Thứ năm, 25/04/2024 05:48 (GMT+7)

Bao giờ Hà Nội xử lý hết ô nhiễm môi trường làng nghề?

MTĐT -  Thứ sáu, 06/03/2020 15:52 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sở Công Thương Hà Nội đưa ra kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường 80 làng nghề trên địa bàn thành phố đến năm 2030 với khoản kinh phí 1.350 tỷ đồng.

Số lượng làng nghề lớn nhất cả nước

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà, cả nước hiện nay có trên 5.000 làng nghề. Trong số khoảng 160 làng nghề đã phân loại thì có 90 làng nghề là loại ô nhiễm nghiêm trọng, 60 làng nghề ở mức độ cần phải kiểm soát.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học Công nghệ của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 14 vừa rồi cho biết, hiện chỉ có 26,7% cơ sở làng nghề là có thu gom nước thải công nghiệp và 20,9% số làng nghề có thu gom chất thải rắn công nghiệp.

Hà Nội hiện là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước với 1.350 làng nghề và làng có nghề, phân bố không đều. Huyện Hoài Đức có số làng nghề kỷ lục, với 53 làng thì có đến 51 làng nghề, với hơn 8.300 doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh, trong đó có 12 làng được công nhận làng nghề truyền thống.

Nhiều cơ sở sản xuất ở huyện Hoài Đức nằm cạnh các con mương bốc mùi hôi thối.

Tuy nhiên, đứng đầu trong danh sách gây ô nhiễm tại Hà Nội phải nói tới làng nghề chế biến nông sản tại các xã Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế thuộc huyện Hoài Đức. Tại các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm này, lượng nước thải sản xuất có nơi ước tính lên đến 7.000m3/ngày/làng nghề.

Theo đánh giá của các chuyên gia, các làng nghề nhìn chung có quy mô nhỏ, trình độ sản xuất thấp, thiết bị cũ và công nghệ lạc hậu. Do hạn chế về công nghệ và kỹ thuật sản xuất nên các các làng nghề vẫn sử dụng chủ yếu là lao động thủ công ở hầu hết các công đoạn, kể cả các công đoạn nặng nhọc và độc hại nhất. Trên 70% số làng nghề nằm xen kẽ tại các khu dân cư, khiến tình trạng ô nhiễm nước thải tại các làng nghề tiếp tục gia tăng.

Kết cấu hạ tầng nông thôn như đường, cống, rãnh thoát nước thải không đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất… dẫn đến nhiều làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng, tác động trực tiếp đến đời sống thủy sinh vật cũng như môi trường sống của cộng đồng, mà trước tiên người dân làng nghề phải gánh chịu hậu quả.

Vì vậy, mặt trái của sự phát triển là hầu hết các làng nghề Việt Nam hiện nay đã và đang bị ô nhiễm ở cả ba dạng: ô nhiễm nước, ô nhiễm rác thải và khí thải, trở thành các “điểm đen” về ô nhiễm môi trường.

Năm 2020 xử lý môi trường tại 50 làng nghề trọng điểm

Thực hiện Đề án “Bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”, Sở TN&MT Hà Nội đã khảo sát, lấy mẫu và phân tích môi trường tại 65 làng nghề. Kết quả cho thấy 60/65 làng nghề ô nhiễm môi trường. Hầu hết các làng nghề đều chưa có hệ thống hạ tầng đạt yêu cầu, nhất là hệ thống cấp thoát nước thải thiếu đồng bộ. Phần lớn nước thải từ các làng nghề chưa qua xử lý thải ra môi trường ao, hồ với mức độ ô nhiễm rất cao.

Trước thực trạng trên, thời gian qua, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo, Sở TN&MT tiếp tục thực hiện nhiệm vụ “Rà soát, đánh giá, phân loại làng nghề”. Theo đó, năm 2019, rà soát, đánh giá phân loại 128 làng nghề. Năm 2020, rà soát đánh giá phân loại 107 làng nghề; xây dựng và thực hiện kế hoạch truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng tại các khu vực làng nghề trong giai đoạn 2018 – 2020, tiến tới 100% các làng nghề được rà soát, đánh giá, phân loại theo Thông tư 31/2016/TT-BTNMT của Bộ TN&MT để có kế hoạch xử lý ô nhiễm phù hợp với từng loại hình sản xuất, với điều kiện thực tế của địa phương...

Sở Công Thương Hà Nội đưa ra kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề trên địa bàn thành phố với khoản kinh phí 1.350 tỷ đồng. Trong đó, đến hết năm 2020, sẽ bố trí khoảng 750 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 50 làng nghề trọng điểm… Giai đoạn 2020 - 2030, cần 600 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 30 làng nghề khác.

Một thực tế cho thấy, việc xử lý ô nhiễm chưa hiệu quả dù có đầu tư lớn. Cụ thể, như huyện Hoài Đức, Hà Nội, năm 2002, xã Minh Khai đã đưa vào sử dụng công trình xử lý nước thải, công suất 120 m3/ngày, đêm nhưng lại đặt sai vị trí nên đành phải “đắp chiếu” ngay sau đó; Dự án xây dựng Nhà máy xử lý nước thải xã Sơn Đồng có tổng mức đầu tư 231,5 tỷ đồng, thực hiện đầu tư trong thời gian 2014 - 2016, song đến nay vẫn ở giai đoạn thi công; Nhà máy xử lý nước thải tập trung Cầu Ngà, xã Dương Liễu, công suất thiết kế 20.000 m3/ngày, đêm được đưa vào vận hành vào tháng 10/2016 để xử lý nước thải làng nghề của các xã Dương Liễu, Minh Khai và Cát Quế.

Kể từ khi nhà máy xử lý nước thải làng nghề Cầu Ngà (xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) đi vào hoạt động, nước thải của 10 thôn với hơn 2.500 hộ dân ở Miền Làng (là khu vực trong đê sông Đáy) đã được thu gom, xử lý.

Theo PLVN

Bạn đang đọc bài viết Bao giờ Hà Nội xử lý hết ô nhiễm môi trường làng nghề?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành