Thứ sáu, 29/03/2024 08:52 (GMT+7)

'Tiếng khóc của cá voi chết' thông điệp về tác hại rác thải nhựa

MTĐT -  Thứ sáu, 03/05/2019 17:12 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Một nghệ sĩ người Philippines vừa cho ra mắt mô hình cá voi chết dài gần 24m chứa đầy rác thải trong bụng nhằm kêu gọi người dân bảo vệ môi trường đại dương.

Tác phẩm có tên gọi "Tiếng khóc của cá voi chết" của nghệ sĩ Biboy Royong được trưng bày bên ngoài Trung tâm Văn hóa Philippines ở vịnh Manila.

Điểm đặc biệt của mô hình cá voi này là được làm từ rác thải, gồm chai nhựa, ống hút, túi nhựa bị vứt trên bãi biển. Bên cạnh đó, một chú cá voi con được nhìn thấy nằm trong bụng cá voi mẹ bị chết vì rác thải. Tác phẩm dự kiến được trưng bay ở Manila đến ngày 26/5.

Tác giả hy vọng, thông điệp từ "Tiếng khóc của cá voi chết" sẽ khiến người dân quan tâm đến vấn đề ô nhiễm nhựa trong bối cảnh Philippines là 1 trong 5 quốc gia châu Á đang "đóng góp" khoảng 60% lượng chất thải nhựa trong các đại dương.

"Tiếng khóc của cá voi chết". Ảnh: AP.

Hồi tháng 3, xác một con cá voi dài hơn 4,5 m, nặng gần 500 kg dạt vào bãi biển ở thung lũng Compostela - Philippines.

Con cá voi này đã ăn phải 40 kg rác thải nhựa và các chuyên gia cho rằng đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đói (do ăn chất thải không có chất dinh dưỡng), mất nước cũng như gây ra cái chết. Vài ngày sau, một con cá voi mang thai được phát hiện chết ngoài khơi bờ biển đảo Sardinia - Ý với 22 kg rác thải trong bụng.

1,5 triệu động vật đại dương chết vì rác thải nhựa

Thực tế, mỗi năm có hàng ngàn, hàng ngàn... không đếm xuể động vật chết thảm bởi rác thải nhựa con người xả ra môi trường. Theo thống kê, có cả ngàn con rùa biển bỏ mạng mỗi năm sau khi mắc kẹt trong rác thải nhựa dưới đại dương. Các sinh vật biển cỡ lớn đang phải chịu đựng cảnh nuốt rác nhựa mỗi ngày, gây ảnh hưởng không thể lường trước.

Tác động của rác thải nhựa đến cơ thể sinh vật vô cùng kinh hoàng, các phân tử nhựa không thể tiêu hóa có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và phát triển của cơ thể sinh vật, nếu như tích tụ đủ trong nhiều năm. Điều đó đồng nghĩa việc có thể đẩy nhiều loài cá voi, cá heo đến bờ vực tuyệt chủng.

Năm ngoái, các nhà khoa học thuộc Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung ở Hobart, Tasmania đã tiến hành giải phẫu hơn 1.000 con rùa chết, các nhà nghiên cứu đã phát hiện hơn một nửa trong số đó là rùa sơ sinh và khoảng một phần tư là rùa vị thành niên, đều chết do nuốt phải nhựa, so với chỉ một trong bảy trong số đó là rùa trưởng thành.

Nghiên cứu này đã xem xét các loài rùa: rùa caretta, rùa xanh, rùa da (rùa luýt), rùa đồi mồi (rùa biển), và rùa Vích. Trọng lượng tối đa của nhựa là 10,41g. Theo các nhà khoa học, có 50% xác suất tử vong khi động vật nuốt 14 miếng nhựa trong ruột.

Kết quả trên cho thấy, rùa con có khả năng bị chết nhiều gấp 4 lần do ăn phải chất thải nhựa so với rùa trưởng thành, vì chúng không chỉ có cơ thể yếu hơn, mà còn phải ăn ở vùng biển ngoài khơi – nơi có nhiều khả năng bị ô nhiễm bởi các vật dụng bằng nhựa cao hơn vùng gần bờ. Các vật dụng nhựa này có thể tích tụ trong bộ máy tiêu hóa của chúng.

Tác giả của nghiên cứu, Tiến sĩ Denise Hardesty, thuộc Tổ chức nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung cho biết: “Sự tích tụ và tồn tại lâu dài của các mảnh vụn nhựa trong môi trường biển đang ngày càng trở nên đáng lo ngại.

Ngoài sinh vật biển, theo ước tính, khoảng 97% chim hải âu Laysan non sống ở phía bắc Thái Bình Dương có các mảnh nhựa trong dạ dày. Nguyên nhân là do bố mẹ của chúng nhầm lẫn rác thải nhựa với thức ăn và mớm mồi cho con, về lâu dài, rác thải nhựa cũng khiến chúng chết trong đau đớn.

Mỗi năm, 1,5 triệu động vật trên đại dương chết vì ngộ độc chất thải nhựa.

Mỗi năm có tới 8-9 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển

Ước tính mỗi năm, trên toàn thế giới sản xuất ra khoảng 300 triệu tấn sản phẩm từ nhựa. Từ năm 2006 - 2016, số lượng nhựa sản xuất trên thế giới đã tăng 38%, đi kèm với nó là gánh nặng xử lý các chất thải nhựa; hàng nghìn tỉ hạt nhựa nhỏ li ti lọt qua hệ thống xử lý rác thải, đổ ra sông ngòi, ao hồ, chảy ra các đại dương, làm ảnh hưởng tới hệ sinh thái sông, biển.

Các nhà khoa học Anh cảnh báo, khả năng khó phân hủy và số lượng quá lớn rác thải nhựa sẽ khiến cho kỷ nguyên về địa chất trên Trái Đất chấm dứt, bước sang một trang mới hoàn toàn.

Philippines là một trong những nước xả thác rải nhựa ra đại dương nhiều nhất thế giới. Ảnh: Internet.

Còn theo thống kê của Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace), mỗi năm có hơn 6,4 triệu tấn rác thải bị tống xuống biển, trong đó từ 60% đến 80% là chất dẻo, và 70% số rác này bị chìm xuống đáy biển. Bằng số lượng rác khổng lồ này, con người đang gián tiếp đầu độc biển cả. Dòng rác thải liên tục đổ ra biển và đang dần biến những đại dương xanh thẳm thành vùng biển chết khi hàng triệu sinh vật đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Theo một nghiên cứu được công bố hồi đầu năm nay, mỗi năm các đại dương trên thế giới đang phải hứng chịu từ 8 đến 9 triệu tấn rác thải nhựa. Có tới hơn phân nửa số rác thải này đến từ 5 quốc gia châu Á, dẫn đầu là Trung Quốc với 2,4 triệu tấn, chiếm khoảng 30%. Theo sau Trung Quốc lần lượt là Indonesia, Philippines, Việt Nam và Sri Lanka. Trong nhóm các quốc gia phát triển thì chỉ có Mỹ là nằm trong top 20 với khoảng 77.000 tấn, tương đương gần 1% tổng số rác thải nhựa đổ ra biển.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết 'Tiếng khóc của cá voi chết' thông điệp về tác hại rác thải nhựa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.