Thứ năm, 28/03/2024 17:13 (GMT+7)

Tin môi trường ngày 9/4: “Lô cốt rác thải” đe dọa khu dân cư

MTĐT -  Thứ hai, 09/04/2018 17:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Phú Thọ “lô cốt rác thải” án ngữ sát đường quốc lộ và cạnh khu dân cư, Hải Dương ô nhiễm môi trường từ bãi rác ven đường… là một số tin môi trường trong ngày.

Phú Thọ: “Lô cốt rác thải” án ngữ sát đường quốc lộ và cạnh khu dân cư

Hiện nay, người dân thuộc khu 4, thị trấn Sông Thao, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) đang phải sống chung với mùi hôi thối của bãi rác thải khổng lồ tập kết tại khu vực gần bến đò Chí Chủ. Rác thải chất thành những đống lớn với diện tích rộng, được đốt ngày này qua ngày khác đang gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân nơi đây.

Theo người dân, bãi rác đã được hình thành từ lâu. Trước đây, ở đây có hệ thống lò đốt nhỏ để xử lý rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây hệ thống lò đốt xuống cấp, không thể xử lý được. Dẫn đến tình trạng rác thải ngày càng nhiều, ứ động và dần hình thành nên một bãi rác khổng lồ với chiều cao lên đến vài mét.

Bãi rác nằm gần khu dân cư, gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo ghi nhận của PV MT&CS, từ bãi rác bốc lên mùi hôi thối, ruồi muỗi, khói bụi mù mịt.  Hàng ngày, những xe ô tô chở rác từ các khu vực dân cư lân cận đổ ra đây và những loại rác thải đó được đốt tự nhiên ngoài môi trường mà không có biện pháp xử lý. Các khu dân cư cách xa 2km vẫn bị ảnh hưởng bở khói đốt rác.

Bãi rác nằm sát bên quốc lộ 32C, do đó, khi đốt rác thải triền miên ngày này qua ngày khác khiến khói bụi bốc lên nghi ngút ảnh hưởng đến các phương tiện giao thông qua lại. Mới đây, tại khu vực này đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông, khi một xe ô tô đang lưu thông trên đường do khói đốt rác gây mất tầm nhìn dẫn đến tự va vào hành lang an toàn của tuyến đường.

Nhân viên vệ sinh môi trường tại đây cho biết: “Bãi rác ở đây cũng có xây dựng hệ thống xử lý lò đốt nhưng hệ thống quá bé rác về thì nhiều quá chúng tôi không xử lý được. Thế nên chúng tôi đành phải đổ ra bên ngoài và đốt. Thêm vào đó, lò xử lý rác đã xuống cấp nghiêm trọng, hỏng xập xệ nhưng không có đơn vị nào đến sửa chữa hay nâng cấp cả, mái che rồi các hệ thống mủn rơi dần. Rác ở đây không chỉ của khu thị trấn mà còn cả ở Sai Nga, Thanh Nga, Sơn Tình người ta cũng tiện đường đi qua là đổ luôn tại đây thế nên rác ngày càng nhiều”.

Ninh Thuận: Cấp bách ứng phó với hạn hán

Nắng nóng kéo dài trong hơn 3 tháng qua dẫn đến khô hạn, gây nhiều tác động tới sản xuất và sinh hoạt của nhân dân tỉnh Ninh Thuận.

Ninh Thuận là địa phương có hệ thống công trình thủy lợi tương đối nhiều, với 21 hồ chứa nước lớn nhỏ, tổng dung tích chứa hơn 194 triệu m3. Tuy nhiên, đa số các hồ chứa lại không có nguồn cung, chủ yếu tích nước mưa để tưới tiêu. Do vậy cứ vào đầu mùa khô, Ninh Thuận lại phải mặt với nhiều khó khăn về nguồn nước để phục vụ cho sản xuất, nghiêm trọng hơn là thiếu nước phục vụ cho chăn nuôi.

Thực tế tình hình khô hạn mới diễn ra trong hơn 3 tháng qua, thế nhưng 9/21 hồ chứa của các địa phương ở tỉnh Ninh Thuận đang rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng. Thực trạng trên đã buộc người dân phải cắt giảm hàng trăm hécta diện tích đất sản xuất, nhiều nhất là tại các huyện Thuận Nam, Ninh Hải và Bác Ái để tránh thiệt hại do thiếu nguồn nước tưới.

Hạn hán, thiếu nước khiến hàng loạt cừu ở Ninh Thuận bị chết. Ảnh: TTXVN.

Ông Phạm Ngọt, Phó Giám đốc phụ trách Công ty TNHH MTV Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong 21 hồ chứa do Công ty quản lý thì hiện lượng nước chỉ còn khoảng 125 triệu m3. Tuy nhiên, đã có 8 hồ chứa lượng nước dưới 0,5 triệu m3, còn 1 hồ chứa đã trơ đáy hoàn toàn. Dự báo các hồ chứa nhỏ gồm: hồ Phước Nhơn, Phước Trung thuộc huyện Bác Ái; hồ Suối Lớn, Bầu Ngứ thuộc huyện Thuận Nam; hồ Tà Ranh, Bầu Zôn thuộc huyện Ninh Phước và hồ Ông Kinh thuộc huyện Ninh Hải có khả năng xảy ra hạn cục bộ.

Bình Thuận: Thiếu nước sản xuất, nông dân mong mỏi có đập ngăn mặn

Do bị xâm nhập mặn, người dân xã Tân Thuận (Hàm Thuận Nam) và xã Tân Hải (thị xã La Gi) tỉnh Bình Thuận rất mong được đầu tư xây dựng đập ngăn mặn trên dòng sông Phan để có nước sản xuất vào mùa khô.

Bước vào mùa khô, tại dòng sông Phan, nước biển dâng lên gây xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến nguồn nước tưới tiêu sản xuất nông nghiệp cho 1000 ha thuộc xã Tân Thuận và 200ha thuộc xã Tân Hải. Do đó, việc xây dựng đập ngăn mặn có tác dụng tích trữ nguồn nước ngọt cho bà con sản xuất là điều rất cần thiết, vì đây là khu vực khan hiếm nước trong mùa khô.

Từ nhiều năm nay, bà con nơi đây phải nạo vét, thậm chí đào móc ao dưới lòng sông Phan để kiếm nguồn nước tưới tiêu. Có năm bà con đành để thanh long và một số loại cây khác chết khô vì nguồn nước cạn kiệt, mặc dù đã nổ lực nạo vét ao hồ dưới lòng sông cạn. Bên cạnh đó, tại khu vực gần cầu Quang nước thường bị nhiễm mặn, có khi tưới làm chết cây hoặc ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây trồng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và thu nhập của bà con nông dân.

Năm nào cũng vậy, người dân phải đóng góp tiền để đắp đập ngăn mặn tích nước cho việc tưới tiêu mùa khô. Mỗi đập khoảng 30 triệu đồng, trên đoạn sông ngắn chảy qua xã Tân Thuận, người dân phải đắp nhiều đập để giữ nước với mong muốn đủ nước tưới trong mùa khô, tiêu tốn số tiền không nhỏ và ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người dân.

Động đất mạnh 6,1 độ richter làm rung chuyển miền Tây Nhật Bản

Một trận động đất mạnh 6,1 độ richter đã xảy ra tại tỉnh Shimane, miền Tây Nhật Bản vào sáng sớm ngày 9/4 khiến ít nhất 4 người bị thương và gây mất điện nhiều khu vực của thành phố Oda.

Theo cơ quan Khí tượng Nhật Bản, trận động đất xảy ra vào khoảng 1 rưỡi sáng ở độ sâu 12 km, rơi vào cấp 5 trong thang đo cường độ địa chấn 7 cấp của nước này.

Thống kê từ tờ Japan Times cho thấy, 4 người bị thương đều thuộc thành phố Oda, khu vực chịu dư chấn mạnh nhất từ trận động đất này, trong số đó có một cậu bé 17 tuổi.

Sau trận động đất, khoảng 100 hộ gia đình bị mất nước và 50 hộ khác mất điện trong thành phố. Ngoài ra, nhiều tòa nhà cũng xuất hiện các vết nứt lớn sau khi trận động đất xảy ra. Nhiều công trình công cộng và một số đoạn đường bị hư hỏng.

Động đất mạnh 6,1 độ richter tấn công Nhật Bản ngày 9/4.

Hải Dương: Ô nhiễm môi trường từ bãi rác ven đường

Theo báo Hải Dương, trong thời gian qua, ngay tại ven đường đê thuộc thôn Phương Quất, xã Lạc Long (Kinh Môn) xuất hiện bãi rác thải tự phát. Hiện tại, bãi rác đang gây nhiễm môi trường khi bốc mùi hôi thối.

Ghi nhận thực tế tại đây, rác thải sinh hoạt được người dân buộc qua loa trong những túi nilon, bao tải vứt bừa bãi bên đường gây ô nhiễm môi trường, nhất là những ngày nắng nóng, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Ngoài ra, rác thải đổ ngay trên đê là nơi trú ngụ lý tưởng của chuột, mối, ảnh hưởng đến an toàn đê điều.

Giảm thiệt hại thiên tai từ nhận thức của cộng đồng

Hà Nội Mới thông tin, Theo Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN& PTNT) trong 20 năm qua, mỗi năm trung bình thiên tai làm hơn 400 người chết và mất tích, thiệt hại vật chất khoảng 1-1,5% GDP. Tính riêng năm 2017, thiên tai đã làm 386 người chết và mất tích, thiệt hại tài sản gần 60.000 tỷ đồng.

Năm 2017, Hòa Bình là một trong những tỉnh, thành phố, bị thiệt hại nặng nề về người và tài sản, với 42 người chết và mất tích, thiệt hại tài sản hơn 2.838 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình, có nhiều nguyên nhân khiến thiên tai ngày càng gây thiệt hại lớn.

Tuy nhiên, về chủ quan thì một số địa phương trên địa bàn tỉnh chưa đánh giá đầy đủ mức độ nguy hiểm của thiên tai, còn nể nang, né tránh, chưa kiên quyết trong đôn đốc, hướng dẫn, cưỡng chế người dân khi xảy ra thiên tai. Một số địa phương vẫn để người dân không di dời hoặc tham gia các hoạt động giao thông, đánh bắt thủy sản... khi có thiên tai mưa lũ tại vùng nguy hiểm. Bên cạnh đó, một số địa phương xây dựng phương án ứng phó thiên tai chưa sát thực tế khi kịch bản còn mang tính lý thuyết, chưa dự báo được các sự cố xảy ra, dẫn đến việc ứng phó còn lúng túng.

Mặc dù TP Hà Nội không phải là địa bàn trọng điểm chịu tác động của bão, lũ nhưng năm 2017 thiên tai cũng làm 2 người chết, thiệt hại tài sản gần 1.500 tỷ đồng. Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai TP Hà Nội, do biến đổi khí hậu, khiến thiên tai ngày càng cực đoan, bất thường.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường khẳng định: "Công tác nâng cao nhận thức, năng lực của cộng đồng có vai trò rất quan trọng trong giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Vì vậy, công tác này cần được thực hiện thường xuyên và xuyên suốt trong quá trình phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Việc nâng cao nhận thức không chỉ với người dân mà cần tăng cường với cả cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai và các nhóm cộng đồng khác trong xã hội; phải chuyển hướng nhận thức và hành động "lấy phòng ngừa là chính"…               

Vì vậy, để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, các bộ, ngành, địa phương ngay từ lúc này cần tập trung triển khai 11 giải pháp, trong đó đặc biệt chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, đào tạo nhằm nâng cao năng lực của cộng đồng, hướng dẫn kỹ năng để nhân dân tự ứng phó trong các tình huống, giảm thiểu rủi ro và thiệt hại do thiên tai gây ra".

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin môi trường ngày 9/4: “Lô cốt rác thải” đe dọa khu dân cư. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.