Thứ năm, 18/04/2024 08:01 (GMT+7)

Cách ly xã hội, HN vẫn có nhiều ngày ô nhiễm không khí vượt ngưỡng

MTĐT -  Thứ hai, 18/05/2020 09:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mặc dù trong thời gian cách ly xã hội, nhưng tại Hà Nội, giá trị trung bình 24 giờ thông số bụi mịn PM2,5 đã vượt giới hạn cho phép trong một số ngày.

Theo Báo cáo của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tháng 4 vừa qua, nhiều hoạt động kinh tế - xã hội tạm dừng do giãn cách xã hội nên chất lượng không khí nhiều đô thị được cải thiện.

Tuy nhiên tại thủ đô Hà Nội, giá trị trung bình 24 giờ thông số bụi mịn PM2,5 đã vượt giới hạn cho phép trong một số ngày.

Thống kê tỷ lệ AQI ngày các trạm tại Hà Nội cho thấy, số ngày chất lượng không khí ở mức trung bình chiếm tỉ lệ cao nhất trong tháng 4 với 43,6%, số ngày ở mức kém là 31,5%, mức xấu là 6,4% (gồm các ngày 8-9/4 và 28-29/4). Số ngày chất lượng không khí tốt chỉ chiếm 18,5%.

Đáng chú ý, tại các khu vực khác nhau, chất lượng không khí có khác biệt khá rõ. Trong khi tại trạm Phạm Văn Đồng có 6/30 ngày chất lượng không khí AQI ở mức xấu, 4/30 ngày chất lượng không khí ở mức tốt thì tại trạm Tây Mỗ không có ngày nào AQI ở mức xấu, 10/30 ngày chất lượng không khí ở mức tốt. Chất lượng không khí xấu tập trung nhiều tại các trục giao thông lớn, khu vực có công trình đang xây dựng.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo Tổng cục Môi trường, từ tuần 2 tháng 4, mặc dù vẫn trong thời gian cách ly nhưng tại một số đô thị, trong đó có Hà Nội, lượng phương tiện tham gia giao thông đã tăng lên, cùng với đó là tác động của yếu tố thời tiết (không mưa, lặng gió, có sương mù) dẫn đến một số ngày có giá trị PM2,5 tăng khá cao.

Hà Nội vẫn có nhiều ngày ô nhiễm không khí vượt ngưỡng cho phép. Ảnh minh họa: Internet.

Trước đó, nhiều báo cáo cho rằng, giãn cách xã hội đã giúp chất lượng không khí cải thiện đáng kể. Tại TP.HCM, mật độ NO2 trong giai đoạn ngày 1-22.4 đã giảm 4,81% so với cùng kỳ năm ngoái. So với tháng 3.2020, mức biến động này là 13,14%.

Tương tự trên toàn quốc, mật độ NO2 trong giai đoạn đóng cửa tháng Tư vừa qua có xu hướng giảm 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái, theo kết quả phân tích dữ liệu đo được từ vệ tinh Sentinel-5P của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) của đại học Quốc gia Việt Nam Hà Nội.

"Việc ô nhiễm không khí do NO2 tăng tại hai khu vực này có thể xuất phát từ việc các hoạt động nông nghiệp và công nghiệp tại các nhà máy địa phương không suy giảm trong giai đoạn giãn cách xã hội," bà Nguyễn Thị Nhật Thanh, nhà khoa học máy tính, chuyên gia viễn thám tại đại học Quốc gia Việt Nam Hà Nội giải thích.

Nhiều thành phố trên thế giới đang ghi nhận ô nhiễm không khí giảm đáng kể khi thực hiện giãn cách xã hội. Tại Đông Nam Á, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, mức độ ô nhiễm không khí ở nhiều nước Đông Nam Á thường vượt quá 5 lần giới hạn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Điều này làm cho ô nhiễm không khí trở thành nguy cơ môi trường lớn nhất đối với sức khỏe con người, góp phần gây ra bệnh hô hấp và tim mạch mãn tính và các bệnh khác.

Con số thống kê cho thấy, khoảng 799.000 ca tử vong hàng năm trong khu vực có liên quan đến vấn đề ô nhiễm không khí. Trong đó, nhiên liệu hóa thạch được cho là nguyên nhân của hơn 150.000 ca tử vong. Thiệt hại kinh tế của ô nhiễm không khí do nhiên liệu hóa thạch gây ra ước tính đạt mức 2,9 nghìn tỷ USD vào năm 2018, tương đương 3,3% GDP toàn cầu.

Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của Trung tâm nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA), nồng độ khí NO2 (nito dioxit) độc hại ở các đô thị lớn như Kuala Lumpur, Manila hay Bangkok đều giảm xuống trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát. Nguyên nhân là việc sụt giảm trong vận tải và sản xuất.

Trong đó, Malaysia có sự thay đổi mạnh mẽ và bền vững nhất khi nồng độ NO2 ở thủ đô Kuala Lumpur giảm khoảng 60% so với năm 2019. Ngay tại Indonesia, quốc gia có mức độ ô nhiễm không khí nguy hiểm nhất trong khu vực Đông Nam Á, nồng độ khí NO2 ở thủ đô Jakarta cũng giảm khoảng 40% so với năm 2019.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Cách ly xã hội, HN vẫn có nhiều ngày ô nhiễm không khí vượt ngưỡng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới