Thứ ba, 23/04/2024 13:33 (GMT+7)

Đã có lời giải khi xử lý ô nhiễm nước hồ tại Hà Nội

MTĐT -  Thứ sáu, 23/09/2016 09:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hiện Hà Nội có khoảng 120 hồ lớn nhỏ trong khu vực nội thành, vừa là di sản văn hóa lịch sử đặc trưng, vừa có ý nghĩa điều tiết môi trường, không khí của Thủ đô.

Tuy nhiên, rất nhiều hồ đang rơi vào tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng tới cảnh quan đô thị và sức khỏe cộng đồng. Với mong muốn phát huy lợi thế của hệ thống hồ, cải thiện điều kiện sống của người dân và đưa Thủ đô trở thành một điểm du lịch hấp dẫn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã cùng đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học chú tâm tìm kiếm lời giải cho vấn đề ô nhiễm.

Theo Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Trần Trọng Văn: “Trước việc nhiều hồ tại Hà Nội bị ô nhiễm trầm trọng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã bỏ ra rất nhiều tâm huyết để tìm bằng được một công nghệ đơn giản, hiệu quả và giá thành hợp lý để xử lý tình trạng ô nhiễm nước trên một số hồ của Thủ đô hiện nay”. Kết quả, ông đã lựa chọn Công ty Watch Water - CHLB Đức (Công ty WW) để thử nghiệm phương pháp làm sạch nước hồ. Quá trình thử nghiệm diễn ra theo 5 bước chặt chẽ dưới sự giám sát và đánh giá của những nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu.
Theo yêu cầu của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, Công ty WW đã chế ra sản phẩm Redoxy - 3C, sản phẩm công nghệ độc quyền của UBND TP Hà Nội. Từ 28/7 - 5/8, bước đầu tiên, thử nghiệm mô hình được thực hiện. Nước từ một số hồ ô nhiễm được chuyển đến các phòng thí nghiệm của Công ty WW tại Đức để thử với Redoxy - 3C và cho kết quả tốt. Bước thứ 2, UBND TP chấp thuận cho Công ty TNHH MTV Thoát nước thử nghiệm Redoxy - 3C tại 3 hồ: Giáp Bát, Hố Mẻ, Ba Mẫu. Ngày 5/9, UBND TP lập ra Tổ công tác chuyên trách giám sát và đánh giá kết quả thử nghiệm.
Ngày 8/9, trước kết quả rất khả quan từ công tác vệ sinh nước hồ với Redoxy - 3C, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã cho phép mở rộng ra các hồ trong khuôn viên di tích Quốc Tử Giám. Song song với đó, từ ngày 5 - 23/9 các chuyên gia và cơ quan chức năng tiến hành lấy mẫu, phân tích, đánh giá mức độ ô nhiễm nước của toàn bộ hồ trên địa bàn TP để lên phương án xử lý.
Tiếp đó, UBND TP yêu cầu Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội xây dựng quy trình tạm thời cho công tác xử lý ô nhiễm nước hồ tại Thủ đô. Theo đó, các hồ sẽ được chia thành 3 nhóm: nhóm 1 - đã cải tạo, tách nước thải hoàn toàn; nhóm 2 - đã cải tạo, có hệ thống tách nước thải nhưng vẫn tiếp nhận hỗn hợp nước mưa - nước thải khi có mưa; nhóm 3 - chưa cải tạo, tiếp nhận trực tiếp nước thải vào hồ.
Kết quả đánh giá quá trình thử nghiệm tại các hồ: Giáp Bát, Hố Mẻ, Ba Mẫu, mô hình xử lý ô nhiễm nước với chất Redoxy - 3C cho thấy, về chất lượng nước, các thông số, chỉ tiêu hóa lý ô nhiễm tại các hồ đã giảm và dần tiệm cận về ngưỡng cho phép. Đặc biệt, quá trình xử lý thử nghiệm không làm ảnh hưởng đến thành phần thực vật nổi của các hồ, mà chỉ làm giảm mật độ tảo nở hoa.
Trực tiếp đi kiểm tra hiện trường, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu phải bổ sung chế phẩm theo định kỳ, lắp đặt bè thủy sinh, các máy sục khí để tạo cảnh quan và tăng khả năng tự làm sạch của hồ và tiếp tục nhân rộng việc xử lý trên các hồ khác ở Thủ đô. Ngoài ra, đối với các hồ chưa được xây dựng hệ thống tách nước thải để nước bẩn trực tiếp chảy vào hồ, yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng để hạn chế ô nhiễm.
Theo Kinh tế & Đô thị
Bạn đang đọc bài viết Đã có lời giải khi xử lý ô nhiễm nước hồ tại Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bảo tồn chim hoang dã: Cần một giải pháp hiệu quả và bền vững
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa ra mắt tài liệu “Các loài chim hoang dã nghiêm cấm hoặc hạn chế quảng cáo và mua bán” nhằm hỗ trợ các nỗ lực thực thi Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách bảo tồn chim hoang dã

Tin mới