Thứ sáu, 19/04/2024 14:58 (GMT+7)

Tranh cãi về nguyên nhân cá Koi chết trên sông Tô Lịch

MTĐT -  Thứ hai, 23/09/2019 14:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau khi thả cá được 2 ngày, đến ngày18/9 đã xuất hiện cá chết trên sông Tô Lịch khiến nhiều người còn lo ngại về chất lượng nước sau khi được xử lý bằng công nghệ Nhật Bản.

Liên quan đến vấn đề này, sáng nay, trao đổi với báo Dân Trí, PGS.TS Kim Văn Vạn - Trưởng khoa Thủy sản (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho biết: Nguyên nhân 1-2 con cá Koi Nhật Bản chết sau khi được thả xuống khu thí điểm làm sạch bằng công nghệ Nhật Bản ở sông Tô Lịch cần phải tìm hiểu ở nhiều khía cạnh, chứ chưa hẳn do nguồn nước. Nếu nguồn nước tại đây không được xử lý an toàn, đàn cá sẽ chết hàng loạt, vì cá Koi Nhật Bản là loài cá cảnh giống như "tiểu thư con nhà giàu" phải sống ở môi trường "nhung lụa".

"Tôi cho rằng, đàn cá Koi Nhật Bản, cá chép đỏ Việt Nam được thả xuống khu thí điểm làm sạch bằng công nghệ Nhật Bản ở sông Tô Lịch, góc Hồ Tây từ hôm 16/9 mà đến tận hôm nay vẫn sống được thì rõ ràng nguồn nước đã được xử lý khá an toàn. Nếu không an toàn thì đàn cá này khó sống được lâu như vậy" - PGS.TS Kim Văn Vạn đánh giá.

Cá Koi thả xuống sông Tô Lịch được bảo vệ cẩn thận.

Ông Vạn phân tích thêm, hiện tượng 1-2 con cá Koi Nhật Bản chết ở sông Tô Lịch là bình thường, vì kể cả chúng ta có thả cá Koi Nhật Bản ở bể nước sạch đôi khi vẫn có một "tỷ lệ chết" nhất định.

"Chúng ta phải kiểm tra xem đàn cá đưa về thả có con nào yếu không, vì thay đổi đột ngột môi trường sống cũng làm cho những con cá yếu chưa thể thích nghi ngay được, dẫn đến hao hụt là bình thường" - ông Vạn nói.

Về vấn đề nghi vấn có kẻ xấu đầu độc đàn cá, ông Vạn bác bỏ nghi vấn này vì nếu có thì cả đàn cá đã chết hàng loạt.

Đến nay, lý giải về nguyên nhân khiến cá Koi chết trên sông Tô Lịch vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

Lý giải về vấn đề trên, chia sẻ với Zing, TS Bùi Quang Tề, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, cho rằng cá Koi là loài cá khỏe, có sức chịu đựng tốt. Nhưng khi vừa thả cá vào bể cá đã chết có thể là do chất lượng nước chưa đạt yêu cầu.

"Yếu tố quan trọng nhất để cá sống là oxy đủ, độ pH phải trung tính và không có các chất độc hại như NH3, H2S... Nếu cá Koi chết thì chứng tỏ nước chưa đạt yêu cầu. Ngoài ra, nước sông Tô Lịch sau xử lý cũng vẫn còn nhiều chất khác nữa, phải phân tích kỹ mới tìm ra được nguyên nhân chính xác", ông Tề cho hay.

Còn anh Vũ Quang Huy, một người nuôi cá trong hội Cá cảnh Hà Nội cho biết: "Việc nuôi cá Koi, cực kỳ khó khăn trong việc thuần hóa và nuôi dưỡng. Việc thả cá Koi Nhật cần có kỹ thuật, và chất lượng nước của hồ/khu nuôi phải được đảm bảo vào theo tiêu chuẩn nhất định".

Theo anh Huy, việc thả cá Koi trược tiếp xuống sông Tô Lịch, không đảm bảo được về nhiệt độ cũng như môi trường sống của đàm cá chưa được thích nghi, cho nên cá sẽ bị bệnh và chết trong vài ngày cũng không quá lạ.

"Thông thường, người chơi cá trước khi đưa về nuôi sẽ thực hiện lắp bộ sục khí trong bể và cho sục nhẹ liên tục trong một thời gian để cá làm quen với môi trường mới, cũng như không để thiếu ô xi trong nước, mới giúp cá hạn chế bị chết", anh Huy nói về kinh nghiệm nuôi cá Koi cảnh.

Trong khi đó, trao đổi với báo chí, Chủ tịch công ty CP Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) cho biết nồng độ pH, hàm lượng oxy hòa tan trong nước đo được chiều qua đều ở mức cho phép nên việc cá chết không phải do nước không đạt tiêu chuẩn.

JVE đã nhờ một chuyên gia trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản mổ cá ngay sau khi phát hiện cá chết và đã tìm thấy một số dấu hiệu bị ngộ độc.

Trước đó, ngày 16/9, Công ty cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE), cùng các chuyên gia Nhật Bản đã thả 50 con cá chép Nhật Bản (hay gọi là cá Koi) và 50 con cá chép Việt Nam xuống bể số 4 trong hệ thống xử lý nước sông của công ty trên sông Tô Lịch; thả 200 con cá rô phi, mè của Việt Nam tại khu lưới quây trên sông Tô Lịch.

Tại Hồ Tây, Công ty JVE cũng thả 50 con cá chép Nhật và 100 con cá chép vàng Việt Nam xuống trực tiếp khu vực thí điểm trong sáng cùng ngày.

Cùng với đó, các đơn vị chức năng cũng đã tiến hành lấy mẫu nước sông Tô Lịch sau thời gian thí điểm bằng công nghệ trên để đánh giá. Dự kiến, đầu tháng 10 tới, phía Nhật Bản sẽ công bố kết quả nước sông Tô Lịch sau thí điểm.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tranh cãi về nguyên nhân cá Koi chết trên sông Tô Lịch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái tạo thói quen “tiêu dùng xanh, sản xuất xanh”
Những năm trước, khái niệm về "tiêu dùng xanh" còn xa lạ với đa số người dân Yên Bái, nhất là tại các huyện vùng cao thì gần đây mọi người đã quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Tin mới

Khai mạc Hội Sách Hải Phòng năm 2024
Năm 2024, là năm thứ ba thành phố Hải Phòng tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, đồng thời cũng là năm thứ 10 hưởng ứng các hoạt động về Ngày Sách trên địa bàn thành phố.