Thứ sáu, 19/04/2024 03:24 (GMT+7)

Bất cập hệ thống quản lý và những chế tài xử lý rác thải ở Việt Nam

MTĐT -  Thứ ba, 26/11/2019 23:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việc xử lý rác thải luôn là bài toán muôn thuở mà các cơ quan chức trách "đau đầu" tìm hướng xử lý. Một sự việc nhưng có tới 6 bộ trực tiếp quản lý và những chế tài lại có nơi 300 nơi hàng triệu đồng.

Hiện tại nguồn rác thải ở Việt Nam đang được chia thành các loại: Rác hữu cơ, rác vô cơ và rác tái chế. Sự phân loại khác nhau dẫn đến cơ quan quản lý và quy định cũng khác nhau.

Phân luồng quản lý không rõ ràng

Theo Nghị định số 36/2017/NĐ-CP, Nghị định số 46/2015/NĐ-CP và Nghị định 38/2015/NĐ CP… hiện đang có sự phân đoạn và không rõ ràng trong phân công chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về CTR; chưa quy định, phân luồng quản lý chất thải rắn (CTR) một cách thống nhất; giao trách nhiệm cho nhiều bộ, ngành khác nhau hướng dẫn việc thực hiện. Trong khi đó, hiện công nghệ xử lý CTR hiện nay chủ yếu là chôn lấp; rác chưa được phân loại tại nguồn; kinh phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển xử lý CTR sinh hoạt chủ yếu dựa vào ngân sách tại các địa phương. 

Tuy nhiên, trước đó Luật Bảo vệ Môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường (TNMT) được giao chỉ đạo, hướng dẫn và thực hiện hoạt động quản lý chất thải nói chung; các Bộ: Xây dựng, Y tế và GTVT được giao chủ trì, phối hợp với Bộ TNMT tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về môi trường trong phạm vi, lĩnh vực ngành quản lý. Trách nhiệm cụ thể của từng bộ được quy định trong các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật. Thế nhưng, công tác quản lý CTR lại đang gặp không ít những khó khăn.

Theo quy định, chất thải rắn tại khu đô thị sẽ thuộc Bộ Xây dựng quản lý.

Bà Nguyễn Hoàng Phượng, chuyên gia tư vấn của Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: "Hiện có khoảng 6 bộ trực tiếp quản lý và hướng dẫn các địa phương thực hiện quản lý chất thải tại Việt Nam, chưa kể các bộ liên quan nhưng không quản lý trực tiếp". Điển hình chất thải rắn sinh hoạt ở đô thị sẽ thuộc quản lý của Bộ Xây dựng, còn trong khu vực nông thôn thì thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân, lượng CTR sinh hoạt phát sinh hiện nay tại các khu đô thị vào khoảng 38.000 tấn/ngày và tại khu vực nông thôn vào khoảng 32.000 tấn/ngày. Trong đó, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải tại khu vực đô thị đạt khoảng 85%; tại khu vực nông thôn còn thấp, trung bình đạt khoảng 40-55%. Công tác vận chuyển hiện còn gặp nhiều khó khăn, các bãi chôn lấp chất thải thường ở xa khu dân cư làm tăng chi phí vận chuyển. Trong khi đó, mức phí vệ sinh môi trường thu từ các hộ gia đình hiện nay mới chỉ chi trả được một phần cho hoạt động thu gom chất thải, không đủ để chi trả cũng như duy trì cho hoạt động vận chuyển.

Chia sẻ thêm về những chồng chéo, bất cập về vấn đề quản lý rác thải hiện nay, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết: "Mặc dù tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt tại nước ta tăng lên nhưng do lượng thải phát sinh lớn, năng lực thu gom còn hạn chế, cùng với ý thức chưa được nâng lên, khiến tỷ lệ thu gom vẫn chưa đạt yêu cầu. Trong khi đó, quản lý CTR là vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương, tiềm ẩn nguy cơ an ninh trật tự. Do đó, việc đề xuất được mô hình thống nhất quản lý CTR cũng như giải pháp quản lý công nghệ xử lý CTR nhằm kiểm soát, giải quyết có hiệu quả… là thách thức mà ngành tài nguyên và môi trường đang đối diện".

Chế tài có nhưng cũng khó xác định!

Xoay quanh vấn đề rác thải, hiện có không ít bất cập đã được nêu ra. Cụ thể như: Công nghệ xử lý CTR hiện nay chủ yếu là chôn lấp; rác chưa được phân loại tại nguồn; kinh phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển xử lý CTR sinh hoạt chủ yếu dựa vào ngân sách tại các địa phương. Trong khi đó, mức thu phí vệ sinh hiện nay còn rất thấp nên chỉ bù đắp một phần chi phí thu gom, vận chuyển…Chế tài xử phạt cũng đang "mơ hồ" giữa các bộ ngành. 

Việc phân luồng trong quản lý chất thải rắn dẫn đến câu chuyện không đồng bộ về áp dụng chế tài, dù xét cùng một hành vi: "Xả rác ra nơi công cộng, theo quy định ngành y tế, chỉ phạt 200 đến 500.000 đồng, nhưng nếu chiếu theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, có thể phạt từ 3 triệu - 7 triệu đồng" bà Nguyễn Phượng Hoàng nêu ví dụ.

Dù có biển cấm đổ rác, nhưng người dân vẫn bất chấp xả rác, không hề có một chế tài xử phạt cụ thể.

Đáng chú ý, tình trạng xả CTR sinh hoạt bừa bãi, bất chấp việc có biển cấm đã tồn tại nhiều năm nay, nhưng ý thức người xả rác vẫn ngang nhiên, làm mất mỹ quan đô thị, cơ quan chức năng cũng ngoảnh mặt "làm ngơ" để sự việc tái diễn thường xuyên trên nhiều địa bàn tại Hà Nội. Vậy những chế tài xử phạt sinh ra để làm gì?

Quanh vấn đề này nhiều ý kiến cho rằng Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm tiến hành rà soát lại các quy hoạch về quản lý CTR; đề ra các chế tài để hạn chế các sản phẩm CTR gây nguy hại đến môi trường; tổ chức các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về quản lý, thu gom, phân loại CTR tại gia đình và cộng đồng...

Kim Huyền

Bạn đang đọc bài viết Bất cập hệ thống quản lý và những chế tài xử lý rác thải ở Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.