Thứ sáu, 26/04/2024 10:55 (GMT+7)

Tin môi trường ngày 27/2: Dân “kêu cứu” vì ô nhiễm môi trường

MTĐT -  Thứ ba, 27/02/2018 16:44 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hàng ngày người dân tại xã Cẩm Đông và xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) đang phải “hít thở” bầu không khí ô nhiễm do các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi gây ra.

Dân “kêu cứu” vì ô nhiễm môi trường

Thời gian qua, người dân xã Cẩm Đông và xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) liên tục “kêu cứu” đến chính quyền, cơ quan chức năng vì phải hít thở không khí khó chịu, từ các Công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi tại khu công nghiệp Tân Trường.

Tình trạng ô nhiễm không thuyên giảm, mà ngày thêm nghiêm trọng, làm đảo lộn cuộc sống người dân và nhiều học sinh của các trường học trên địa bàn.

Theo ghi nhận của báo TN&MT tại xã Cẩm Đông và xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng, nhiều người dân địa phương cho biết, đang phải sống trong bầu không khí “ngột ngạt” từ các Công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc xả ra.

Các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi gây ô nhiễm - Ảnh: Báo TN&MT.

Ông Nguyễn Văn Trường, thôn Thượng, xã Cẩm Đông, bức xúc nói: “Nhà tôi phải đóng cửa 24/24 giờ. Vừa rồi, tôi phải căng bạt che kín phần cửa, hiên nhà vì bụi và mùi cám công ty bay ra không thể ngửi được. Không những vậy, các công ty chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc, còn hoạt động sản xuất cả ngày đêm gây ra tiếng ồn, nhất là vào ban đêm khiến người dân không thể ngủ được. Đã nhiều lần họp thôn, xã và qua buổi tiếp xúc cử tri của huyện Cẩm Giàng, người dân thường xuyên có ý kiến, nhưng tình trạng ô nhiễm, mùi khó chịu từ nhà máy xả ra mỗi ngày nhiều hơn”.

Cùng chung môi trường ngột ngạt, hàng ngày phải “hít thở” đủ loại mùi từ các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc, người dân thôn Quý Dương, xã Tân Trường cũng thường xuyên ý kiến “kêu cứu” chính quyền, cơ quan chức năng.

Ông Đỗ Văn Quyên, Chủ tịch UBND xã Cẩm Đông, thừa nhận: Đã có nhiều ý kiến phản ánh của người dân các thôn trong xã, nhất là người dân thôn Một về tình trạng khó chịu mùi xả ra từ các Công ty sản xuất cám. Ngay chính cán bộ làm việc trong trụ sở UBND xã, cũng thường xuyên làm việc trong không khí ô nhiễm, bởi các mùi tanh, hôi thối. Các Công ty này chỉ cách xã khoảng 100 mét, nên không tránh khỏi ảnh hưởng hoạt động của Nhà máy.

Ông cũng cho biết, đã đề nghị với UBND huyện Cẩm Giàng, UBND huyện cũng đã kiến nghị với Sở TN&MT tỉnh Hải Dương. Sở này đã tiến hành quan trắc môi trường tại các công ty, kết quả các chỉ số môi trường đều đạt yêu cầu.

“Nhưng trên thực tế không khí trên địa bàn xã vẫn luôn có mùi khó chịu từ các Nhà máy này xả ra và người dân thường xuyên có ý kiến. Với trách nhiệm chính quyền cơ sở, xã chỉ tổng hợp ý kiến và đề nghị lên trên, đúng sai phải do cơ quan chuyên môn của tỉnh”, ông Quyên nói.

Yên Bái: Rét kéo dài hàng loạt cây trồng, vật nôi bị chết rét

Theo báo Yên Bái thông tin, vụ xuân năm nay, huyện Trấn Yên chủ trương gieo cấy 2.555 ha lúa nước. Đến nay, nhân dân trong huyện đã gieo cấy được 2.300 ha lúa, dự kiến đến hết tháng 2 sẽ cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa vụ xuân.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết, đã có hơn 48 ha lúa mới cấy bị chết rét, tập trung chủ yếu ở các xã Việt Cường, Minh Quân, Tân Đồng, Báo Đáp.

Ngoài ra, cũng do thời tiết nên tại các xã Lương Thịnh, Hồng Ca, Hưng Khánh, Hưng Thịnh chưa hoàn thành kế hoạch gieo cấy lúa đông xuân.

Ngoài ra, theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống tiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, tính từ cuối tháng 1 đến hôm nay 27/2, toàn tỉnh đã có 614 con gia súc bị chết do các đợt rét đậm rét hại kéo dài, nhiều nhất là trâu với 280 con và 240 con nghé.

Số gia súc bị chết rét tập trung chủ yếu ở các huyện vùng cao như Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Lục Yên, Văn Chấn... ước tính thiệt hại trên 15 tỷ đồng.

Bình Định: Dân sống gần bờ sông Côn lo lắng vì sông bị sạt lở nghiêm trọng

Theo báo TN&MT, nhiều năm nay gần 100 hộ dân có nhà nằm dọc bờ Nam sông Côn, thuộc địa phận thôn Phụ Ngọc, xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn luôn sống trong nỗi thấp thỏm vì bờ sông bị sạt lở, xâm thực nghiêm trọng mà nguyên dân do mưa lũ và nạn khai thác cát trên sông.

Đoạn sông Côn nằm giữa hai xã Nhơn Khánh và Nhơn Phúc, dưới cầu Phụ Ngọc luôn là điểm nóng nạn khai thác cát. Thời gian qua khúc sông này bị sạt lở nghiêm trọng, bên lở bên bồi. Hiện tại, Doanh nghiệp Trọng Điểm đang khai thác cát trên sông nên cầu Phụ Ngọc luôn có xe Trọng Điểm chạy qua lại. Xe này không chỉ chở cát đang khai thác dưới sông Côn, mà còn chở đất từ phía xã Nhơn Lộc ra cầu Phụ Ngọc.

Bờ sông Côn bị sạt lở nghiêm trọng vì nạn khai thác cát trái phép - Ảnh: Báo TN&MT.

Một người dân sống gần sông cho biết: “Doanh nghiệp này khai thác cát tại đây lâu rồi. Xe chạy qua lại ầm ầm suốt ngày đêm mà chính quyền không can thiệp. Người dân xã Nhơn Khánh bức xúc kéo đến phản đối không cho doanh nghiệp khai thác vì sợ bị sạt lở bờ sông nhưng họ vẫn hoạt động”.

Cách đoạn sông này không xa, cũng trên sông Côn hướng về phía Nam qua địa phận xóm Phụ Nhơn, thôn Phụ Ngọc, xã Nhơn Phúc dài gần 1km, bắt đầu sạt lở từ năm 2013. Qua nhiều mùa mưa lũ cùng với nạn khai thác cát đã khiến cho con sông bị sạt lở nghiêm trọng, xâm thực vào nhà của người dân đang sinh sống gần bờ sông.

Ông Tô Hồng Phương-  Chánh văn phòng UBND thị xã An Nhơn cho biết UBND thị xã đang xây dựng kế hoạch đưa các hộ dân di dời đến nơi khác để giải quyết tính hình trước mắt, sau đó mới tiến hành phương án xây dựng bờ kè.

Hà Tĩnh: Rác thải “bủa vây” nhà liên hợp cửa khẩu quốc tế Cầu Treo

Rác thải sinh hoạt, phế liệu từ các công trình xây dựng ứ động từ nhiều tháng nay đang bủa vây khu nhà liên hợp Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh) gây nên tình trạng môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, cảnh quan hết sức nhếch nhác.

Hơn 5 năm tiến hành xây dựng (công trình khởi công vào tháng 7/2011) đến 3/12/2017 công trình được đưa vào sử dụng. Thế nhưng tại đây lại xuất hiện rác thải sinh hoạt, rác phế liệu cùng các hạng mục cũ không còn sử dụng đã xuống cấp không được dọn dẹp, chỉnh sửa khiến cho cảnh quan xung quanh Nhà quốc môn trông rất nhếnh nhác.

Theo báo TN&MT, toàn bộ rác sinh hoạt tại đây đều được đổ xuống vực ngay trước tiền sảnh của Nhà quốc môn. Mỗi khi trời hửng nắng mùi hôi thối từ những đống rác thải bốc lên khiến du khách và những người làm việc tại đây rất khó chịu. Nhiều thùng đựng rác đã chất đống lâu ngày nhưng vẫn không được chuyển đi để xử lý.

Công trình nhà liên hợp trăm tỷ bị rác thải bủa vây - Ảnh: Báo TN&MT.

Phía dưới Nhà liên hợp là các công trình cũ, nơi làm việc của các lực lượng chức năng trước đây có một số hạng mục đã bị phá dỡ nhưng rác phế liệu gồm gạch vụn, khung cửa và các vật dụng khác vẫn chất đống ngỗn ngang làm mất mỹ quan của một công trình “quan hệ” quốc tế.

Tại khu vực này hệ thống đèn chiếu sáng một số đã bị phá dỡ, một số bị đỗ gãy nhưng không có người thu dọn.

Ngoài ra, nước sinh hoạt tại khu vực sân ở nhà Quốc môn do được lắp đặt tạm bợ nên cứ xả lênh láng trên mặt đất. Nhiều cán bộ làm việc tại đây phàn nàn, tình trạng rác sinh hoạt không được xử lý kịp thời khiến cảnh quan rất chứng mắt và ô nhiễm nhưng xử lý vấn đề này lại thuộc về Ban quản lý KKT tỉnh Hà Tĩnh, trực tiếp là Văn phòng quản lý khu vực của khẩu Cầu Treo.

Còn cán bộ phụ trách Môi trường thuộc Phòng đại diện KKT khu vực cửa khẩu Cầu Treo cho biết: “Hiện rác thải chất đống và xả xuống vực nơi tiền sảnh nhà Quốc môn bên phụ trách môi trường chưa nắm được. Còn rác phế liệu và rác từ các công trình cũ còn ngổn ngang là do khu vực này đang phải điều chỉnh lại quy hoạch”.

Bình Phước triển khai kế hoạch hưởng ứng Chiến dịch Giờ trái đất năm 2018

Để hưởng ứng chiến dịch Giờ trái đất năm 2018, UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã và đơn vị liên quan theo chức năng nhiệm vụ chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt những nội dung:

Tuyên truyền vận động các tổ chức, cơ quan, đơn vị, người dân tích cực tham gia các hoạt động hưởng ứng và tắt các thiết bị điện không cần thiết vào thời điểm diễn ra sự kiện Giờ trái đất (từ 20h30 - 21h30 ngày 24/3).

Tắt đèn đường, đèn trang trí, đèn quảng cáo tại các điểm công cộng như: các tòa nhà, khu vui chơi công cộng hay một số biển hiệu quảng cáo ngoài trời trong 1 tiếng đồng hồ (từ 20h30 - 21h30 ngày 24/3).

Riêng hệ thống điện tại các khu vực quan trọng, đèn tín hiệu giao thông, đèn chiếu sáng phục vụ các hoạt động bảo vệ an ninh trật tự tại các khu vực trọng yếu sẽ không tắt. Thời gian diễn ra các hoạt động hưởng ứng sự kiện này bắt đầu từ ngày 20 - 24/3.

Hà Nội tăng cường bảo vệ 5.588ha rừng đặc dụng, phòng hộ

Ban Quản lý rừng phòng hộ – đặc dụng Hà Nội vừa triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn thành phố năm 2018.

Hiện nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ – đặc dụng Hà Nội đang quản lý bảo vệ 5.588ha rừng phòng hộ và đặc dụng. Trong đó, hơn 2.095ha rừng phòng hộ môi trường và đất lâm nghiệp, hơn 3.493ha rừng đặc dụng.

Tuy nhiên, diện tích rừng và đất lâm nghiệp hầu hết ở trên cao, dốc, phần thấp xen kẽ với khu dân cư, trường bắn và gắn liền với các công trình văn hóa, di tích lịch sử như: Khu di tích lịch sử đền Sóc Sơn, tượng đài Thánh Gióng, Chùa Hương.

Trong quy hoạch rừng vẫn còn có các hộ dân có đất thổ cư, ruộng vườn, nương rẫy và sống trong rừng và gần rừng, mặt khác đặc điểm rừng Sóc Sơn là rừng nghèo, loài cây chủ yếu là thông, keo, bạch đàn, thảm thực bì dày, cây bụi rậm, nguồn vật liệu là tế guột dễ gây cháy rừng.

Hà Nội tăng cường bảo vệ rừng phòng hộ - Ảnh: Internet.

Rừng đặc dụng Hương Sơn có nhiều dân tộc sống xen kẽ. Vào mùa khô hanh thảm thực vật trên núi đá và một số sườn núi dốc đều vàng úa. Hằng năm vào mùa lễ hội du khách đến nhiều vạn lượt người, kéo theo các dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ, việc quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt, nguồn điện, việc khách đốt vàng mã không đúng nơi quy định nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Cháy rừng xảy ra ngay cả những ngày không mưa trong mùa mưa.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin môi trường ngày 27/2: Dân “kêu cứu” vì ô nhiễm môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.