Thứ sáu, 29/03/2024 12:27 (GMT+7)

Ô nhiễm không khí nguy hiểm hơn cả bệnh di truyền?

MTĐT -  Thứ ba, 13/03/2018 16:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo các nghiên cứu, ô nhiễm không khí còn nguy hiểm hơn gấp nhiều lần so với bệnh di truyền, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ở các thành phố lớn có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn đáng kể so với ở vùng nông thôn.

Ô nhiễm không khí làm thay đổi biểu hiện của các gien

Theo The Daily Mail, mọi người thường sợ hãi trước nguy cơ gia tăng các chứng di truyền thừa kế từ các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, nhiều công trình nghiên cứu chỉ ra rằng, ô nhiễm không khí nguy hiểm hơn nhiều so với nguy cơ mắc các chứng bệnh do di truyền.

Ô nhiễm không khí làm thay đổi biểu hiện của các gien chứ không phải làm biến đổi các gien. Gây hậu quả tai hại nhất là chất sulfur dioxide. Nó ảnh hưởng đến 170 gien liên quan đến bệnh hen suyễn và các bệnh về tim mạch.

Kết luận trên được các nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu ung thư tại Ontario (Canada) đưa ra sau khi phân tích mức độ ô nhiễm ở TP. Montreal và các khu vực kém đô thị hóa hơn ở Canada, cũng như hồ sơ di truyền của hơn 1.000 cư dân địa phương.

Ô nhiễm không khí nguy hiểm hơn bệnh di truyền. - Ảnh minh họa.

Các nhà nghiên cứu cũng tính đến sự hiện diện của ni tơ dioxite, sulfur dioxide và ô zôn trong không khí cũng như các hạt rắn có thể xâm nhập sâu vào phổi.

Kết quả là ở các thành phố lớn tỷ lệ mắc bệnh cao hơn đáng kể so với ở vùng nông thôn. Và sự biểu hiện của các gien, đặc biệt là các gien liên quan đến chức năng của phổi, đã thay đổi nhiều hơn ở nhóm cư dân của các thành phố lớn nơi có tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Mỗi năm hơn 5,5 triệu người chết vì ô nhiễm không khí

Theo thống kê của Viện Max Planck trên tạp chí Nature, hơn 5,5 triệu người chết mỗi năm do bệnh tật liên quan đến ô nhiễm không khí. Bắc Kinh cũng đã 2 lần phát đi báo động đỏ vì những vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới WHO, ô nhiễm không khí trong năm 2012 dẫn đến cái chết của khoảng 7 triệu người trên toàn thế giới.

Nhiều nghiên cứu cho thấy ô nhiễm không khí là một trong các nguyên nhân gây ung thư. Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) cho thấy trong năm 2010 trên toàn thế giới có khoảng 223.000 ca tử vong vì bệnh ung thư phổi do ô nhiễm không khí gây ra.

Tại Việt Nam ước tính năm 2013 có đến 40.000 người tử vong có nguyên nhân liên quan đến ô nhiễm không khí.

Ô nhiễm không khí gây ra tỷ lệ tử vong cao. - Ảnh minh họa.

Tàn phá cơ thể nghiêm trọng

PGS TS Nguyễn Hoài Nam - Phó chủ tịch Hội Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch TP. HCM cho hay ô nhiễm không khí có tác động rất rõ ràng và nguy hiểm đến sức khỏe con người song ít người để ý đến điều này.

Theo đó, ô nhiễm không khí được hiểu đơn giản nhất là do tình trạng gia tăng quá nhiều, thậm chí vượt ngưỡng của khói, bụi, đặc biệt là CO2, CO, chì và các hóa chất độc hại khác do xe máy, xe hơi, phương tiện giao thông, các nhà máy, khu công nghiệp thải ra.

Theo PGS Nguyễn Hoài Nam, ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến hệ hô hấp đầu tiên, gây viêm đường hô hấp trên như tai mũi họng. Bệnh nhân thường xuyên nghẹt mũi, xoang, viêm phế quản, nặng hơn gây tình trạng dị ứng gây hen suyễn.

Trong đó, mũi là cửa ngõ của đường hô hấp vì thế đây là cơ quan đầu tiên trên cơ thể phản ứng với những thay đổi thất thường của thời tiết hoặc tác nhân từ môi trường. Khi không khí bị ô nhiễm kéo dài và mức độ ô nhiễm ngày càng gia tăng, những bệnh liên quan đến cửa ngõ này rất dễ xuất hiện và thực sự khó kiểm soát.

Thực tế, số liệu thống kê của Bộ Y tế, trong những năm gần đây cho thấy các bệnh nhân về đường hô hấp có tỷ lệ mắc cao nhất trên toàn quốc, nguyên nhân chủ yếu là do ô nhiễm không khí gây ra.

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. PGS Nam khuyến cáo, các chất độc không khí vào cơ thể chính là tác nhân gây ung thư phổi, vòm họng, mũi.

Còn về tim mạch, chất ô nhiễm sẽ làm tăng độc tố trong máu, độc tố ngấm trong máu gây xơ vữa động mạch, cao huyết áp, từ đó gây nên các hệ lụy nguy hiểm khác như đột quỵ, suy tim,…

Theo các chuyên gia nguồn ô nhiễm không khí có thể do con người tạo ra, chẳng hạn như khói từ các phương tiện giao thông, từ quá trình sản xuất công nghiệp… Tuy nhiên cũng có một số nguồn gây ô nhiễm là từ tự nhiên như bụi sa mạc do hoạt động của núi lửa, cháy rừng…

Tại Việt Nam, cùng với sự gia tăng của các phương tiện giao thông, sự phát triển của các khu công nghiệp, khí thải sinh hoạt cũng khiến bầu không khí ô nhiễm trầm trọng. Thậm chí từng có công bố Việt Nam nằm trong 10 quốc gia có chất lượng không khí thấp nhất và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe nhất là ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM.

Ở các đô thị lớn môi trường không khí ngày càng bị ô nhiễm. Ảnh: Internet.

Cụ thể, theo chỉ số mới nhất đo được ở TP. HCM vào 13h ngày 17/1/2018 là 172, nhiệt độ từ 27-31 độ, áp suất không khí vào khoảng 1007-1011. Với chỉ số này, TP. HCM được xếp vào mức độ tương đối nguy hiểm. Mức độ được cho là ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Trước đó, TP. HCM cũng nhiều lần xuất hiện hiện tượng "mù khô" (giới chuyên gia gọi là mù quang hoá) cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.

Trong khi đó, tại Hà Nội cũng đã được cảnh báo về mức độ ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Nguyên nhân được cho là do mật độ giao thông quá đông đúc và tạm thời chưa tìm được giải pháp khắc phục triệt để.

P.V (tổng hợp theo Zing, Một thế giới)

Bạn đang đọc bài viết Ô nhiễm không khí nguy hiểm hơn cả bệnh di truyền?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới