Thứ sáu, 19/04/2024 20:09 (GMT+7)

Cần đẩy nhanh tiến độ các nhà máy xử lý rác thải tại Hà Nội

MTĐT -  Thứ ba, 07/05/2019 15:58 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn.

Trước thực trạng diện tích chôn lấp rác thải sinh hoạt ngày càng bị thu hẹp, các khu xử lý tập trung của thành phố phải hợp nhất các ô chôn lấp làm tăng các nguy cơ ô nhiễm môi trường, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn. 

Nhức nhối rác thải

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, bình quân mỗi ngày, các hộ dân, cơ sở sản xuất trên địa bàn Thủ đô phát sinh từ 6.500 đến 7.000 tấn rác thải sinh hoạt. Rác thải chủ yếu được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh tại hai khu xử lý chính là Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì).

Tuy nhiên, phương thức này vừa tốn diện tích đất, vừa khó kiểm soát về tác hại môi trường. Thực tế, tại khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn) là nơi tiếp nhận, xử lý rác lớn nhất của thành phố cũng đã quá tải, theo tính toán cũng sẽ hết chỗ chôn lấp vào năm 2020. Tương tự, dù Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn có hệ thống xử lý nước rác, nhưng việc chôn lấp vẫn tác động tiêu cực tới môi trường sống của người dân xung quanh...

Trong khi đó, tại các dự án vừa mới được đưa vào vận hành như khu xử lý chất thải Sơn Tây, công suất 700 tấn/ngày-đêm; Xử lý chất thải Xuân Sơn, công suất 150 tấn/ngày-đêm (đặt tại Xuân Sơn, Sơn Tây); Xử lý chất thải tại Phương Đình (Đan Phượng), công suất 200 tấn/ngày-đêm, qua thời gian vận hành đã bộc lộ một số nhược điểm như: Công nghệ chưa hợp lý, thiết bị xuống cấp, không bảo đảm công suất thiết kế, thường xuyên phải dừng để thực hiện bảo trì, sửa chữa. Còn Nhà máy Xử lý chất thải tại Việt Hùng (Đông Anh), công suất 500 tấn/ngày-đêm theo công nghệ Plasma do Công ty cổ phần Đầu tư Thành Quang đầu tư, hiện chưa hoạt động.

"Núi rác" dưới chân cầu Long Biên, Hà Nội (Ảnh: Kim Tiến).

Mặc dù, thành phố đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề này, nhưng ô nhiễm môi trường (rác thải, nước thải, một số dòng sông, khu vực làng nghề, nông thôn) vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Nguyên nhân là do Hà Nội còn thiếu các vị trí để xây dựng các trạm trung chuyển, điểm chuyển tải thu gom rác; thiếu các khu xử lý rác theo quy hoạch tại các địa phương để giảm tải xử lý cho các khu xử lý chất thải rắn tập trung của Thành phố.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án

Theo Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngoài nâng cấp, mở rộng 8 khu xử lý hiện có, thành phố thực hiện đầu tư mới 9 khu xử lý rác thải. Trong khi một số nhà máy đốt rác hoặc xử lý rác thành phân bón, song công suất xử lý nhỏ, công nghệ lạc hậu, thì vấn đề rác thải sẽ có thể được xử lý hiệu quả nhờ 4 dự án nhà máy xử lý rác thải phát điện đã được UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư. Đáng tiếc là hiện tiến độ các dự án này vẫn chậm.

Cụ thể, ngoài dự án xây dựng nhà máy xử lý rác có phát điện tại Khu Xử lý chất thải Đồng Ké (Chương Mỹ), thành phố đang thực hiện lựa chọn nhà đầu tư, thì đến nay mới có Nhà máy Điện rác Sóc Sơn dự kiến khởi công trong tháng 5/2019 thì tiến độ thực hiện 2 dự án tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn thực hiện rất chậm.

Hệ thống xử lý chất thải công nghiệp phát điện tại Khu liên hợp Xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Dũng).

Trước thực trạng này, TP. Hà Nội cũng đã nhiều lần nhóm họp tìm biện pháp giải quyết vướng mắc, khó khăn khi triển khai dự án. UBND thành phố cũng “chốt” thời gian đối với các chủ đầu tư dự án Nhà máy Điện rác Sóc Sơn khẩn trương hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án, với yêu cầu việc điều chỉnh tiến độ hoàn thành đi vào hoạt động không vượt quá tháng 10/2020. Dự án xử lý rác thải thu hồi điện và dự án khí hóa rác thải sinh hoạt thành điện năng tại Khu xử lý rác thải Xuân Sơn khẩn trương hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng, đất đai để bảo đảm đủ điều kiện khởi công trong tháng 5/2019.

Không thể phủ nhận những nỗ lực của thành phố trong thời gian qua với việc thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề này, nhưng công tác xử lý rác thải vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Nhất là ở khu vực nông thôn mới chỉ có khoảng 88% lượng rác thải hằng ngày được thu gom, xử lý. Từ thực tế này, để hướng tới một đô thị văn minh, hiện đại việc áp dụng công nghệ tiên tiến vào xử lý rác thải là giải pháp hiệu quả, bền vững và cần được triển khai quyết liệt hơn nữa.

Để phòng ngừa, kiểm soát, hạn chế về cơ bản mức độ phát sinh chất thải rắn gia tăng, giảm tối đa ô nhiễm môi trường do chất thải rắn gây ra, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (ngày 25-4-2014). Theo quy hoạch, ngoài nâng cấp, mở rộng 8 khu xử lý hiện có, thành phố thực hiện đầu tư mới 9 khu xử lý rác thải.


Theo Lao động thủ đô

Bạn đang đọc bài viết Cần đẩy nhanh tiến độ các nhà máy xử lý rác thải tại Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...