Thứ tư, 24/04/2024 13:17 (GMT+7)

Thanh Hóa: Các cơ sở sản xuất lâm sản, bột giấy “bức tử” sông Mã

HOÀNG BÁCH -  Thứ bảy, 28/07/2018 10:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều năm qua, tại khu vực sông Mã chạy qua huyện Quan Hóa, Bá Thước (Thanh Hóa) bị ô nhiễm nghiêm trọng từ các cơ sở sản xuất lâm sản, giấy, bột giấy khiến dòng nước chuyển màu bất thường, hôi thối.

Do buông lỏng quản lý, xử phạt chưa đủ sức răn đe nên nhiều cơ sở sản xuất lâm sản ở các huyện miền núi Thanh Hóa vẫn hàng ngày xả thải trực tiếp ra môi trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống của người dân.

Những người dân sống cạnh nhà máy này vô cùng bức xúc trước tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí, tiếng ồn phát ra từ những cơ sở này. Và cũng không ít lần cử tri phản ánh trong các cuộc họp, các kì tiếp xúc cử tri nhưng vấn nạn này vẫn không được cải thiện.

Dòng sông Mã đoạn chạy qua huyện Bá Thước và huyện Quan Hóa (Tỉnh Thanh Hóa ) đang bị ô nhiễm trầm trọng do các cơ sở chế biến nông, lâm sản gây ra.

Tại Hợp tác xã Hợp Phát (huyện Quan Hóa), một trong những cơ sở có quy mô sản xuất trung bình từ 1.700 tấn đến 1.800 tấn giấy vàng mã/năm, đại diện hợp tác xã này cho biết, HTX đã đầu tư trên 4,6 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống xử lý nước thải.

Theo thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh hiện có hàng trăm cơ sở chế biến nông, lâm sản; trong đó có hơn chục cơ sở chuyên sản xuất giấy, bột giấy.

Đây là ngành nghề có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao do trong quá trình sản xuất và ngâm ủ bột giấy, các cơ sở thường sử dụng hóa chất và lượng nước khá lớn.

Lần theo các đường cống, rãnh này có thể dễ dàng phát hiện các cơ sở sản xuất lâm sản, giấy, bột giấy ven sông chính là thủ phạm khiến dòng sông bị ô nhiễm nặng. 

Điều đáng nói là có những cơ sở dù đã hoạt động trên dưới 10 năm nhưng không có công trình xử lý nước thải đạt chuẩn hoặc có xây dựng nhưng chỉ mang tính chất đối phó và không được cấp giấy phép khai thác sử dụng nước mặt và giấy phép xả nước thải vào nguồn nước.

Một số cơ sở sản xuất dù đã bị cơ quan chức năng xử phạt nhiều lần vì gây ô nhiễm môi trường nhưng vẫn không cải thiện tình hình,  tiếp tục vi phạm và tìm cách bao biện cho hành động của mình.  

Một số cơ sở sản xuất dù đã bị cơ quan chức năng "tuýt còi" xử phạt nhiều lần những vẫn cố tình vi phạm và bao biện cho hành động của mình.

Từ tháng 4 tới tháng 6/2018, Chi cục Bảo vệ môi trường đã tham gia Đoàn thanh tra 13 cơ sở chế biến bột giấy và sản xuất giấy vàng mã trên địa bàn huyện Quan Hóa, huyện Bá Thước và một Nhà máy chế biến tinh bột sắn Bá Thước (xã Thiết Kế, huyện Bá Thước).

Qua thanh tra, kiểm tra cho thấy, có 11/13 cơ sở vi phạm về lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với hành vi chưa có hồ sơ, thủ tục về môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt, xác nhận.

Cụ thể, có HTX chế biến lâm sản Sông Mã (Cơ sở 1), HTX Hợp Phát, HTX chế biến lâm sản Quan Hóa, Công ty TNHH sản xuất thương mại Đồng Tâm, Công ty Cổ phần chế biến lâm sản Phú Thành, Công ty TNHH Tân Thái Thanh, Công ty TNHH sản xuất thương mại Quyết Duy Tuấn (không có Báo cáo đánh giá tác động môi trường); HTX Hà Long, Công ty TNHH Thương mại Hoàng Vân, HTX Xuân Dương, Công ty TNHH Chế biến lâm sản Bảo Yến (chưa lập lại Kế hoạch bảo vệ môi trường).

Trên cơ sở kết quả thanh tra, Chi cục Bảo vệ môi trường đề nghị cần làm rõ thêm việc các cơ sở còn có hành vi vi phạm khác như không đầu tư đầy đủ hệ thống xử lý nước thải, xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép hay không.

Đồng thời có hình thức xử lý đối với các đơn vị đã có hành vi vi phạm (theo nội dung quyết định thành lập đoàn kiểm tra về môi trường) và xử lý theo các hành vi khác.

Các cơ sở chế biến tăm đũa, bột giấy trên đầu nguồn sông Mã.

Mới đây, Công ty TNHH sản xuất thương mại Đồng Tâm (có địa chỉ tại thôn Tráng, xã Lâm Xa, huyện Bá Thước) đã bị UBND tỉnh Thanh Hóa xử phạt hành chính với số tiền 100 triệu đồng.

Theo Biên bản kiểm tra của cơ quan chức năng, đơn vị đã tự ý thay đổi nhiều hạng mục cũng như dây chuyền sản xuất, những hạng mục mà Công ty đã thay đổi đều thuộc đối tượng phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng Công ty đã không lập và không báo cáo lên các cấp chính quyền địa phương.

Cũng trong quá trình hoạt động, Công ty này cũng đã không chấp hành công tác bảo vệ môi trường theo quy định như: Chưa có giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, chưa có giấy phép xả thải vào nguồn nước, báo cáo giám sát môi trường của xưởng sản xuất có một số nội dung thông tin không đúng với thực tế hoạt động, áp dụng sai quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với loại hình sản xuất, chất thải trong sản xuất chưa thực hiện theo đúng quy định…

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cần quyết liệt hơn nữa trong việc chấn chỉnh, buộc các cơ sở sản xuất dọc sông Mã tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, nếu còn vi phạm thì phải xử lý nghiêm minh.

Tránh tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” có như vậy mới giảm thiểu được những ô nhiễm mà các cơ sở trên đã gây ra cho đời sống nhân dân và dòng sông Mã thời gian qua.

Bạn đang đọc bài viết Thanh Hóa: Các cơ sở sản xuất lâm sản, bột giấy “bức tử” sông Mã. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.