Thứ bảy, 20/04/2024 04:54 (GMT+7)

Bộ Tư pháp thừa nhận lấy “số liệu cũ” môi trường làm báo cáo

MTĐT -  Thứ bảy, 12/10/2019 11:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bộ Tư pháp vừa phát thông cáo báo chí thừa nhận việc đã sử dụng "số liệu cũ" môi trường không khí Hà Nội từ năm 2005 trong báo cáo thi hành Luật thủ đô gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo báo Thanh Niên, liên quan đến việc báo cáo môi trường Hà Nội gửi Quốc hội năm 2019 lấy số liệu 2005, ngày 11/10, Bộ Tư pháp đã có thông cáo chính thức.

Bộ Tư pháp cho biết, Bộ Tư pháp được giao chủ trì, phối hợp với UBND TP Hà Nội và các Bộ, Ngành có liên quan xây dựng Báo cáo số 296/BC-CP của Chính phủ về việc thi hành Luật Thủ đô trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo quy trình làm việc, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã thẩm tra sơ bộ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét cho ý kiến về Báo cáo số 296/BC-CP của Chính phủ.

Bộ Tư pháp báo cáo số liệu về ô nhiễm môi trường Hà Nội chưa chính xác

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ bổ sung, đánh giá sâu thêm về việc thi hành Luật Thủ đô trong một số lĩnh vực, đồng thời rà soát, cập nhật các số liệu, hoàn thiện Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội.

Thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kiến nghị của Ủy ban Pháp luật, hiện Bộ Tư pháp đang tích cực phối hợp với UBND TP Hà Nội và các bộ, ngành liên quan đánh giá bổ sung việc thực hiện các quy định của Luật Thủ đô; rà soát, kiểm tra và cập nhật số liệu, trong đó có số liệu về ô nhiễm môi trường và không khí Thủ đô mà báo chí đã phản ánh.

Cùng ngày, trả lời VTC News, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu thừa nhận bộ phận làm báo cáo của Bộ đã chủ quan trong khâu tổng hợp số liệu để làm báo cáo gửi Quốc hội.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu. (Ảnh: Quốc hội)

“Khi Bộ Tư pháp thực hiện báo cáo gửi Quốc hội, báo cáo của Bộ Tài Nguyên - Môi trường và báo cáo của UBND TP Hà Nội gửi đến Bộ không có các số liệu về chỉ số ô nhiễm nên anh em tham khảo và tổng hợp ở một số nguồn từ trên mạng và báo chí.

Trong đó, một báo số ra năm 2018 đưa nội dung này nhưng bài báo không dẫn nguồn từ năm nào nên anh em hơi chủ quan đưa vào.

Vừa rồi tôi cũng kiểm tra việc này và đúng là tờ báo này số ra năm 2018 nhưng không trích nguồn số liệu từ năm nào”, ông Hiếu cho hay.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng cho biết đây mới là dự thảo nên các số liệu chưa được chuẩn hóa. Sau khi Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra, Bộ Tư pháp sẽ chỉnh lý lại để có báo cáo chính thức.

“Sau khi thẩm tra, nội dung nào chưa đạt hay cần bổ sung thì Bộ Tư pháp sẽ bổ sung để chính thức gửi cho các đại biểu Quốc hội”, Thứ trưởng Hiếu nói.

Về quy trình thực hiện báo cáo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho hay, trong dự thảo báo cáo vẫn có số và có chữ ký. Khi Bộ Tư pháp trình Chính phủ và được Chính phủ đồng ý thì Bộ trưởng Tư pháp sẽ ký thừa ủy quyền để gửi các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra.

“Vì Quốc hội yêu cầu gửi báo cáo là báo cáo chính thức. Nhưng sau khi thẩm tra, bao giờ Bộ Tư pháp cũng phối hợp với các Bộ, ngành để hoàn chỉnh lại báo cáo, có báo cáo giải trình tiếp thu các ý kiến, thẩm tra và điều chỉnh nội dung trong báo cáo để thành Báo cáo chính thức cuối cùng”, ông Hiếu nói thêm.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cũng cho biết, hiện Bộ này đang phối hợp với Bộ Tài Nguyên - Môi trường và UBND TP Hà Nội để có số liệu chính thức liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường ở Hà Nội để bổ sung vào báo cáo.

Trước đó, trong báo cáo của Chính phủ về việc thi hành Luật Thủ đô ngày 19/7/2019 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thay mặt Chính phủ, thừa uỷ quyền Thủ tướng ký vừa được gửi đến Quốc hội, Bộ Tư pháp nêu những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong thi hành Luật Thủ đô.

Báo cáo cũng nêu: “Thống kê gần đây nhất cho thấy mỗi năm môi trường không khí thành phố Hà Nội phải tiếp nhận khoảng 80.000 tấn bụi khói, 9.000 tấn khí SO2, 19.000 tấn khí NO2, 46.000 tấn khí CO2; trong đó, quá trình phá dỡ, đào, san lấp, vận chuyển vật tư và tập trung nhiều thiết bị thi công có sử dụng động cơ diezen công suất cao đã phát thải khí độc hại như SO2, NOx, CO… làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân trên một diện rộng quanh khu vực thi công”.

Tuy nhiên, số liệu này đã được công bố rộng rãi trên báo chí từ cuối năm 2005, tức là từ 14 năm trước, trước khi Luật Thủ đô có hiệu lực 8 năm.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Bộ Tư pháp thừa nhận lấy “số liệu cũ” môi trường làm báo cáo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...