Thứ sáu, 29/03/2024 20:35 (GMT+7)

Ở nơi Sốt xuất huyết “rình rập”...Bài cuối: Sự thờ ơ đáng sợ

MTĐT -  Thứ hai, 14/08/2017 08:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nếu như ở “xóm chạy thận” vấn đề phòng bệnh sốt xuất huyết được những người bệnh nghèo quan tâm, thì tại nhiều khu trọ tập trung đông công nhân lao động ở Hà Nội, nhiều người lại tỏ ra thờ ơ trước dịch bệnh. Thậm chí, khi chính quyền địa phương đến tuyên truyền, họ cũng “bỏ ngoài tai”...

Chấp nhận sống chung với ô nhiễm

Hơn 8h sáng nhưng ánh nắng đã chói chang dọc con đường đến xã Võng La (huyện Đông Anh). Đập vào mắt chúng tôi là 3 điểm tập kết rác nằm rải rác phía cổng Khu công nghiệp Thăng Long và đối diện là cổng làng văn hóa Sáp Mai. Mỗi điểm tập kết có từ 3 đến 4 chiếc xe với những đống rác chất cao, đổ tràn cả ra đường, bốc mùi hôi thối.

Khu vực tập kết rác thải ngay trước cổng làng văn hóa thôn Sáp Mai (xã Võng La, huyện Đông Anh).

Qua cổng làng văn hóa Sáp Mai, chị Hoa, một người dân địa phương, khi thấy chúng tôi tỏ ý muốn tìm nhà trọ đã nhiệt tình giới thiệu: Nơi thoáng mát giá thuê phải từ hơn 1 triệu đồng/tháng. Còn những phòng trọ cũ, chật hẹp thì giá từ 300.000 - 400.000 đồng/tháng. Nói rồi, chị Hoa đưa chúng tôi đến dãy trọ giá rẻ phía cuối làng, gần chân đê. Tại đây có đến chục nhà trọ liền nhau với diện tích 12m2 đang trong tình trạng xuống cấp trầm trọng.

Vừa thấy chúng tôi, một người đàn ông ở đây xua tay: "Đừng tham rẻ mà ở đây, tìm chỗ khác thuê đi. Những ngày nắng nóng như hôm nay còn đỡ, chứ mưa xuống, nước tù đọng bốc mùi xú uế, mất vệ sinh, chuột, ruồi, muỗi, gián nhiều vô kể…".

Chúng tôi bước vào một phòng trọ, những mảng tường rêu phủ kín như chuẩn bị bung từng tảng, trần nhà thủng lỗ chỗ ám mùi ẩm mốc, hôi hám. Em Nguyễn Thị Phương, quê Thanh Hóa, thuê trọ ở đây kể: Hôm đầu tiên ở trọ, cả một đàn chuột nhắt chạy nhảy quanh giường, làm em không ngủ được. Những ngày mưa, nền nhà thấp nên nước ngập tràn vào nhà. Ở đây dường như lúc nào cũng ẩm thấp. Đấy là trong phòng ở, còn khu vệ sinh và nhà tắm thì thật "gai người". Khi chúng tôi tỏ vẻ nghi ngại: “Sống trong cảnh như thế này kéo dài thì dễ bị mắc bệnh lắm, nhất là hiện nay Hà Nội đang có dịch sốt xuất huyết”. Phương chỉ biết cười nói: “Biết làm sao được, chúng em cũng không có sự lựa chọn nào khác”…

Tìm đến UBND xã Võng La, chúng tôi được ông Phùng Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Mới đây, khu vực xóm trọ ở cuối thôn Sáp Mai đã ghi nhận 1 công nhân mắc sốt xuất huyết. Hiện toàn xã có 3 thôn với hơn 100 hộ gia đình tổ chức khoảng 1.000 phòng trọ cho công nhân thuê. Từ tháng 7 đến nay, xã mới chỉ tổ chức được 2-3 đợt tổng vệ sinh môi trường, phun thuốc diệt muỗi. Những đợt tuyên truyền về dịch bệnh khó “phủ sóng” đến tất cả các hộ dân, nhất là đối tượng công nhân thuê trọ.

"Người dân sinh sống tại đây còn có ý thức trong việc phòng, chống dịch bệnh, chứ công nhân thuê trọ thường tất bật với công việc, đi làm về khá mệt mỏi nên vùi đầu vào ngủ. Điều đó khiến chúng tôi rất lo lắng khi dịch bệnh sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh...", ông Nghĩa nói.

Rời xã Võng La, chúng tôi tiếp tục tìm đến làng Mơ, xã Đại Mạch (huyện Đông Anh), nơi tập trung nhiều khu trọ của công nhân. Tại một khu trọ nằm sát cạnh cái ao bèo, khi thấy chúng tôi, một nhóm thanh niên đang ngồi đánh cờ tỏ ý dò xét: “Các chị đi tìm hiểu bán thuốc diệt muỗi à? Chúng tôi toàn công nhân nghèo thuê trọ, không có tiền phun thuốc muỗi đâu”.

Thế nhưng, khi biết được lý do chúng tôi đến đây, họ lại tỏ ra vô cùng thân thiện. Anh Nguyễn Duy Thắng (quê ở tỉnh Tuyên Quang) kể, anh ở đây đã 3 năm. Khu trọ này ngay sát cái ao bèo, nước lưu cữu, rất bẩn. Mùa hè, thời tiết ẩm thấp, mưa nhiều lại càng nhiều muỗi. Muỗi bay vào nhà, đập, diệt không xuể. Cả ngày lẫn đêm, nếu không mắc màn thì không chịu được. Không chỉ ở đây có nhiều muỗi, mà các xóm trọ xung quanh khu vực làng Mơ đều chịu ảnh hưởng của cái ao bèo lâu năm này.

Anh Thắng đưa chúng tôi đến cuối làng Mơ, đoạn đối diện khu vực tổ dân cư số 26, chỉ vào mương nước đục ngầu, đen xì, sủi bọt và bốc mùi hôi thối, anh Thắng nêu ý kiến : " Chính quyền địa phương cần có biện pháp xử lý ao bèo, mương thoát nước gây ô nhiễm môi trường để muỗi không phát triển. Như thế công nhân chúng tôi không mất thời gian diệt muỗi và bớt lo lắng".

Phó Chủ tịch UBND xã Đại Mạch Vương Thị Thu Phương thừa nhận, khu vực làng Mơ đang là điểm nóng cần được tăng cường vệ sinh môi trường. Để làm tốt việc này phải có sự chung tay của người dân và chính quyền địa phương. Thế nhưng, khi các đội xung kích diệt bọ gậy đến tuyên truyền, phối hợp vệ sinh môi trường thì người dân không hợp tác. Ngay cả chủ các nhà trọ, họ còn đóng cửa không tiếp đón. Còn với công nhân, rất khó tiếp cận vì họ phải làm ca. Khi về đến phòng trọ, họ thường đóng kín cửa đi ngủ…

Thiếu kiến thức phòng tránh sốt xuất huyết

Ngay tại địa bàn được xem là dẫn đầu trong đợt dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội là quận Hoàng Mai, theo ghi nhận của chúng tôi tại một trong rất nhiều khu nhà ở của công nhân xây dựng tại phường Thịnh Liệt ẩm thấp, tối tăm và vô cùng mất vệ sinh vẫn tồn tại các thùng đựng nước chứa đầy bọ gậy được tích trữ lâu ngày. Đây chính là nguyên nhân khiến một nửa số công nhân tại một công trình xây dựng trên địa bàn phố Giáp Nhị bị sốt xuất huyết. Mặc dù số người mắc nhiều như vậy, nhưng công nhân tại đây dường như vẫn thờ ơ, họ chỉ biết là có người mắc bệnh, chứ không biết làm thế nào để phòng bệnh.

Anh Nguyễn Hữu Hải (quê Thanh Hóa) đang làm công nhân tại đây cho biết: "Tôi chỉ biết bệnh sốt xuất huyết rất nguy hiểm, nhưng cách phòng bệnh cụ thể như thế nào tôi không rõ. Ở đây đã được phun thuốc muỗi rồi nên chắc sẽ không thể xảy ra dịch bệnh".

Không chỉ anh Hải mà nhiều công nhân sinh sống tại đây không nghĩ muỗi vằn gây bệnh lại có thể xuất hiện từ chính những chai lọ, thùng chứa nước… trong ngôi nhà mình ở. Ngay cả biện pháp đơn giản là mắc màn khi ngủ, nhưng đa phần các công nhân không thực hiện vì cho rằng, trời nóng thì chỉ cần bật quạt là đủ đuổi được muỗi...

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, hiện nhiều người dân có tâm lý chủ quan trong việc tiêu diệt muỗi, bọ gậy. Chính tâm lý chủ quan này đã khiến cho dịch sốt xuất huyết bùng phát và gia tăng như hiện nay. Một trong những điểm dễ phát sinh và lây lan dịch sốt xuất huyết chính là các khu trọ ẩm thấp, chật hẹp, không giữ vệ sinh.

Từ thực tế này cho thấy, việc giải quyết chỗ ở ổn định, lâu dài cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp cũng là vấn đề cấp bách, rất cần được ưu tiên, giải quyết.


Theo HNM

Bạn đang đọc bài viết Ở nơi Sốt xuất huyết “rình rập”...Bài cuối: Sự thờ ơ đáng sợ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới