Thứ ba, 19/03/2024 09:09 (GMT+7)

Những “chiến binh” thầm lặng...

MTĐT -  Thứ tư, 15/05/2019 10:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nếu không trực tiếp xuống lòng cống ngầm thành phố Hồ Chí Minh thì không thể hình dung được công việc của những người công nhân thoát nước vất vả như thế nào.

Nhờ họ - những "chiến binh" thầm lặng mang tinh thần "thép", thành phố bớt điểm ngập, giảm thời gian ngập.

Không quản ngại hiểm nguy

Trong một buổi trưa mùa hạ, chúng tôi có dịp chứng kiến công việc của những người công nhân thoát nước tại góc đường Nguyễn Thái Học - Trần Hưng Đạo (quận 1). Lúc này, trên trời gió bắt đầu kéo những đám mây đen, dòng xe cộ trên đường cũng hối hả hơn. Khi công nhân mở nắp hố ga, một luồng khí từ trong lòng cống bốc lên nồng nặc xộc vào mũi. Một số người đi đường tò mò dừng lại nhìn xuống, có người thốt lên: “Rác đâu ra mà nhiều thế?”...

Anh Hồ Kỳ Tuấn (Đội trưởng chi nhánh 5, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị thành phố Hồ Chí Minh), chia sẻ: “Phải tranh thủ làm nhanh, kẻo mưa to thì không xuống cống được vì nước ngập. Hơn nữa, trong lòng cống lúc này thường xuất hiện khí độc, rất nguy hiểm”.

Nói về những hiểm nguy rình rập với nghề thoát nước đô thị, nhất là với những công nhân nạo vét cống ngầm, anh Ngô Chí Hùng (công nhân Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị thành phố Hồ Chí Minh) kể: “Mưa to, khí độc là một chuyện. Điều chúng tôi lo và cũng thường gặp phải là bị vật kim loại, thủy tinh sắc nhọn đâm vào người. Rồi có khi đang loay hoay gom rác thì nước thải xối thẳng vào đầu... Công việc vô cùng vất vả nhưng chúng tôi luôn hỗ trợ nhau để hoàn thành nhiệm vụ”.

Quả thật, nếu không trực tiếp chui xuống lòng cống ngầm thì không thể hình dung được bên trong cống thoát nước gồm có những gì và công việc của những người công nhân như anh Tuấn, anh Hùng vất vả như thế nào. Trái ngược với sự phồn hoa của phố thị bên trên, bên dưới cống thoát nước là một “thế giới chất thải” như xác động vật, mảnh sành, chai thủy tinh vỡ, mút xốp... hòa lẫn vào dòng nước đen kịt, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Và công việc của công nhân thoát nước là vét bùn, vớt toàn bộ rác thải đó đưa lên.

Công nhân thoát nước khơi thông hệ thống cống ngầm tại đường Nguyễn Thái Học - Trần Hưng Đạo (quận 1).

Vừa trèo lên miệng hố ga sau hơn một giờ vớt chất thải, mặc dù người vẫn còn run vì lạnh nhưng anh Đinh Quang Trung (công nhân Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị thành phố Hồ Chí Minh, đã có 8 năm trong nghề) vẫn nở nụ cười tươi. “Chúng tôi quen rồi nên không còn “nhát chân, nhát tay” mỗi khi chui xuống cống vớt rác. Nếu chỉ vớt những thứ rác thải phổ biến như lá cây, túi ni lông, chai nhựa cũng đã khó khăn rồi, đằng này, chúng tôi còn phải đối mặt với đủ thứ không mong muốn như những vật kim loại sắc nhọn mà đáng sợ nhất là kim tiêm. Còn loại chất thải “cứng đầu” nhất là mỡ động vật thải ra từ các nhà hàng, quán ăn. Chúng bám chặt vào thành cống khi khô cứng, gây tắc nghẽn, phải lấy xà beng đục, cạy mới ra", anh Đinh Quang Trung bộc bạch về nghề khơi thông cống thoát nước.

Mang lại sự an toàn cho mọi người

Trên thực tế, thành phố Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ đang bước vào mùa mưa. Do đặc thù hệ thống thoát nước chưa được đầu tư đồng bộ, theo kịp tốc độ đô thị hóa nên tình trạng úng ngập khi có mưa lớn thường xuyên xảy ra. Trong đó, một trong những nguyên nhân căn bản khiến dòng nước thoát chậm, gây ngập nặng ở nhiều khu vực là cống thoát nước bị tắc vì chất thải. Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị thành phố Hồ Chí Minh nhận định: "Dù cống thoát nước có làm thêm bao nhiêu, to cỡ nào nhưng rác thải trên bề mặt không được thu gom kịp thời, trôi xuống cống ngầm thì khi mưa lớn, nhiều tuyến đường vẫn bị ngập là điều khó tránh khỏi".

Chính vì vậy, ngoài việc thường xuyên kiểm tra hiện trạng tất cả các điểm hố ga, các công nhân thoát nước đô thị còn đảm nhận nhiệm vụ “trực mưa”, bảo đảm cống luôn được khơi thông, tránh ngập úng, nhất là trong và sau các trận mưa trên toàn địa bàn thành phố. "Nhiều lúc, khi màn đêm buông xuống, mọi người ở bên tổ ấm gia đình, thì chúng tôi lại lên đường thực hiện nhiệm vụ. Vất vả đấy, nhưng chúng tôi luôn xác định trách nhiệm của mình là góp phần giảm thiểu các điểm ngập do mưa gây ra trên địa bàn thành phố, bảo đảm người dân đi lại thuận tiện", anh Hồ Kỳ Tuấn nhấn mạnh.

Luôn phải đối mặt với những bất trắc ở trong công việc, nhưng trong câu chuyện với chúng tôi, những công nhân thoát nước đô thị luôn đặt việc hoàn thành nhiệm vụ lên trên hết. Anh Nguyễn Thanh Tùng (công nhân Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị thành phố có 19 năm trong nghề) bày tỏ: “Làm nhiệm vụ thoát nước mà thấy bà con mình lội bì bõm mỗi khi trời mưa thì xót xa và xấu hổ lắm...”.

Khi được hỏi về thu nhập, các anh cho biết đều là trụ cột gia đình và đồng lương là nguồn thu nhập chính. Nhưng điều khiến các anh yên tâm gắn bó với nghề thoát nước đô thị là ý thức trách nhiệm với xã hội, sự ghi nhận của xã hội cũng như sự quan tâm của đơn vị. “Nhiều anh em bám trụ được với nghề, có người gắn bó mấy chục năm không hẳn vì đồng lương, mà chính là ý thức trách nhiệm, sự động viên của gia đình và đặc biệt là sự quan tâm của công ty và cộng đồng xã hội”, anh Hồ Kỳ Tuấn cho hay.

Có thể nói, những người làm nghề thoát nước đô thị chính là những “chiến binh” thầm lặng, mang trong mình tinh thần “thép” mới có thể làm được công việc đặc thù như vậy. Các anh luôn ý thức về trách nhiệm của mình, đó là đem lại sự an toàn cho người dân tham gia giao thông và giữ gìn vệ sinh môi trường của thành phố. "Chúng tôi đều tự hào về công việc của mình. Chúng tôi hy vọng mọi người sẽ thấu hiểu nghề này hơn, để cùng chung tay bảo vệ môi trường...”, anh Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ.

Theo Hà Nội mới

Bạn đang đọc bài viết Những “chiến binh” thầm lặng.... Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nghệ An: Quỳ Châu có tân Chủ tịch UBND huyện
Sáng 18/3, Hội đồng Nhân dân huyện Quỳ Châu khóa XX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 khai mạc Kỳ họp thứ 14 (kỳ họp chuyên đề). Dự kỳ họp có đồng chí Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lãnh đạo một số Sở, ban ngành.
Đặc sắc rừng dó trầm tại Hương Khê, Hà Tĩnh
Cây dó trầm mọc nhiều ở miền núi Hương Khê, nhưng người dân địa phương chỉ nhận ra giá trị của chúng sau khi nhóm người ngoại tỉnh đến mua. Điều này đã khơi dậy sự quan tâm về bảo vệ và phát triển tài nguyên tự nhiên.