Thứ năm, 25/04/2024 13:33 (GMT+7)

Xin đừng cống hoá các dòng sông Hà Nội

Đồng Diệp Anh -  Thứ ba, 09/07/2019 14:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Với thực trạng của hệ thống sông hồ trong các quận nội thành hiện nay, thì việc xử lý ô nhiễm sông hồ vông cùng phức tạp.

Đến lúc nào đó cũng cần cho đi ngầm hết những dây rợ đang giăng đầy như mạng nhện nhưng các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét... thì đừng. Ảnh nạo vét thủ công trên dòng sông Tô Lịch của những công nhân vệ sinh môi trường, thoát nước của tác giả Đào Quang Minh  

Trong phiên thảo luận  tại kỳ họp thứ 9 HĐND TP Hà Nội khóa XV diễn ra ngày 8/7 vừa qua, một số đại biểu hiến kế cứu các dòng sông chết trên đại bàn thành phố Hà Nội nay, Đại biểu Dương Đức Tuấn, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm phát biểu, vừa qua thành phố tìm những giải pháp mới để xử lý ô nhiễm sông hồ là dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, với thực trạng của hệ thống sông hồ trong các quận nội thành hiện nay, thì việc xử lý ô nhiễm sông hồ vông cùng phức tạp.


Vì vậy, Bí thư quận Hoàn Kiếm đề nghị, UBND TP Hà Nội nghiên cứu các giải pháp mang tính bền vững bảo đảm đa mục tiêu. “Có thể xem xét khả năng cống hoá đối với một số sông có tính chất kênh mương thoát nước, ngay cả như sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu… Điều này sẽ giảm thiểu việc xả thải, góp phần tăng thêm không gian công cộng, cây xanh và hạ tầng giao thông”, ông Tuấn nói.

Các chuyên gia Nhật Bản đã công bố kết quả tại khu vực thí điểm công nghệ Nano-Bioreactor trên sông Tô Lịch, đoạn đầu đường Hoàng Quốc Việt. Công nghệ giúp phân hủy bùn hữu cơ thành khí CO2 và nước H2O

Tuy nhiên, Đại biểu Nguyễn Minh Đức, quận Thanh Xuân cho rằng, không nên bê tông hoá sông Tô Lịch vì ở đây còn là câu chuyện địa lý, phong thuỷ và tâm linh.

“Nước sông Tô vừa trong vừa mát/ Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh”, ông Đức nhắc lại ý thơ nói về sông Tô Lịch xưa và đề xuất giải pháp, phổ cập nước để dòng sông được chảy, từ đó giải quyết ô nhiễm môi trường.

Không đồng tình ý kiến phát biểu của Bí thư Quận Hoàn Kiếm, PGS.TS Phạm Quang Long, nguyên Giám đốc Sở Văn hoá,Thể thao và Du Lịch Hà Nội đã nêu ra 6 quan điểm sau. Cụ thể: 

Thứ nhất: Tôi không nghĩ ông này (ông Dương Đức Tuấn, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm  - PV) có động cơ xấu nào khi đề xuất điều đó. Nhưng khi nêu đề xuất trên ông mới chỉ nhìn từ một góc của người quản lý kỹ thuật hoặc nhà quản trị xã hội. Xin nói ngay góc nhìn đó rất hẹp, không thể dùng được, nhất là trong ứng xử với một dòng sông.

Thứ hai: Rất nên cống hoá những cống rãnh nhỏ, bẩn để thành phố văn minh hơn. Đến lúc nào đó cũng cần cho đi ngầm hết những dây rợ đang giăng đầy như mạng nhện nhưng các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét... thì đừng.

Thứ ba: Dòng sông khi nó sống thì nó không chỉ là dòng sông. Nó có sinh mệnh lịch sử. Hãy tưởng tượng khi những dòng sông ấy bị chôn vùi đi thì thành phố Hà Nội sẽ còn gì? Một phần quá khứ, lịch sử sẽ bị xoá sạch. Tôi không nghĩ nó phải tồn tại vì những lý do nào khác mà trước hết và cần nhất là vì chính con người, cho hôm nay và cho con cháu sau này. Tôi kinh hãi khi nghĩ đến chuyện lấp sông vì ý nghĩ đó tội lỗi quá, tội với tiền nhân và với hậu thế.

Thứ tư: Những dòng sông trên đang bị con người bức tử. Việc cần làm đầu tiên là cứu lấy nó chứ không phải để nó chết luôn. Con người đã trả giá quá lớn cho những sai lầm khi lấp hồ ao, ngăn sông, lấn biển để thoả mãn lòng tham của mình. Hãy dừng lại khi còn chưa quá muộn. Thuận theo tự nhiên, lẽ trời là điều con người cần làm.

Thứ năm: Lúc còn đi làm, tôi cũng có những lúc tham mưu hoặc có ý kiến sai. Khi biết mình sai thì nhận lỗi và sửa. Chỉ không làm gì mới mong đứng ngoài mọi sự. Ý kiến của ông nêu ra, nếu thành tâm thì cũng sai lắm lắm. Xin ông xem xét lại ý mình và công khai nói điều thay đổi. Nếu tôi nhớ không lầm thì ông cũng là người nêu ra một câu nói để đời “ đường Trường Chinh cong mềm mại”. Câu ấy sai về bản chất nhưng gây hại ít vì lúc đó ông cuống nên nói liều do bị chất vấn. Còn ý định lấp sông thì không chỉ sai mà có tội đấy vì ông chủ động đề xuất, nghĩa là đã tính toán rồi.

Thứ sáu:  Xin các cấp lãnh đạo ra một chỉ thị nghiêm cấm những ai có ý định lấp sông, hồ của đất nước để làm bất cứ việc gì. Sông Đồng Nai, sông Hàn, biển Hạ Long...đã bị lấp một phần để làm nhà. Năm kia có người đề nghị lấp 1/3 hồ Thành Công để xây nhà, nay lại có ông đề nghị cống hoá một dòng sông lịch sử. Nguy cơ này có thực chứ không phải do tôi tưởng tượng ra.
"Xin các vị đấy và việc này cấp bách hơn nhiều chuyện ồn ào mà vô bổ khác"  PGS.TS Phạm Quang Long chia sẻ .
Bạn đang đọc bài viết Xin đừng cống hoá các dòng sông Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới