Thứ năm, 28/03/2024 21:30 (GMT+7)

Đau đầu vấn nạn xả rác bừa bãi

MTĐT -  Thứ năm, 12/07/2018 08:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tình trạng rác thải tràn ngập ở các quận, huyện tại TP. HCM đang gây ô nhiễm môi trường nặng nề, bệnh tật phát sinh.

Không chỉ thế, rác thải còn làm tắc nghẽn cống thoát nước, khiến nạn ngập lụt ở TP thêm phần nghiêm trọng, gây khó khăn cho việc lưu thông đi lại của người dân.

Rác khắp nơi trên phố

Trong tháng 5 vừa qua, những cơn mưa xối xả đổ xuống quận Gò Vấp vào giờ tan tầm, khiến người dân đi lại như bơi trong nước. Tại các tuyến đường Lê Đức Thọ, Lê Văn Thọ, Cây Trâm… nước lênh láng, ô tô, xe máy dồn cục, giao thông bị ách tắc nghiêm trọng. Khi nước rút đi, mọi người mới nhận thấy các miệng cống thoát nước đầy ứ rác.

Những năm qua, song hành với ngập nước tại TP. HCM là tình trạng rác thải tràn ngập khắp các quận, huyện. Trên địa bàn quận Bình Thạnh, rác thải tấn công đường Nguyễn Hữu Cảnh, góp phần làm cung đường này biến thành… sông sau mỗi cơn mưa lớn.

Như sau trận mưa lớn đầu tháng 7, các công nhân vệ sinh môi trường đã vớt lên từ cống thoát nước trên đường Nguyễn Hữu Cảnh đủ các loại chai, hộp nhựa, rau củ quả. Tại nhiều tuyến đường khác, tình trạng xả rác bừa bãi ngay các miệng hố ga, những người bán quán trên vỉa hè đổ nước thải, rửa chén bát, vứt đồ ăn thừa xuống ngay miệng cống diễn ra hàng ngày.

Ngay tại trung tâm quận 1, chúng tôi quan sát thấy miệng cống thoát nước tại góc đường Nguyễn Siêu - Thái Văn Lung, ken đặc các loại rác như túi nylon, chai nhựa, khẩu trang, chổi đót.

Rác tràn ngập khắp các khu dân cư ở TP. HCM. Ảnh: ĐỨC TRUNG.

Còn trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7), cứ tối đến khi dọn hàng xong, những người bán hàng rong lại đổ hết rác vào miệng cống. “Gặp mưa, rác trôi xuống cống làm tắc, dẫn đến đường ngập nước. Bà con ở đây đã phản ánh rất nhiều lần nhưng không ăn thua” - ông Nguyễn Đình Văn, người dân sống ven đường Huỳnh Tấn Phát,than thở.

Tại tuyến đường Nguyễn Văn Linh đi qua địa bàn huyện Bình Chánh, chúng tôi quan sát có vô số đống rác thải, bốc mùi hôi. Gặp mưa, nước rỉ từ những bãi rác này tràn xuống hệ thống ao tù, kênh rạch khu vực lân cận.

Người dân cho biết, đã từ lâu khu vực này trở thành nơi tập kết rác tự phát. Hàng ngày có rất nhiều xe chở rác từ nơi khác đến đổ bừa tại đây. Họ thường chọn thời điểm đêm khuya, vắng người để đổ rác. Người dân cũng đã nhiều lần phản ánh với chính quyền địa phương nhưng tình trạng này vẫn không giảm.

Điều đáng nói, tại khu vực này vẫn còn một số hộ gia đình chưa được cung cấp nước sạch. Họ sử dụng nước giếng khoan để sinh hoạt. Nguồn nước bẩn từ kênh rạch, ao hồ và nước rỉ rác thẩm thấu vào nguồn nước ngầm, dẫn đến ô nhiễm nguồn nước giếng khoan, cũng là nước sinh hoạt của người dân. Hệ quả dịch bệnh phát sinh.

Anh Lê Văn Tài, một người chạy xe ôm thường xuyên trên địa bàn quận 8 và huyện Bình Chánh bức xúc: “Đại lộ kéo dài, thoáng và rộng, có nhiều bãi cỏ um tùm nên đây là nơi lý tưởng để những người thiếu ý thức xả thải trực tiếp ra môi trường. Về đêm, khi chở khách chạy qua Đại lộ Nguyễn Văn Linh, tôi hay bắt gặp cảnh người dân lén đổ rác thải”.

Chỉ mong chờ ý thức người dân

Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM, hiện nay công tác duy tu, nạo vét hệ thống cống thoát nước, cửa xả tại các tuyến đường chính do Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP thực hiện theo hợp đồng và khối lượng do Trung tâm yêu cầu.

Với các tuyến đường nhỏ, hẻm do các đơn vị công ích trực thuộc quận, huyện thực hiện theo khối lượng của quận, huyện phân bổ. Thời gian qua, do điều kiện ngân sách còn khó khăn, hầu hết hệ thống sông, kênh, rạch chưa được đầu tư nạo vét, gây bồi lắng, tắc nghẽn dòng chảy, cửa xả làm hạn chế khả năng thoát nước.

Chỉ cần đâu đó có bãi đất trống là y như rằng vài ngày sau lại mọc lên một bãi rác. 

Mặc dù trong những năm gần đây, TP đã cố gắng tập trung thực hiện bằng nhiều giải pháp và huy động nhiều nguồn lực nhưng chỉ mới nạo vét được 60,3/4.369km (chiếm 1,38%) trên 4 trục tiêu thoát nước chính (Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên; Tàu Hủ - Bến Nghé - Kênh Đôi, Kênh Tẻ; Nhiêu Lộc - Thị Nghè; Tân Hóa - Lò Gốm). Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM, phân tích dù cống thoát nước có làm thêm bao nhiêu, to cỡ nào nhưng rác cứ bít các miệng hố ga nước không thể thoát được.

Theo ghi nhận, mỗi ngày hàng chục tổ công nhân nạo vét cống của Công ty TNHH MTV thoát nước đô thị TPHCM làm nhiệm vụ. Ông Nguyễn Công Thưởng, công nhân vớt rác của công ty có thâm niên 22 năm, cho biết: “Chỉ trong 1 cống, mỗi ngày tổ 8 người của tôi vớt khoảng 4-5 tấn rác. Anh em chúng tôi rất mong người dân đều có ý thức, không xả rác bừa bãi, để công nhân vớt rác làm việc đỡ vất vả, môi trường sống xanh và sạch hơn”.

Mới đây, tại chương trình “Lắng nghe và trao đổi” về vấn đề ngập nước tại TPHCM, một trong những nguyên nhân chính được các khách mời chỉ ra là việc người dân xả rác bừa bãi xuống cống làm nước không thể thoát, gây ngập.

Lãnh đạo HĐND TPHCM đã thay mặt chính quyền xin lỗi các công nhân vớt rác, đồng thời cũng khuyến cáo người dân TP để rác đúng nơi quy định. Trong khi đó, đại diện Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM cho biết việc để rác đổ tràn 2 bên đường Nguyễn Văn Linh, lỗi trước hết là chính quyền địa phương. Hiện UBND TP đã có công văn phân quyền quản lý chất lượng vệ sinh môi trường trong đó có việc thu gom, vận chuyển rác.

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, HĐND TPHCM khóa IX (diễn ra ngày 10-7), Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, cho biết đẩy mạnh triển khai 7 chương trình đột phá, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ cử các Phó Bí thư tham gia phụ trách chỉ đạo, giám sát. Đối với việc thực hiện chương trình giảm ngập nước, Bí thư Thành ủy kêu gọi toàn thể người dân TP nâng cao ý thức, giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác bừa bãi xuống kênh, rạch, miệng cống thoát nước. “Sắp tới, Ủy ban MTTQ TP cần chủ trì, phối hợp với hệ thống chính quyền các cấp triển khai một cuộc vận động kêu gọi người dân TP làm cho TP bớt ngập bằng việc làm của mình” - Bí thư Thành ủy đề nghị.

Theo Sài gòn đầu tư

Bạn đang đọc bài viết Đau đầu vấn nạn xả rác bừa bãi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.