Thứ tư, 24/04/2024 19:08 (GMT+7)

Những sự kiện môi trường nóng nhất xảy ra trong năm 2019

MTĐT -  Thứ bảy, 21/12/2019 08:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Năm 2019 được nhắc đến là một năm xảy ra hàng loạt các sự cố mối trường đáng chú ý như ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP.HCM, nước sạch sông Đà nhiễm dầu, cháy nhà máy Rạng Đông…

Chôn trộm chất thải nguy hại ở Sóc Sơn

Sau khi vụ việc đổ trộm chất thải xuống đầu nguồn nước sạch sông Đà vừa lắng xuống thì mới đây dư luận bức xúc vụ chôn trộm chất thải nguy hại ngay gần nguồn nước sạch của thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn, Sóc Sơn, TP.Hà Nội.

Cụ thể, trong đơn gửi đến các cơ quan báo chí, người dân thôn Lai Sơn cho biết, sự việc được phát hiện từ hồi tháng 7/2019, mặc dù người dân đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận. Sự việc khiến người dân vô cùng hoang mang vì lượng lớn chất thải nghi là hóa chất công nghiệp độc hại, bốc mùi thối nồng nặc bị kẻ gian chôn trộm gần trạm sản xuất, cấp nước sạch của thôn.

Sau khi báo chí phản ánh, ngày 12/12, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu tiến hành kiểm tra.

Hiện trường vụ chôn trộm chất thải ở Sóc Sơn nhìn từ trên cao.

Ngày 13/12, Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã đến hiện trường để lấy mẫu giám định.

Đến ngày 15/12, Phòng PC05 phối hợp với Công an xã Bắc Sơn mời đối tượng Nguyễn Văn Cường (sinh năm 1987 thường trú tại thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn) là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Môi trường Xanh Bắc Sơn lên trụ sở Công an xã.

Tại cơ quan điều tra, đối tượng Cường đã khai nhận toàn bộ hành vi vi phạm của mình. Đối tượng này cho biết, tháng 5/2017 được thu gom số lượng bụi nhôm lớn của một người không rõ tên tuổi tại huyện Yên Phong (Bắc Ninh) về bán kiếm lời. Tổng khối lượng đối tượng Nguyễn Văn Cường mua là 7 tấn xỉ nhôm với giá 2 triệu đồng.

Sau một tuần không bán được, Cường đã nhờ Nguyễn Văn Long người có máy xúc ở thôn múc 2 hố đất sâu khoảng 3m, sau đó Cường trực tiếp điều khiển xe ô tô của mình chở số bụi mịn nhôm trên đến đổ xuống 2 hố. Tiếp đó, Long múc đất san bằng để tránh phát hiện.

Tuy nhiên, đến tháng 7/2019, do trời mưa lớn, toàn bộ hố chôn có dấu hiệu xói mòn, lộ xỉ nhôm, bốc khói nghi ngút. Lúc này, người dân phát hiện và báo cáo lên cơ quan chức năng. Tuy nhiên, tính đến ngày 15/12 vẫn chưa xác minh được đối tượng đổ chất thải tại địa điểm trên.

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP.HCM

Từ đầu năm tới nay, Hà Nội và TP. HCM đã trải qua nhiều đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng và được các chuyên gia cảnh báo là nguy hại sức khỏe.

Tại Hà Nội, ít nhất đã trải qua 5 đợt ô nhiễm không khí kéo dài. Cụ thể, đợt 1 kéo dài 16 ngày (từ 11/1 đến 26/1). Đợt 2 kéo dài 17 ngày (từ 11/3 đến 27/3). Đợt 3 kéo dài 27 ngày (từ 12/9 đến 3/10). Đợt 4 từ ngày 1/11 đến đầu tháng 12 và đợt thứ 5 là kéo dài từ ngày 8/12 đến nay. Tất cả các đợt ô nhiễm được cảnh báo này đều có chỉ số AQI trung bình lên hơn 100, tức là ở mức có thể gây hại cho sức khỏe con người.

Trong đợt ô nhiễm gần đây nhất, liên tục trong các ngày từ 7 - 13/12, hệ thống quan trắc không khí của Tổng cục Môi trường đã liên tục đưa ra cảnh báo màu tím, ngưỡng ô nhiễm "rất xấu" tại Hà Nội.

Năm 2019, không khí tại Hà Nội và TP.HCM liên tục ô nhiễm ở ngưỡng đáng báo động.

Từ ngày 7-12/12, giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 tại Hà Nội liên tục vượt quá giới hạn cho phép tại tất cả các trạm. Số liệu đo tại một số trạm đặt tại Minh Khai, Đại sứ quán Pháp cho thấy giá trị vượt quá giới hạn cho phép trên 3 lần trong các ngày từ 11-12/12.

Kết quả tính toán AQI ban ngày tại các trạm cho thấy, từ ngày 8/12 đến 12/12, chất lượng không khí liên tục ở mức xấu. Trong ngày 11/12 và 12/12, kết quả quan trắc tại một số trạm cho thấy AQI đã chạm ngưỡng rất xấu (AQI >200).

Kết quả tính toán AQI giờ (thông báo chất lượng không khí tức thời) cho thấy tại trạm đặt tại Đại sứ quán Mỹ, giá trị AQI đã lớn hơn 300 (mức nguy hại) vào thời điểm từ 3-6 giờ sáng ngày 10/12 và 13/12.

Air Visual liên tục xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới trong gần 1 tuần qua. Các chuyên gia đánh giá, đây có thể là đợt ô nhiễm không khí “khủng khiếp” nhất tại Hà Nội từ trước đến nay.

Tại TP.HCM, từ đầu năm đến nay cũng liên tục xảy ra những đợt ô nhiễm không khí. Đặc biệt là trong các đợt từ ngày 19 đến 23/9. Theo kết quả quan trắc 30 vị trí môi trường trong tháng 9 cho thấy chất lượng không khí từ ngày 3 dến 20/9 có sự gia tăng đột biến của các chất ô nhiễm như bụi lơ lửng, NO2, SO2, CO... trong các ngày 18 đến 20/9.

Cao nhất là ngày 20/9, bụi lơ lửng tăng gấp 2,19 lần, NO2 tăng 1,41 lần, CO tăng 1,4 lần. Đặc biệt ghi nhận sự gia tăng bụi mịn PM10, PM 2.5 gia tăng từ 1,9-2,2 lần. Loại bụi mịn này được khuyến cáo gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.

Tiếp đó, đến ngày 14/11, ứng dụng AirVisual đã xếp TP. HCM đứng thứ 4 trong những TP ô nhiễm nhất thế giới sáng 14/11 với chỉ số AQI trung bình là 178.

Trước thực trạng ô nhiễm không khí nặng nề và kéo dài, lần đầu tiên, Bộ Y tế đưa ra khuyến cáo để người dân dự phòng, bảo vệ sức khoẻ.

Chiều 19/12, Bộ TN-MT đã tổ chức cuộc họp gấp với các bộ, ngành, địa phương về giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường không khí tại các đô thị lớn.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã nhận diện 3 nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP.HCM.

Thứ nhất, cả Hà Nội và TP. HCM đều có mật độ phương tiện tham gia giao thông quá đông, trong khi chất lượng khí thải từ phương tiện giao thông của Việt Nam còn thấp so với tiêu chuẩn trên thế giới.

Thứ hai, cả Hà Nội và TP. HCM nằm trong “đại công trường”, riêng Hà Nội hiện có trên 1.000 công trình xây dựng. Các công trường đang trong thời gian xây dựng, xe chở vật liệu ra vào che chắc không kỹ cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí.

Thứ ba, hoạt động của các cơ sở sản xuất, nhà máy đang còn hoạt động ở khu vực trong và ven đô thị. Hà Nội theo thống kê, số lượng nhà máy lớn còn ít, riêng TP. HCM khu vực ven thành phố đang có gần 900 nhà máy lớn nhỏ.

Nước sạch sông Đà nhiễm dầu

Ngày 10/10, nhiều hộ dân ở các quận Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy,... phản ánh nước sạch sông Đà có mùi khét, váng dầu, các cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh.

Theo báo cáo của Sở TN-MT tỉnh Hòa Bình cho thấy, ngày 9/10, người dân phát hiện việc đổ trộm dầu thải trên đường liên xã Hợp Thịnh - Phúc Tiến - Phú Minh (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình), các cơ quan chức năng sau đó đã kiểm tra hiện trường.

Nước sạch sông Đà nhiễm dầu khiến cuộc sống nhiều người dân Hà Nội lao đao.

Ngày 12,13/10 trong khi chờ cơ quan chức năng công bố kết quả, người dân phải mua nước đóng bình hay nước đóng chai của các hãng để về sử dụng.

Ngày 14/11, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà mới có văn bản gửi Sở Xây dựng Hà Nội báo cáo về hiện tượng dầu loang. Đồng thời ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng Giám đốc Công ty cho rằng Công ty không bưng bít thông tin, khẳng định “mùi lạ” chỉ là mùi clo và nước không có vấn đề gì.

Tuy nhiên, tại cuộc họp giao ban báo chí Thành uỷ Hà Nội diễn ra ngày 15/10, ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội công bố kết quả xét nghiệm nguồn nước, theo đó các mẫu nước xét nghiệm đều có lượng styren cao 1,3 đến 3,65 lần quy chuẩn. Khuyến cáo người dân chỉ dùng nước để tắm giặt, không dùng để ăn uống. Theo kết quả xét nghiệm xác định mùi lạ trong nước liên quan đến chất styren với mức vượt ngưỡng từ 1,3 – 3,6 lần so với bình thường. Styren thuộc nhóm các chỉ tiêu giám sát mức độ C, mức giới hạn theo QCVN 01:2009/BYT là 20 mg/lít.

Như vậy, mặc dù nguồn nước ô nhiễm, những phải 1 tuần sau sự cố, Hà Nội mới khuyến cáo người dân không uống nước này do nhiễm dầu, chứa hàm lượng styren trong nước vượt quá quy chuẩn.

Tại buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội vào sáng 15/10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Công ty này phát hiện việc đổ trộm dầu thải từ ngày 8/10 nhưng không báo cáo ai, không có hành động gì liên quan ngăn chặn dầu này và cứ để trôi vào nhà máy, dẫn đến vào nguồn nước.

Ngày 16/10, Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà đã ra thông báo về việc tạm dừng cấp nước sạch để thau rửa bể chứa, súc rửa toàn bộ đường ống.

Cùng ngày, Công an huyện Kỳ Sơn đã khởi tố vụ án gây ô nhiễm môi trường. Sau đó, cơ quan điều tra đã xác định được các nghi phạm trên.

Ngày 20/10, người thuê Đại và Thám làm việc này là Lý Đình Vũ ra đầu thú. Theo lời khai các đối tượng số dầu thải được nhóm này lấy từ Công ty gốm sứ Thanh Hà ở Phú Thọ. Tại cơ quan điều tra, Đại và Thám khai, ngày 6/10 hai người được Lý Đình Vũ thuê lái xe ôtô tải đi từ Bắc Ninh đến một công ty ở Phú Thọ lấy chất thải, bơm vào 10 thùng chứa, tổng dung tích khoảng 10 m3.

Ngày 8/10, Đại, Thám và Vũ lái xe tải và xe bốn chỗ, đưa chất thải lên địa bàn xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình đổ trộm rồi bỏ trốn.

Ngày 23/10, Công an tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định khởi tố, tạm giam ba người có hành vi vận chuyển.

Cháy nhà máy Rạng Đông

Khoảng 18h30 ngày 28/8, một đám cháy lớn bùng phát và khói đen bao trùm khu xưởng gần 6000m2 của Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông tại phố Hạ Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội). Ngọn lửa lan sang khu dân cư, nhiều hộ dân phải sơ tán khỏi khu vực cháy.

Ngày 29/8, UBND phường Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) đưa ra khuyến nghị người dân không ăn rau, hoa quả, gia cầm, cá, lợn được nuôi trong vòng bán kính 1 km kể từ tâm đám cháy tại Công ty Rạng Đông trong vòng 21 ngày. Theo nhiều chuyên gia, khuyến nghị của phường Hạ Đình là cần thiết, đánh giá đúng tính chất nghiêm trọng của sự việc.

Tuy nhiên, đến ngày 30/8, UBND phường Hạ Đình lại quyết định thu hồi văn bản khuyến cáo trên do ban hành không đúng thẩm quyền và không có cơ sở. Khi có thông tin trên, nhiều nhà khoa học tbất ngờ vì thông tin khuyến cáo của phường Hạ Đình rất kịp thời và nội dung chính xác, chi tiết, có chuyên môn.

Chiều tối ngày 30/8, UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, kết quả quan trắc nhanh cho thấy các thông số vi khí hậu, nhiệt độ, bụi... quanh khu vực nhà máy của Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đều ở mức bình thường.

Cùng ngày, Công ty Rạng Đông cho biết, ước tính thiệt hại ban đầu trong vụ cháy khoảng 150 tỉ đồng, trong đó số lượng sản phẩm có thể ảnh hưởng đến môi trường ước tính 480.000 sản phẩm bóng đèn huỳnh quang; 2 triệu sản phẩm đèn tròn công suất thấp; 1,6 triệu bóng đèn HQ compact.

Công ty này cũng cho biết, Công ty đã nghiên cứu sử dụng loại amalgam (một loại chất thường được sử dụng để hàn, có chứa dung dịch thủy ngân) thay thế cho thủy ngân lỏng trước đây và đưa vào sản xuất từ năm 2016, các vật tư - nguyên vật liệu chính được sử dụng để sản xuất bóng đèn huỳnh quang, CFL, đèn tròn đều an toàn với sức khỏe con người kể cả khi cháy.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, chất amalgam này vẫn có 50% thành phần thủy ngân và khi bị nung nóng, khí này vẫn thoát ra môi trường bên ngoài.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tối 4/9, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, qua tính toán số lượng đèn huỳnh quang và đèn compact bị cháy, cho thấy số lượng thủy ngân bị thất thoát ra môi trường là từ 15,1 – 27,2kg. Đồng thời cho biết: "Người dân sống trong bán kính 500 m tính từ hàng rào kho bị cháy sẽ chịu ảnh hưởng ô nhiễm thủy ngân".

Đến ngày 6/9, hơn 1 tuần sau khi xảy ra vụ cháy, Công ty Rạng Đông đã gửi thư xin lỗi do sự cố hỏa hoạn ảnh hưởng tới đời sống người dân, làm ô nhiễm môi trường tại một số khu vực lân cận.

Đến ngày 8/9, Tổng cục Môi trường phát đi thông tin, vụ cháy đã làm cháy khoảng 6.000m2 kho chứa sản phẩm gồm Bóng đèn huỳnh quang, bóng đèn compact và bóng đèn tròn công suất thấp. Đồng thời tiếp tục khuyến cáo người dân trong bán kính 500 m tính từ hàng rào của Công ty cần thực hiện các biện pháp như phun rửa mái nhà, tẩy rửa tường, sàn nhà và các đồ gia dụng, vệ sinh cá nhân theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, thau rửa các bể chứa nước hở. Đối với người dân sống trong bán kính 200 m tính từ hàng rào Công ty cần đi khám sức khỏe định kỳ.

Sau đó, các hộ dân yêu cầu Công ty Rạng Đông bồi thường về vật chất và tinh thần cho người dân và di dời cơ sở ra khỏi khu dân cư cũng như hoàn tất quá trình tẩy độc, dọn dẹp, đảm bảo quy định an toàn về môi trường, sức khỏe cho người dân.

Đáng nói, sau vụ cháy thông tin lượng thủy ngân phát tán đã khiến người dân lo lắng và bức xúc cho rằng Công ty Rạng Đông vô cảm, thiếu trách nhiệm, bưng bít thông tin khiến việc xử lý hậu quả vụ cháy bị kéo dài, tăng thêm những thiệt hại.

Thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật

Tại buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra ngày 11/4, TS Tadashi Yamamura, chuyên gia Liên Hợp Quốc về môi trường, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản đã đưa ra đề nghị sẽ mang thiết bị công nghệ bio-nano thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch.

Tiến sĩ Tadashi Yamamura cho biết công nghệ nano sử dụng vật liệu thiên nhiên nên rất thân thiện với môi trường.

Đến ngày 16/5, tại phố Nguyễn Đình Hoàn, quận Cầu Giấy, Hà Nội, Công ty Cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt đã tổ chức lễ khởi động “Dự án tài trợ thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano – Bioreactor Nhật Bản”.

Theo Tiến sĩ Tadashi Yamamura, chuyên gia môi trường Liên hợp quốc, công nghệ Nano - Bioreactor có thể xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch mà không cần nạo vét. Chỉ sau 3 ngày, mùi hôi, thối sẽ giảm đáng kể. Và sau 2 tháng, các chất thải dưới lòng sông sẽ bị phân hủy.

Thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật.

Đến ngày 20/5, Viện Công nghệ môi trường (thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) đã lấy mẫu giám định chất lượng nước trên sông Tô Lịch sau 3 ngày thử nghiệm. Qua thực tế và kết quả test nhanh các chỉ số, tình trạng ô nhiễm được cho là có chuyển biến tích cực. Với những tín hiệu tích cực ban đầu, nhiều người tin rằng, công nghệ Nhật có khả năng làm "hồi sinh" sông Tô Lịch.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ nghi ngờ về công nghệ này và cho rằng, đó chỉ là kết quả tạm thời vì theo họ, muốn giải quyết được vấn đề, phải xử lý rác thải và nước thải từ nguồn.

Tiếp đó, đến ngày 6/6, JVE công bố kết quả sau 3 tuần thí điểm. Ông Nguyễn Tuấn Anh, đại diện JVE cho biết sau 3 tuần triển khai thí điểm, mùi của nước sông đã giảm đáng kể dựa trên các chỉ số nồng độ NH3 và H2S. Tuy nhiên, kết quả đạt được sẽ rõ ràng hơn sau 2 tháng áp dụng công nghệ này.

Để minh chứng kết quả làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ nano-Bioreactor, 16h ngày 8/8, đích thân chuyên gia TS Kubo Jun - Cố vấn kỹ thuật Tổ chức xúc tiến Thương mại-Môi trường Nhật Bản đã xuống tắm và lấy mẫu nước ở bể đạt tiêu chuẩn sau xử lý bằng công nghệ.

TS Kubo Jun - Cố vấn kỹ thuật Tổ chức xúc tiến Thương mại-Môi trường Nhật Bản cho biết sau khi dùng nước sông Tô Lịch để tắm và rửa mặt thì ông không hề thấy ngứa hay có mùi hôi thối gì cả.

TS Kubo Jun cho biết nước tại bể đạt đúng tiêu chuẩn như các chuyên gia Nhật Bản đã tính toán. Một số lá cây hay tạp chất nổi lên ở bể trình diễn như mọi người nhìn thấy là điều này hoàn toàn bình thường. Vì đây là bùn hữu cơ đọng lại, sau đó những chất như vậy sẽ bị phân hủy hoặc lắng xuống nên không ảnh hưởng đến chất lượng nước.

Ngày 16/9, Công ty JVE đã thả hàng chục con cá chép Nhật Bản (Koi) cùng một số loài cá khác xuống sông Tô Lịch và hồ Tây để chứng minh chất lượng nước sau xử lý bằng công nghệ Nano.

Các chuyên gia Nhật Bản cho biết, cá Koi Nhật Bản cũng như cá chép Tam Dương điều kiện sống phải ở môi trường nước sạch, nếu nguồn nước bị ô nhiễm cá sẽ chết. Tuy nhiên, tại sông Tô Lịch, sau khi được thí điểm xử lý bằng công nghệ Nhật Bản nguồn nước đã đạt quy chuẩn Việt Nam, 2 loại cá này hoàn toàn có thể sống được bình thường.

Theo kết quả lấy mẫu ngày 16/9, so sánh với kết quả phân tích tại thời điểm trước khi tiến hành xử lý thí điểm ngày 14/5 các thông số ô nhiễm đều giảm mạnh và đạt giới hạn cho phép theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.

Sau 2 tháng thử nghiệm, ngày 9/11, JVE tiến hành tháo dỡ toàn bộ hệ thống thiết bị thí điểm làm sạch đoạn sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản.

Tuy nhiên, tại buổi tiếp xúc cử tri chiều 6/12, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, “Tôi dù không phải chuyên ngành về lĩnh vực này, nhưng dám khẳng định không có một công nghệ nào không thu gom đưa vào nhà máy xử lý mà xử lý được 180.000m3 nước thải xả vào sông Tô Lịch”.

Thủ tướng phát động phong trào toàn quốc chống rác thải nhựa

Năm 2019 cũng là năm chứng kiến phong trào chống rác thải nhựa trên cả nước. Sáng 9/6, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng nhấn mạnh, rác thải nhựa đang là vấn đề nhức nhối mang tính toàn cầu. Mỗi năm lượng rác thải nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái đất, trong đó 13 triệu tấn rác nhựa đổ ra, trôi nổi trên các đại dương. Rác thải nhựa đang hằng ngày, hằng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Thủ tướng phát động phong trào toàn quốc chống rác thải nhựa.

Cùng chung nỗ lực của các nước trên thế giới, Việt Nam đã tích cực đề xuất các sáng kiến và tham gia các cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực để giải quyết vấn đề rác thải nhựa, đặc biệt trong bối cảnh tác động, ảnh hưởng của rác thải nhựa ngày càng gia tăng, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi một số địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng đã có những mô hình, sáng kiến, hành động thiết thực để giải quyết vấn đề rác thải nhựa, giảm thiểu, phân loại, tái sử dụng, tái chế chất thải.

Ở Việt Nam số lượng bao bì nhựa và túi ni lông sử dụng ngày càng gia tăng đe doạ nghiêm trọng đến môi trường đất, nước, không khí và đại dương. Nếu không có các giải pháp đồng bộ, kịp thời thì những tác động tiêu cực của rác thải nhựa sẽ gây những hậu quả nghiêm trọng, khôn lường.

Sau đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã sử dụng bình nước kim loại thay thế cho chai nước nhựa dùng một lần tại nhiều hội nghị, hội thảo. Bộ phát động phong trào thi đua “Hành động để giảm thiểu ô nhiễm nhựa và nylon” kêu gọi mỗi cán bộ, công nhân viên chức và người lao động hãy hành động và vận động gia đình, người thân cùng thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa và túi nylon sử dụng một lần.”

Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế với 63 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó yêu cầu các cơ sở y tế phải xây dựng kế hoạch, mục tiêu, lộ trình giảm thiểu chất thải nhựa từ hoạt động chuyên môn y tế, từ sinh hoạt thường ngày của người bệnh, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế; thực hiện phân loại triệt để chất thải nhựa, nylon khó phân hủy để thu gom, tái chế đúng quy định; tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần có thể thay thế và nylon khó phân hủy trong đơn vị.

Liên minh tái chế bao bì Việt Nam gồm 9 doanh nghiệp lớn như TH Group, Coca-Cola, La Vie, Nestle, Nutifood… đã được thành lập vào tháng 6/2019 và đến cuối năm 2019 sẽ có thêm 30 doanh nghiệp lớn tham gia vào các chương trình tái chế rác thải nhựa. Các hãng Hàng không Vietjet, Bamboo sẽ đặt trọng tâm về kế hoạch sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường trên các chuyến bay.

Nhiều tổ chức, đơn vị tư nhân trên cả nước đã đứng ra vận động người dân mang đổi vỏ chai nhựa để lấy cây xanh. Một số cửa hàng nước giải khát không phục ống hút nhựa đi kèm, dùng cốc sử dụng nhiều lần…

TP.HCM phân loại rác tại nguồn

Theo Quyết định 12/2019/QĐ-UBND của UBND TP.HCM, từ ngày 1/6/2019, muốn được thu gom rác trước cửa nhà, người dân TP.HCM phải phân rác thành 3 loại (hữu cơ, tái chế, rác thải còn lại).

Chất thải sau phân loại phải được lưu chứa trong bao bì (túi) hoặc thiết bị lưu giữ (thùng) riêng biệt, có dấu hiệu nhận biết loại chất thải; có khả năng chống thấm và phù hợp với kích thước lượng chất thải cùng thời gian lưu giữ.

Bao bì đựng chất thải phải được buộc kín; thùng đựng phải có nắp đậy kín để đảm bảo không phát tán mùi và có dán biển cảnh báo thông tin trên thân thùng.

Phân loại rác tại nguồn ở TP.HCM vẫn còn nhiều bất cập.

Đặc biệt, đối với khu vực đất thuộc quyền sử dụng, quản lý của cá nhân, tổ chức trong trường hợp để tồn đọng và phát sinh chất thải thì cá nhân, tổ chức đó phải chịu trách nhiệm thu gom và phun xịt khử mùi (nếu cần) trong vòng 24 giờ từ khi có phản ánh hoặc yêu cầu của chính quyền địa phương. Quá thời hạn nêu trên cá nhân, tổ chức sẽ bị xử phạt.

Đối với khu vực đông dân cư và trong khu công nghiệp, khu chế xuất, tần suất thu gom tối thiểu là một ngày/lần. Đối với khu vực dân cư thưa thớt, tần suất thu gom tối thiểu 1-2 ngày/lần...

Tuy nhiên, sau một thời gian đi vào thực tế, việc phân loại rác vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Nhiều người dân ở TP.HCM phản ánh, dù họ có ý thức phân loại rác theo quy định nhưng làm được vài ngày thì thấy bộ phận thu gom khi bỏ rác lên xe trộn chung với nhau. Vì vậy họ không tiếp tục thực hiện nữa.

Ông Huỳnh Minh Nhựt - Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, cho rằng để làm tốt việc phân loại rác cũng như xử lý tốt loại rác được phân loại này, cần phải đồng nhất, đồng bộ đơn vị quản lý từ khâu thu gom, vận chuyển và xử lý.

"Trước khi tuyên truyền, cần phải đồng bộ hạ tầng tiếp nhận rác phân loại ở các đơn vị chức năng thu gom. Lịch thu gom rác thải vô cơ, hữu cơ cũng phải được xác định rõ và phổ biến đến từng hộ dân. Đơn vị thu gom cũng được quyền từ chối thu gom rác thải nếu người dân, lực lượng rác dân lập không được phân loại và chuyển giao đúng loại rác theo lịch trình quy định. Tránh tình trạng cứ tuyên truyền nhưng chưa đồng bộ khâu thu gom, gây mất lòng tin trong cộng đồng dân cư", ông Nhựt nói.

Về chi phí thu gom, theo ông Nhựt, cần phải tính đúng, tính đủ, phù hợp với thực tế thu gom và vận hành hoạt động thu gom rác theo phân loại.

Người dân chặn xe vào bãi rác Nam Sơn - Hà Nội khủng hoảng rác

Năm 2019, là năm chứng kiến nhiều cuộc khủng hoảng rác tại các đô thị lớn trên cả nước. Tại Hà Nội, ước tính, mỗi ngày thải ra khoảng 6.500 tấn rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, rác thải của Hà Nội hiện nay được chôn lấp đến 89%, hầu như chưa hề có các nhà máy xử lý chất thải công nghệ cao, và đây chính là nguồn cơn của nỗi nhức đầu vì rác. Trong 6.500 tấn rác Hà Nội thải ra mỗi ngày, bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn) “hứng” tới 4.500-4.700 tấn.

Tháng 7, người dân sống xung quang bãi rác Nam Sơn, Sóc Sơn (Hà Nội) chặn đường không cho xe vào bãi rác khiến cuộc sống của hàng triệu người dân nội thành Hà Nội bị đảo lộn vì "khủng hoảng rác".

Sau khi người dân chặn xe vào bãi rác Nam Sơn, nhiều quận nội thành Hà Nội rơi vào tình trạng khủng hoảng rác.

Rác ùn ứ suốt 3 ngày khiến Thủ đô vốn được xem là xanh, sạch, đẹp bỗng chốc trở lên ngập rác. Nhiều tuyến phố ở các quận nội thành xuất hiện những đống rác sinh hoạt ùn ứ, chất cao như núi, rác thải tràn lan vỉa hè, chất đầy trên những xe thu gom rác mà không có xe đến thu gom chở đi khiến nhiều nơi bốc mùi hôi thối.

Ngay lập tức cuộc sống của người dân thủ đô bị ảnh hưởng khốn khổ khi những đống rác sinh hoạt đồng loạt bốc mùi, nhất là những nhà sống ngay cạnh những điểm tập kết rác.

Theo người dân sống gần bãi rác Nam Sơn, họ chặn xe chở rác như vậy cũng là vì bất đắc dĩ, hàng chục năm qua, từ khi bãi rác Nam Sơn đi vào hoạt động, hàng ngày họ phải chịu mùi hôi thối từ bãi rác, rồi ốm đau, bệnh tật, ô nhiễm nguồn nước đang đe dọa tính mạng của họ.

Bạn đang đọc bài viết Những sự kiện môi trường nóng nhất xảy ra trong năm 2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.
“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.