Thứ sáu, 29/03/2024 16:48 (GMT+7)

Cống hóa sông Tô Lịch: Đừng đi từ sai lầm này sang sai lầm khác

MTĐT -  Thứ ba, 09/07/2019 16:07 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trước đề xuất cống hóa sông Tô Lịch, nhiều chuyên gia cho rằng, việc cống hóa một con sông giữa lòng thủ đô sẽ kéo theo nhiều hệ lụy.

Ngày 8/7, HĐND TP Hà Nội đã thảo luận tại hội trường về thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, thu chi ngân sách sáu tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp sáu tháng cuối năm 2019.

Tại phiên thảo luận, ông Dương Đức Tuấn, Bí thư quận Hoàn Kiếm, thông tin đã đề xuất TP Hà Nội nghiên cứu cống hoá các dòng sông để chống ô nhiễm.

Theo ông Tuấn, vừa qua với các giải pháp thử nghiệm xử lý ô nhiễm môi trường đối với các sông, hồ Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, thực trạng ô nhiễm môi trường tại các sông, hồ; đặc biệt là những con sông làm nhiệm vụ thoát nước chính cho khu vực nội thành như sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu… đang ô nhiễm khá trầm trọng. Để xử lý được cần có một chương trình, kế hoạch dài hơi, biện pháp mạnh mẽ với nguồn lực lớn hơn.

Theo đó, ông đề nghị UBND TP Hà Nội nghiên cứu các giải pháp bền vững, đảm bảo đa mục tiêu như có thể xem xét khả năng cống hoá đối với một số sông có tính chất kênh mương thoát nước, ngay cả như Tô Lịch, Kim Ngưu… “Việc cống hoá các con sông, kênh mương sẽ góp phần giảm thiểu việc xả thải, góp phần tăng thêm không gian công cộng, cây xanh và hạ tầng giao thông”, ông nói.

Đề xuất cống hóa sông Tô Lịch đang gây nhiều tranh cãi. Ảnh minh họa: Internet.

Không phải cống hóa là giải quyết được vấn đề

Tuy nhiên, đề xuất này của Bí thư quận Hoàn Kiếm đã bị các đại biểu cũng như giới chuyên gia lên tiếng phản đối.

Chia sẻ với Zing, KTS Đào Ngọc Nghiêm (nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội), Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam, cho rằng việc để sông Tô Lịch trở thành cống thoát nước đã được Hà Nội nghĩ đến từ hơn 20 năm trước.

"Cống hóa các dòng sông ở Hà Nội và đặc biệt là trong nội đô là vấn đề không phải mới. Tuy nhiên, việc phát triển đô thị không chỉ chú trọng đến yếu tố cây xanh, mà còn nhiều yếu tố cảnh quan khác như yếu tố mặt nước. Và không phải cứ cống hóa là giải quyết xong vấn đề", KTS Ngọc Nghiêm chia sẻ.

Ông cho rằng cống hóa một con sông như Tô Lịch không phải đơn giản, TP sẽ phải nghiên cứu, đầu tư nguồn kinh phí rất lớn từ ngân sách.

"Một yếu tố cơ bản của các dòng sông hiện nay là đang tiếp nhận nước mưa và nước thải sinh hoạt trộn lẫn vào nhau. Vậy nếu cống hóa sẽ rất khó đảm bảo vệ sinh môi trường. Theo tôi, chúng ta nên giữ các con sông như hiện nay để làm phong phú cảnh quan, giảm bớt gánh nặng lên vệ sinh môi trường", ông nêu ý kiến.

Ông cũng cho rằng hiện nay Hà Nội đang thể hiện quyết tâm làm sống lại sông Tô Lịch bằng việc mời các chuyên gia, mua công nghệ từ nước ngoài với kỳ vọng làm sạch nước sông, vậy bàn chuyện "đậy nắp", cống hóa sông Tô Lịch thời điểm hiện tại là không hợp lý.

Không cẩn thận sẽ phá hỏng cả 1 dòng sông

Cũng không đồng tình với phương án trên, trao đổi với báo Gia đình và xã hội, GS.TS Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNN thẳng thắn: "Nếu cống hoá là đi từ sai lầm này sang sai lầm khác, ta đang biến dòng sông tự nhiên thành dòng "sông chết", từ "sông chết" thành sông nhân tạo, biến từ sông thành cống. Nếu cống hoá rồi, sau này có câu chuyện ùn ứ rác thải, không thể lưu thông trong lòng cống là lại đưa ra đề xuất phá bỏ và rồi lại tiêu tốn hàng nghìn tỉ thì rất không thuyết phục".

"Chỉ có thể cống hoá một đoạn ngắn. Ví dụ như đoạn sông Kim Ngưu chảy qua địa phận trường ĐH Bách Khoa. Còn cả sông Tô rất dài, vòng vèo từ Đông sang Tây, rất khó để thực hiện.

Về nguyên tắc thuỷ lực, cống hoá không thể làm cho sông Tô "sống" được. Bởi vì, cống hóa tức là cống nhân tạo, phải do con người chủ động làm từ đầu và đã là nhân tạo thì phải được thiết kế theo đúng độ dốc, độ cong, độ rộng thì nước mới chảy được. Còn nếu cố tình cống hoá thì sẽ "hỏng" cả một dòng sông, phá vỡ phong thuỷ thành phố.

Ở các nước khác như Nga, Pháp, họ cũng tạo những con sông chảy trong cống hộp đặt trong lòng đất, nhưng con người vẫn có thể bơi thuyền vào bên trong cống để kiểm tra dòng chảy, kiểm tra rác thải. Nếu kiến tạo cống hoá dòng sông Tô Lịch, lấy gì để đảm bảo thuyền vẫn có thể vào trong lòng cống để kiểm tra? Lấy gì để đảm bảo con người vào cống kiểm tra không bị ngạt khí CO2? Trong khi hiện nay, nguồn nước chảy của sông Tô Lịch chủ yếu là trông chờ vào những trận mưa hoặc nước thải dân sinh", GS.TS Vũ Trọng Hồng phân tích.

Trước đó, cuối năm 2016, Hiệp hội Vận tải Hà Nội đã đề xuất thành phố cống hóa sông Kim Ngưu làm bãi đỗ xe. Đề xuất tương tự đã từng được nhà đầu tư nêu ra và được các sở, ngành chức năng thành phố trả lời là không phù hợp quy hoạch và không có cơ sở để xem xét.

Các chuyên gia cũng từng bày tỏ rằng, với các con sông và hồ của Hà Nội, nên tuân thủ theo phương châm tự nhiên hóa và hồi sinh hóa; đồng thời có thể làm cho không gian của các sông, hồ thêm khang trang hơn.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Cống hóa sông Tô Lịch: Đừng đi từ sai lầm này sang sai lầm khác. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.