Thứ năm, 28/03/2024 21:14 (GMT+7)

Tin môi trường ngày 23/12: “Giải cứu” nguồn nước

MTĐT -  Thứ bảy, 23/12/2017 15:52 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin môi trường ngày 23/12: “Giải cứu” nguồn nước; Các hồ tại Hà Nội bị ô nhiễm bởi nước thải; Môi trường nông thôn là tiêu chí còn nhiều khó khăn, thách thức…

Ô nhiễm môi trường làm gia tăng các bệnh hô hấp

Hội Tai – Mũi – Họng thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đã tổ chức Hội thảo “Những cảnh báo mới về an toàn hô hấp” nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, với thông điệp: “Kiên quyết ngăn ngừa các mầm bệnh liên quan đến tai mũi họng”, thông tin moitruong.net.vn

Về chỉ số ảnh hưởng tới sức khỏe, Việt Nam đạt điểm 69,61/100 và đứng thứ 93. Số điểm này được đo bởi chỉ số mức độ rủi ro do tiếp xúc với môi trường, dùng để đánh giá các mối nguy hiểm đối với sức khỏe con người gây ra bởi 5 yếu tố môi trường gồm nguồn nước, vệ sinh, ô nhiễm chất dạng hạt, ô nhiễm không khí trong gia đình và ô nhiễm ozon.

Khói bụi là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh về hô hấp

Bệnh tai mũi họng lại là khởi đầu của rất nhiều bệnh nguy hiểm vì nếu không điều trị dứt điểm bệnh dễ trở nên mãn tính và là tác nhân gây nhiều bệnh nguy hiểm khác. Vì thế, việc vệ sinh tai mũi họng hàng ngày cũng rất cần thiết như vệ sinh răng miệng hàng ngày.

Bão Tembin tăng cấp, chuẩn bị tình huống di dời gần 1 triệu người

Trước diễn biến phức tạp của bão Tembin gần Biển Đông, ngày 23-12, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức hội nghị trực tuyến với 19 tỉnh, thành ven biển bàn biện pháp ứng phó. Đây là cơn bão mạnh dự kiến các địa phương sẽ phải đối phó với thiên tai cấp độ 5, tương đương cấp thảm họa.

Tính đến thời điểm hiện tại, các tỉnh từ Bà Rịa Vũng Tàu đến Cà Mau đã lên phương án di dời, sơ tán 234.222 hộ/949.460 nhân khẩu đến khu vực an toàn, báo công an nhân dân thông tin.

Đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng cho biết, lực lượng biên phòng các tỉnh ven biển từ Đà Nẵng đến Kiên Giang đã phối hợp với địa phương, chủ tàu thông báo hướng dẫn cho 68.999 phương tiện/339.839 người diễn biến, hướng di chuyển của bão Tembin để chủ động phòng tránh hoặc thoát ra khỏi vủng nguy hiểm.

Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho biết, địa phương này đã cấm biển từ chiều 22-12 và lên phương án dự kiến sơ tán 78.000 dân của các huyện Đất Mỏ, Côn Đảo. Nếu sáng 24-12, bão vẫn không thay đổi hướng đi, tỉnh sẽ tổ chức di dời dân ở những vùng trọng yếu.

Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, ông Lê Thành Liêm thông tin, dự kiến di dời khoảng 5.000 dân của huyện Cần Giờ. Ngoài ra, TP cũng chỉ đạo theo sát, chuẩn bị di dân ở 42 khu vực có nguy cơ sạt lở.

Thanh Hóa: Sống ở khu sạt lở, hàng chục hộ dân vẫn chưa được di dời

Báo Giáo dục và thời đại cho biết, do ảnh hưởng của đợt mưa lũ hồi tháng 10 vừa qua khiến bờ tả sông Chu đoạn qua địa bàn xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) đã và đang bị sạt lở nghiêm trọng, gây nguy hiểm đến tính mạng của hàng chục hộ dân.

Theo đó, tình trạng sạt lở dọc bờ tả sông Chu kéo dài qua ba thôn là Quảng Phúc, Hiệp Lực, Đại Đồng, xã Xuân Thiên, ảnh hưởng trực tiếp đến nhà cửa, công trình phụ, đất ở của 24 hộ dân. Nhiều đoạn sạt lở nghiêm trọng, lấn sâu vào đất thổ cư của các hộ dân nơi đây từ 10 đến 35m so với trước mưa lũ hồi tháng 10 vừa qua.

Nhiều hộ dân sinh sống ở vùng sạt lở đất này bị thiệt hại hàng chục triệu đồng, mất đất vườn, đất ở, hiện cuộc sống đang gặp rất nhiều khó khăn. Đến nay người dân vẫn chưa được di chuyển khỏi vùng sạt lở, vì chưa có mặt bằng dân cư và thiếu kinh phí.

“Giải cứu” nguồn nước

Môi trường nước tại Đà Nẵng đang trở thành một vấn đề nóng, có nguy cơ thiếu hụt về số lượng vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Vậy, làm thế nào để “giải cứu” nguồn nước? Đó cũng là vấn đề chính được bàn luận tại hội thảo “Môi trường nước tại Đà Nẵng – Thực trạng và giải pháp”, do Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật (LHHKH&KT) TP Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm Tư vấn phát triển bền vững – Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội, tổ chức ngày 22-12, công an TP. Đà Nẵng đưa tin.

Việc ô nhiễm nguồn nước dẫn đến hệ lụy cá chết đang là thách thức đối với Đà Nẵng.

Nguồn nước ngầm tại TP hiện cũng đang đối mặt nguy cơ cạn kiệt do lượng nước tái tạo có hạn nhưng việc sử dụng thì quá phung phí.

 Về giải pháp cứu nguồn nước ngầm, ông Hồ Duy Diệm, Chủ tịch Hội Bảo vệ Lưu vực và Dải biển Việt Nam nêu quan điểm không được “bê-tông hóa” Sơn Trà. Theo ông Diệm, Sơn Trà hiện đang có mạch nước ngầm với trữ lượng lớn chưa bị nhiễm mặn.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng nêu rõ, để có thể “giải cứu” nguồn nước cần có sự chung tay từ mỗi người dân, trên tinh thần nêu cao trách nhiệm, sử dụng tiết kiệm nguồn nước. Những hoạt động vận động cộng đồng, chung tay bảo vệ môi trường, nghiêm cấm chặt phá rừng… cần được phối hợp, nhân rộng, không để xảy ra thực trạng “cánh én” lẻ loi.

Các hồ tại Hà Nội bị ô nhiễm bởi nước thải

Báo tin tức/TTXVN đưa tin, theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nội thành Hà Nội hiện có hơn 118 ao, hồ. Đa số đều bị ô nhiễm bởi nước thải, trầm tích, bùn đáy.

Có nhiều hồ mà lưu lượng nước thải chảy vào đã vượt quá khả năng tự làm sạch; gây ô nhiễm hữu cơ, dầu mỡ, kim loại nặng, vi sinh. Bên cạnh đó, xung quanh các hồ thường có nhiều hàng quán, gây mất sinh môi trường. Tại nhiều nơi, việc đổ rác, phế thải xuống hồ còn khá phổ biến làm thu hẹp diện tích mặt nước và gây ô nhiễm môi trường.

Thành phố đã giao Sở Xây dựng nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cho Thành phố thành lập Ban chỉ đạo công tác xử lý ô nhiễm môi trường nước các hồ trên địa bàn Thành phổ.

UBND Thành phố đã giao Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội chủ trì xử lý ô nhiễm môi trường nước các hồ trên địa bằn Thành phố.

Môi trường nông thôn là tiêu chí còn nhiều khó khăn, thách thức

Mặc dù đã nỗ lực rất nhiều để giải quyết vấn đề môi trường nông thôn, nhưng Chương trình nâng chất tiêu chí nông thôn mới (NTM) của TP.HCM còn phải giải quyết nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tiêu chí môi trường, thông tin báo Dân Việt.

Theo ông Trần Ngọc Hổ - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM, dù có nhiều nỗ lực, nhưng hạn chế nhất của chương trình là tiêu chí môi trường. Hiện vẫn còn tình trạng rác thải ven đường, bãi rác tự phát, nước thải ảnh hưởng đến môi trường sống và sản xuất nông nghiệp.

Theo ông Cao Thanh Bình - Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM, cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng NTM theo đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí giai đoạn 2016 -2020 với mục tiêu tổng quát là duy trì các tiêu chí đạt được kết hợp thực hiện các giải pháp nhằm nâng chất các tiêu chí.

Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng chất tiêu chí NTM trên địa bàn thành phố, các địa phương cần phải xây dựng hoàn chỉnh các đề án cũng như đảm bảo chất lượng và tiến độ thẩm định đề án.

Phù Cát (Bình Định) tăng cường công tác bảo vệ rừng

Trong năm 2017, huyện Phù Cát (Bình Định) đã tăng cường các hoạt động tuần tra kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp gây nguy hại đến rừng; tổ chức 8 đợt kiểm tra, truy quét, phát hiện 44 trường hợp vi phạm, tiến hành xử lý theo pháp luật.

Toàn huyện Phù Cát có gần 36.000 ha đất lâm nghiệp, gồm 9.200 ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, hơn 12.600 ha rừng tự nhiên, 11.644 ha rừng kinh tế chủ yếu trồng keo lai, bạch đàn.

Nhằm bảo vệ, phát triển rừng (BV-PTR) có hiệu quả, thời gian qua, huyện Phù Cát đã kiện toàn Ban quản lý BV-PTR và Ban chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) từ huyện đến xã; triển khai các phương án QL-BVR, PCCCR phù hợp với tình hình thực tế và điều kiện cụ thể của địa phương.

T/H

An Nhiên

Bạn đang đọc bài viết Tin môi trường ngày 23/12: “Giải cứu” nguồn nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.