa nhận được văn bản từ Công ty TNHH Hào Hưng Huế xin nhấn chìm khoảng 800.000m3 vật liệu nạo vét bùn cát xuống biển.

Dẫn nguồn tin từ Văn phòng UBND tỉnh TT - Huế, báo Tiền Phong đưa tin, ngày 21/10, UBND tỉnh TT - Huế vừa nhận được văn bản từ Công ty TNHH Hào Hưng Huế xin nhấn chìm khoảng 800.000m3 vật liệu nạo vét bùn cát xuống biển, do loại vật thải cảng biển này nhiều tháng nay không biết đổ đi đâu.

Doanh nghiệp cũng vừa gửi văn bản liên quan đề nghị này tới Bộ TN&MT, với vị trí xin nhấn chìm cách bờ khoảng 3km. Được biết, lượng bùn cát này phát sinh trong quá trình thực hiện dự án xây dựng Bến số 3 cảng Chân Mây, do Công ty TNHH Hào Hưng Huế làm chủ đầu tư.

Riêng hạng mục nạo vét bến và vũng quay tàu, luồng nhánh tàu làm phát sinh 1,3 triệu m3 bùn cát thải, nhưng mới giải tỏa thi công 20.000m3, phần bùn cát còn lại hiện vướng điểm đổ.

Công ty TNHH Hào Hưng Huế xin nhấn chìm khoảng 800.000m3 vật liệu nạo vét bùn cát xuống biển do không biết đổ đi đâu. Ảnh: Báo Thừa Thiên - Huế. 

Trao đổi với báo TT - Huế về vị trí đổ thải, ông Trần Đình Quốc cán bộ giám sát của Công ty TNHH Hào Hưng Huế - Chủ đầu tư dự án Bến số 3 cảng Chân Mây cho biết, riêng hạng mục nạo vét khu vực trước bến và vũng quay tàu, luồng nhánh tàu, khối lượng bùn cát thải gần 1,3 triệu m3, hiện đã thi công được 20.000mm3, nhưng đang vướng mắc điểm đổ.

Dự kiến, khoảng 500.000m3 bùn cát thải sẽ được đổ lên bờ và khu vực các bến lân cận. Khối lượng còn lại dự kiến khoảng 800.000m3 bùn thải chưa biết đổ đi đâu. Trong khi chờ “giải quyết” khối lượng vật liệu nạo vét này, các hạng mục khác của công trình gần như đình trệ.

Theo Công ty TNHH Hào Hưng Huế, với địa chất bùn non tại cảng nước sâu, bùn thải không thể dùng để tôn tạo bờ bến do không đủ kết cấu chịu lực. Vấn đề tìm nơi đổ vật liệu nạo vét bùn cát hiện tại đang gây khó khăn cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.

Đầu tháng 8/2018, để giải quyết vướng mắc, Công ty TNHH Hào Hưng Huế đã có văn bản gửi Bộ TN&MT, UBND tỉnh và Ban Quản lý Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh về việc xin nhận chìm khoảng 800.000m3 vật liệu nạo vét bùn cát ngoài biển, cách bờ khoảng 3km.

Ông Trần Đình Quốc cho hay, theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ TN&MT phê duyệt, bùn nạo vét sẽ được tận dụng san lấp để tôn tạo bờ bến. Nếu không hết, chủ dự án sẽ xin đổ cho các bến kế bên. Nếu không được nữa, chủ dự án sẽ xin chủ trương đổ thải ngoài khơi, dự kiến cách bờ khoảng 3km.

Theo văn bản số 889/TCBHĐVN-KSBVB tháng 9/2018 của Tổng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam phúc đáp về việc chủ đầu tư là Công ty TNHH Hào Hưng Huế đề xuất xin nhận chìm vật liệu nạo vét, Tổng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam yêu cầu nghiên cứu sử dụng phương án tận dụng vật liệu nạo vét để san lấp chống xói lở bờ biển, tôn tạo bờ của bến hoặc đổ cho các bến kế bên nhằm phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên.

Dự án Bến số 3 Cảng Chân Mây có chiều dài 270m, với tổng mức đầu tư gần 850 tỷ đồng, do Công ty TNHH Hào Hưng Huế làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào đầu năm 2019. Khi hoàn thành, đây sẽ là cảng tổng hợp với kết cấu hạ tầng phục vụ cho dịch vụ hậu cần, đảm bảo cho tàu và các phương tiện vận tải đường thủy có trọng tải đến 50.000 tấn ra vào.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp lại xin nhận chìm bùn thải xuống biển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...