Thứ bảy, 20/04/2024 05:37 (GMT+7)

Báo động ô nhiễm môi trường ven biển ở Quảng Ngãi

MTĐT -  Thứ tư, 14/06/2017 16:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hiện nay nhiều xã ven biển ở tỉnh Quảng Ngãi đang báo động tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải, chất thải từ các khu dân cư, nhà máy, nhà hàng, khu du lịch ven biển.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi, hiện nay, do công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng và di dời dân thực hiện chưa đồng bộ, đã dẫn đến nhiều nhà máy, xí nghiệp xả chất thải, nước thải tràn lan, ảnh hưởng đến một số khu dân cư ven biển. Đặc biệt, hiện nay hơn 400 hộ dân ở xã ven biển Bình Ðông sống gần Nhà máy xi-măng Ðại Việt đang phải sống trong tình trạng ô nhiễm tiếng ồn và bụi.

Mặc dù, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã nhiều lần họp với chủ đầu tư để giải quyết tình trạng ô nhiễm chung quanh nhà máy, nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục được. Người dân xã Bình Đông lại thường xuyên ngăn cản nhà máy không cho sản xuất.

Trao đổi với PV Nhân Dân điện tử sáng 13-6, Trưởng BQL Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Minh Tài cho rằng, phương án khắc phục ô nhiễm môi trường tại Nhà máy xi măng Đại Việt chưa có khả thi.

Người dân địa phương đề nghị Nhà máy phải di dời đi nơi khác, nhưng chủ đầu tư không đồng ý, vì nhà máy xây dựng trên đất quy hoạch phát triển công nghiệp do BQL Khu kinh tế cấp phép. Việc di dời nhà máy rất tốn kém và công tác bồi thường thiệt hại cho chủ đầu tư với nguồn kinh phí không nhỏ, cho nên hiện nay nhiều hộ dân ở gần nhà máy vẫn chịu cảnh ô nhiễm môi trường…

Ði trên ven biển Quảng Ngãi trong những ngày giữa tháng 6 này, chúng tôi chứng kiến nhiều nhà hàng, khu du lịch đang mọc lên nhanh chóng, kéo theo lượng rác thải, nước thải ngày càng nhiều. Nhất là tại cảng Sa Kỳ, cảng cá Lý Sơn hiện nay với hàng chục nghìn lượt tàu đánh cá ra vào đã thải ra biển hàng trăm tấn chất thải sinh hoạt, nhiên liệu, cặn dầu, nước rửa tàu lẫn chất thải rắn và chất tẩy rửa trong quá trình hoạt động.

Thực tế mỗi khi bốc dỡ xong hải sản, các chủ tàu làm vệ sinh tàu thường thải các cặn bã, tạp chất trực tiếp xuống biển. Các phương tiện thủy nội địa đều thiếu bộ phận thu gom chất thải và ý thức chấp hành các quy định an toàn hàng hải, vệ sinh môi trường của các chủ phương tiện chưa cao, cho nên thường gây ô nhiễm môi trường vùng nước ven biển.

Tại cảng cá Sa Huỳnh trong những ngày này đã có hàng trăm lượt tàu thuyền ra vào cảng để tiêu thụ hải sản và tiếp nhiên liệu phục vụ những chuyến ra khơi, cho nên lượng rác thải ra biển rất lớn. Ðó là chưa kể vùng ven biển này có hơn hai nghìn hộ dân sinh sống và thường vứt rác, xả nước thải trực tiếp ra biển đã làm cho môi trường biển ngày càng bị ô nhiễm nặng.

Dọc theo bờ biển xã Tịnh Kỳ, Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, có khu du lịch, bãi tắm Mỹ Khê và hàng trăm nhà hàng, quán nhậu mọc lên nhanh chóng, do vậy lượng rác thải, nước thải xả ra biển rất lớn, tạo thành một bãi rác chạy dài hàng cây số, mùi hôi thối đến ngạt thở. Ông Trần Văn Hải, một người dân ở đây nói: “Cả xã không có lấy một điểm đổ rác tập trung nào. Ở đây đất chật người đông, có mấy nhà xây được nhà vệ sinh đâu. Thôi thì mọi thứ đành cho ra biển vậy, “ăn, ở cùng rác mà!”.

Cũng giống như vùng biển Tịnh Kỳ, ven biển xã Bình Thạnh (huyện Bình Sơn), xã Nghĩa An (huyện Tư Nghĩa) rác được người dân vứt xả một cách vô tội vạ. Ðâu đâu cũng thấy rác. Rác không chỉ tràn ngập khu dân cư dọc theo bờ biển mà ngay trên đường đi. Tất cả những thứ gì gọi là chất thải đều được người dân cho ra biển. Riêng xã Nghĩa An, trung bình một ngày có khoảng 5 tấn rác được thải ra biển. Khi triều lên, sóng biển cuốn những bãi rác này ra khơi. Sau đó, rác lại theo con sóng tấp ngược vào bờ và các khu dân cư dọc biển. Tai hại hơn, một số nơi rác thải theo sóng tràn vào hồ nuôi tôm gây dịch bệnh làm tôm chết hàng loạt.

Về xã Bình Châu (huyện Bình Sơn), chúng tôi đi ngang qua đoạn phía trên chợ, nơi con nước thủy triều dâng lên tràn vào vùng nuôi tôm Châu Me và Tịnh Hòa, thấy toàn là rác. Trời nắng, mùi xú uế bốc lên nồng nặc từ những đống rác thải. Nhiều nhất là hai bên đầu cầu thuộc thôn Ðịnh Tân có quá nhiều rác thải vứt thành đống đã làm ảnh hưởng hàng trăm hộ dân sống gần đó. Tại xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận Biển, tình trạng ô nhiễm còn nghiêm trọng hơn, vì ở góc Gành Cả này việc vứt rác công khai. Khoảng bốn giờ chiều, những người nội trợ ở xóm Gành Cả gom rác đổ từng đống xuống bãi biển khi thủy triều vừa rút. Trên bờ, dưới nước, rác vương vãi khắp nơi, trong khi địa phương lại lúng túng trong việc xử lý.

Nhiều người dân ở xã Bình Châu cho biết: Ô nhiễm môi trường biển hiện nay xuất phát từ chính nếp sống, tập quán sinh hoạt của gia đình. Tình trạng đổ rác thải, nước thải bừa bãi cộng với việc ồ ạt khai thác rong mơ đang gây ra những hệ lụy khôn lường đối với hệ sinh thái biển và trở thành vấn đề đáng lo ngại cho sự phát triển bền vững kinh tế biển. Chính quyền địa phương đã thường xuyên tuyên truyền và vận động bà con không xả nước thải, rác thải bừa bãi ra biển, nhưng một số hộ dân ý thức chưa cao nên dẫn đến môi trường biển bị ô nhiễm nặng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho biết: Tỉnh Quảng Ngãi xác định kinh tế biển luôn là hướng đi mũi nhọn. Tận dụng những tiềm năng, lợi thế từ cảng biển nước sâu, khuyến khích ngư dân đóng tàu mới công suất lớn vươn khơi xa, mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản…

Thế nhưng, tình trạng ô nhiễm môi trường ven biển trầm trọng như hiện nay thì việc phát huy lợi thế từ biển của tỉnh đang gặp nhiều trở ngại. Hiện nay, ở các địa phương, nhất là các xã ven biển thì việc quản lý, bảo vệ môi trường vùng ven bờ biển chưa được quan tâm đúng mức.

Tỉnh đã bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường cho các địa phương mua phương tiện xử lý rác thải. Có nơi như Bình Sơn, Mộ Ðức, Sơn Tịnh… đã hình thành tổ, đội thu gom rác, còn hầu hết các địa phương đều bỏ lỏng chuyện này. Hình ảnh rác tràn ra ven biển là khó tránh khỏi. Bởi về phía chính quyền địa phương thì thiếu cách thức quản lý, một bộ phận người dân các vùng này thiếu ý thức bảo vệ môi trường.

Theo Báo Nhân dân

Bạn đang đọc bài viết Báo động ô nhiễm môi trường ven biển ở Quảng Ngãi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...