Thứ năm, 18/04/2024 14:44 (GMT+7)

Giải pháp đồng bộ trong phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển

MTĐT -  Thứ năm, 12/07/2018 10:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong điều kiện hết sức khó khăn về nguồn lực, các Bộ, ngành, địa phương cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phi công trình và công trình để phòng, chống sạt lở ven sông, ven biển.

Hiện nay, tình hình sạt lở các vùng ven sông, ven biển tại nước ta đang diễn ra rất phức tạp, xảy ra ở hầu khắp các tỉnh nội địa lẫn ven biển. Nhiều vụ sạt lở xảy ra một cách từ từ, nhưng số vụ sạt lở có tính bất ngờ gây, thiệt hại lớn lại xuất hiện với tầng suất tăng dần. Điều đó cho thấy xu hướng sạt lở sẽ còn tiếp tục mở rộng và diễn biến phức tạp, nhất là trong bối cảnh diễn biến thời tiết và thay đổi chế độ thủy văn ngày một cực đoan trong thời gian tới.

Ví dụ điển hình là tình trạng xâm thực ở Đồng bằng Sông Cửu Long, kể từ cuối thập niên 2000, triều cường kèm theo sóng lớn thường xuyên đã tạo ra hiện tượng sạt lở. Mỗi năm vùng Mũi Cà Mau bị cuốn trôi trung bình 5-8 km bờ biển, nhiều vạt rừng ngập mặt (đước, sú, vẹt…), vốn được xem là những loài tiên phong mở đất lấn biển, nay bị nước biển “nuốt trôi” hàng trăm hecta mỗi năm.

Thực trạng sạt lở ở Mũi Cà Mau nói riêng, vùng Bán đảo Cà Mau nói chung, nghiêm trọng đến mức được các chuyên gia cảnh báo khu vực này sẽ mất 56% diện tích đất trong 80-90 năm nữa nếu không được cải thiện.

Trước diễn biến sạt lở ngày càng phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp.

Giải pháp trong xây dựng thể chế

Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Luật Phòng chống thiên tai, Luật Đê điều, Luật Tài nguyên nước, Luật Khí tượng thủy văn, Luật Đầu tư công và các văn bản chi tiết thi hành các Luật trên, trong đó có những nội dung liên quan đến phòng chống thiên tai.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển quy định cụ thể về trách nhiệm của Bộ, ngành và địa phương trong xử lý sạt lở, các biện pháp xử lý sạt lở nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản của nhân dân và nhà nước, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí trong điều kiện nguồn lực còn hết sức khó khăn.

Tình trạng xâm thực làm sạt lở bờ biển, bờ sông ở nhiều tỉnh.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành một số Nghị quyết, Chỉ thị và các văn bản chỉ đạo, điều hành khác, trong đó chỉ đạo nội dung liên quan đến công tác phòng, chống, khắc phục sạt lở ven sông, ven biển (Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017, Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018).

Giải pháp công trình và phi công trình

Trong điều kiện hết sức khó khăn về nguồn lực, các Bộ, ngành, địa phương cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phi công trình và công trình để phòng, chống sạt lở ven sông, ven biển.

Điển hình là chủ động di dời dân cư, trồng và phục hồi rừng ngập mặn, xây dựng công trình kè chống sạt lở với mục tiêu trước hết tập trung bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, Chính phủ tiếp tục ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng kè và trồng rừng ngập mặn ven biển.

Một công trình kè chống sạt lở bờ sông tại Hưng Yên.

Trước hết, cần rà soát, cảnh báo khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở ven sông, ven biển. Tổ chức di dời khẩn cấp những hộ dân đang sinh sống tại khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đến nơi an toàn; đối với những hộ chưa có điều kiện di dời phải tổ chức theo dõi, giám sát chặt chẽ, xây dựng phương án sẵn sàng sơ tán bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại tài sản khi có tình huống xấu.

Đối với những hộ chưa có điều kiện di dời phải tổ chức theo dõi, giám sát chặt chẽ.

Đồng thời kiên quyết ngăn chặn tình trạng khai thác cát sỏi trái phép, cấm khai thác cát, sỏi tại khu vực có diễn biến sạt lở, có nguy cơ sạt lở; triển khai kịp thời, hiệu quả các dự án phòng, chống, khắc phục sạt lở và trồng rừng, nhất là rừng ngập mặn ven biển đã được bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 và các chương trình, dự án khác.

Về lâu dài, phải tăng cường thông tin, truyền thông, đặc biệt là tới chính quyền cơ sở và người dân để nhận thức rõ thực trạng, nguyên nhân, những khó khăn, thách thức cả về nguồn nhân lực, giải pháp kỹ thuật trong khắc phục sạt lở để chủ động phòng, tránh, hạn chế các hoạt động làm gia tăng rủi ro thiên tai tại nơi mình sinh sống, trong đó có vấn đề sạt lở bờ sông, bờ biển.

Cần rà soát, cảnh báo khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở ven sông, ven biển.

Thực hiện điều tra, khảo sát, nghiên cứu khoa học để làm tốt công tác dự báo sạt lở bờ sông, bờ biển làm cơ sở rà soát, điều chỉnh các quy hoạch có liên quan, nhất là quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, bố trí, sắp xếp lại dân cư, chỉnh trị sông, phát triển vùng ven sông, ven biển gắn với ứng phó thiên tai, phòng, chống sạt lở. Quy hoạch sắp xếp lại dân cư ven sông, suối, ven biển nhất là khu vực có nguy cơ cao sạt lở.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế trong nghiên cứu các giải pháp phòng, chống sạt lở, chỉnh trị sông, bảo vệ bờ biển.

PV

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp đồng bộ trong phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.