Thứ năm, 28/03/2024 22:10 (GMT+7)

TP.HCM: Xử lý chất thải rắn và chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư

Nguyễn Cao -  Thứ tư, 10/01/2018 09:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có trên 30 đại lý vận chuyển chất thải nguy hại và 12 cơ cở được cấp phép xử lý chất thải nguy hại với tổng công suất tiếp nhận xử lý 251 tấn/ngày.

Hầu hết các bãi chôn lấp của TP.HCM nằm trên vùng đất yếu, ngập nước (bãi chôn lấp ở Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước – huyện Bình Chánh và các bãi chôn lấp ở Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc – huyện Củ Chi). Ngoài ra với chiều dài khoảng 80 km, rộng 26 km nên việc đặt 02 khu xử lý chất thải tại Củ Chi và Bình Chánh hiện nay cũng nhằm đảm bảo cự ly vận chuyển, điều phối chất thải hợp lý trên địa bàn Thành phố.

Ảnh minh họa

Kỳ 1: Rác thải sinh hoạt: 1kg/ người dân/ ngày

Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mỗi ngày trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh hiện nay khoảng 8.700 tấn chủ yếu phát sinh từ các nguồn như: khu vực dân cư, cơ quan, khách sạn, nhà hàng, cơ sở sản xuất, khu vực công cộng, trung tâm thương mại, chợ,… và được thu gom, vận chuyển về 02 khu liên hợp xử lý chất thải của thành phố để xử lý, với các công trình, nhà máy xử lý như sau:


Ngoài ra, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh hiện có 5 bãi chôn lấp đã ngưng tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt như sau:

Tốc độ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của Bộ Xây dựng là 1,3 kg/người/ngày, tuy nhiên, theo kết quả điều tra, khảo sát của thành phố thì tốc độ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố hiện nay là 1 kg/người/ngày, dự báo đến năm 2025 là 1,3 kg/người/ngày.

Thành phần chủ yếu trong chất thải rắn tại các bãi chôn lấp là chất thải thực phẩm với tỷ lệ khá cao (60%-80%). Các thành phần chất thải rắn sinh hoạt có khả năng tái chế (như plastic, nhựa, giấy, kim loại...) tại khu vực tiếp nhận của các nhà máy xử lý, bãi chôn lấp chiếm tỷ lệ thấp (khoảng 27%) do hoạt động phân loại và thu gom phế liệu trong thành phố. Đặc điểm chất thải rắn sinh hoạt của Thành phố có độ ẩm trung bình khoảng 50 – 60 %, cao nhất có thể đạt 80% độ ẩm vào mùa mưa, nhiệt trị trung bình trong chất thải rắn sinh hoạt khoảng 2.000 – 3.000 kJ/kg.
Chất thải rắn sinh hoạt hiện chưa được phân loại tại nguồn, thành phố đang triển khai thực hiện tại 24 quận, huyện với quy mô nhỏ (như 01 phường, 01 khu phố, 01 cụm dân cư...), dự kiến sau năm 2018 sẽ triển khai nhân rộng trên toàn địa bàn thành phố. Tỷ lệ áp dụng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt thực tế hiện nay là 76% chôn lấp hợp vệ sinh, 14,7% compost – tái chế nhựa, 9,3% đốt không phát điện.
Hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh hiện nay được chi trả bởi ngân sách thành phố.

Kỳ 2: Chất thải nguy hại: rác công nghiệp – rác y tế

Theo thống kê số liệu từ sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, báo cáo quản lý chất thải nguy hại của chủ nguồn thải và các đề tài nghiên cứu khoa học, khối lượng chất thải rắn công nghiệp ước phát sinh trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh khoảng 1.500 – 2.000 tấn/ngày, trong đó khối lượng chất thải nguy hại khoảng 350-400 tấn/ngày được phát sinh từ hơn 2.000 nhà máy lớn và khoảng 10.000 cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, nằm trong và ngoài các Khu chế xuất - khu công nghiệp và cụm công nghiệp.

Việc phân loại chất thải rắn công nghiệp – chất thải nguy hại được thực hiện tại nhà máy, theo mục đích tái chế (đối với các loại chất thải như nhựa, giấy, thủy tinh, kim loại...) và xử lý (đối với các loại chất thải không có khả năng tái chế).
Thành phố hiện có trên 30 đại lý vận chuyển chất thải nguy hại và 12 cơ cở được cấp phép xử lý chất thải nguy hại với tổng công suất tiếp nhận xử lý 251 tấn/ngày. Ngoài ra, một phần chất thải nguy hại phát sinh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh còn được các đơn vị hành nghề vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại của các tỉnh thành khác đến thu gom về tỉnh để xử lý.

Hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại hiện nay được thực hiện bởi các đơn vị chức năng (được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép hoạt động) và được xã hội hóa hoàn toàn.
Về chất thải y tế nguy hại trên địa bàn thành phố, thì khối lượng trung bình năm 2017 khoảng 22 tấn/ngày chủ yếu phát sinh từ hơn 6.000 cơ sở y tế công lập và tư nhân.
Chất thải rắn y tế có đặc điểm thành phần chiếm chủ yếu là các chất hữu cơ (52,9%) tuy nhiên thành phần này không mang tính độc hại. Thành phần có chứa yếu tố nguy hại (lây nhiễm) chiếm 22,6% như: chai nhựa PVC, PE, PP, bông băng, chai lọ thủy tinh, bơm kim tiêm, các bệnh phẩm sau mổ…
Công tác xử lý chất thải y tế nguy hại được giao cho Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị thành phố thực hiện bằng công nghệ đốt, tiêu hủy với 02 lò đốt đang hoạt động tại Bình Hưng Hòa (Bình Tân) và Đông Thạnh (Hóc Môn).
Hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại tại các cơ sở y tế công lập được thành phố chi trả; đối với cơ sở y tế tư nhân, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại đã được xã hội hóa.

Kỳ 3:Định hướng công tác xử lý chất thải rắn đô thị

Với hiện trạng xử lý chất thải rắn sinh hoạt như trên và điều kiện diện tích đất của thành phố Hồ Chí Minh ngày càng hạn hẹp, trong khi mục tiêu đặt ra của thành phố là đến năm 2020, tỷ lệ lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh tối đa là 50%, đến năm 2025 tối đa là 20%; triển khai các giải pháp đồng bộ trong công tác duy tu, bảo dưỡng bãi chôn lấp chất thải sau khi ngưng tiếp nhận, khuyến khích xã hội hóa việc tái chế và sản xuất điện năng từ các bãi chất thải đã được chôn lấp trong các năm qua và ưu tiên các giải pháp tái sử dụng bãi chôn lấp đã đóng bãi phục vụ lợi ích cộng đồng.

Do đó, Ủy ban nhân dân thành phố định hướng công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 như sau:

Nâng cấp cải tạo, đổi mới công nghệ xử lý CTRSH các nhà máy hiện hữu

Căn cứ chương trình giảm ô nhiễm môi trường của thành phố, Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-HĐND ngày 11 tháng 6 năm 2017 đặt chỉ tiêu tỷ lệ chôn lấp giảm còn 50% và đến năm 2025 chỉ còn áp dụng 20% công nghệ chôn lấp. Do đó, Ủy ban nhân dân thành phố đã và đang khẩn trương làm việc với các đơn vị xử lý chất thải đang hoạt động để thực hiện việc cải tạo, nâng cấp thiết bị máy móc của các nhà máy xử lý chất thải hiện hữu, bổ sung dây chuyền công nghệ xử lý tiên tiến tại các đơn vị xử lý chất thải đang hoạt động kết hợp nâng hiệu suất xử lý nhằm giảm tỷ lệ chất thải chôn lấp trong thời gian tới (loại hình công nghệ chuyển đổi: Đốt- phát điện, Khí hóa lỏng CNG,…).

Xem xét dự án đề xuất cải tạo bãi chôn lấp đã đóng cửa

Thành phố hiện tồn tại 5 bãi chôn lấp đã đóng cửa (Phước Hiệp số 1, 1A, 2, Đông Thạnh và Gò Cát), trong đó có 2 bãi chôn lấp nằm ngoài khu liên hợp xử lý chất thải là bãi Đông Thạnh và Gò Cát. Hiện nay, thành phố đã có chủ trương kêu gọi và xem xét việc đề xuất dự án cải tạo các bãi chôn lấp đã đóng cửa, với các hình thức như sau:
Đối với các bãi chôn lấp nằm trong khu quy hoạch xử lý chất thải rắn của thành phố (BCL Phước Hiệp số 1, 1A và số 2): thực hiện đóng bãi chôn lấp bằng phương pháp phủ đỉnh hợp vệ sinh quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BKHCNMT-BXD ngày 18 tháng 01 năm 2001 của Bộ Khoa học Công nghệ Môi trường và Bộ Xây dựng hướng dẫn các quy định về bảo vệ môi trường đối với việc lựa chọn địa điểm, xây dựng và vận hành bãi chôn lấp chất thải rắn.

Đối với các bãi chôn lấp nằm ngoài khu quy hoạch xử lý chất thải rắn của thành phố (BCL Đông Thạnh, Gò Cát): thực hiện đóng bãi theo các phương án khác nhau: phủ đỉnh hoặc cải tạo, tái sử dụng diện tích đất….

Kêu gọi đầu tư dự án xử lý chất thải rắn

Dự báo khối lượng

--

Nhu cầu xử lý đến năm 2030

Chất thải rắn công nghiệp - chất thải nguy hại

--

Chất thải rắn y tế:

Ảnh minh họa

 Kỳ 4: Một số chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư

Chính sách về đất đai

Căn cứ quy định về tiền thuê đất, ưu đãi đầu tư đối với dự án xử lý rác: (1). Theo quy định tại Điều 110 Luật Đất đai, các trường hợp miễn/giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất gồm có: + a) Sử dụng đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư hoặc địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, trừ dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; và + g) Các trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.
(2). Theo quy định tại Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2015 về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, trong Danh mục, ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư có “Thu gom, xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải tập trung”.
(3). Theo quy định tại Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường (sau đó được điều chỉnh, bổ sung tại Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2014), thì: + Điều 2. “Điều kiện để cơ sở thực hiện xã hội hóa được hưởng các chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa quy định tại Nghị định này là cơ sở phải thuộc danh mục các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn do Thủ tướng Chính phủ quyết định”.
+ Điều 6 (sau khi được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 59/2014/NĐ-CP):
“2. Đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa sử dụng đất tại các đô thị, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ điều kiện thực tế của địa phương quy định chế độ miễn, giảm tiền thuê đất theo từng khu vực, lĩnh vực. Mức tối đa là miễn tiền thuê đất cho toàn bộ thời gian của dự án; mức tối thiểu bằng mức ưu đãi theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về đầu tư.
Chậm nhất sáu (06) tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, căn cứ vào lĩnh vực và khu vực địa bàn ưu đãi xã hội hóa tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành và công bố công khai chế độ miễn, giảm tiền thuê đất nêu trên sau khi có ý kiến thống nhất của Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp.
Định kỳ ba (03) năm một lần, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh rà soát để sửa đổi, bổ sung Danh mục lĩnh vực và địa bàn ưu đãi xã hội hóa tại địa phương cho phù hợp.
+ Khoản 3 Điều 6: “Trường hợp có từ hai nhà đầu tư trở lên cùng đăng ký lựa chọn một địa điểm để thực hiện dự án đầu tư trong lĩnh vực xã hội hóa thì thực hiện chọn nhà đầu tư theo phương thức đấu thầu để lựa chọn dự án đáp ứng cao nhất các tiêu chí về quy mô, chất lượng, hiệu quả”.
+ Điều 20: Việc thành lập các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực xã hội hóa theo quy định tại Nghị định này, thực hiện theo quy định của pháp luật.
(4). Quyết định số 39/2015/QĐ-UBND ngày 11 tháng 8 năm 2015 của UBND Thành phố: “3.1. Điều kiện được hưởng chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa (Điều 2) là phải thuộc danh mục loại hình và đáp ứng các tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn ban hành kèm theo Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường (sau đây gọi tắt là Quyết định số 1466/QĐ-TTg), sau đó được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định số 693/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2013;
Sở quản lý chuyên ngành có trách nhiệm hướng dẫn, xác định cơ sở xã hội hóa có đủ tiêu chuẩn, điều kiện được hưởng chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa đúng thẩm quyền và phù hợp với các quy định chuyên ngành theo Quyết định số 1466/QĐ-TTg và Quyết định số 693/QĐ-TTg để Cục Thuế Thành phố thực hiện miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định”.
3.2. Điều 4. Cho thuê đất
“1. Cơ sở thực hiện xã hội hóa được Nhà nước cho thuê đất có thu tiền thuê đất và được xem xét miễn, giảm tiền thuê đất tùy theo khu vực như sau:
a) Khu vực 1, gồm: Quận 1, quận 3, quận 4, quận 5, quận 10, quận Phú Nhuận, Khu A Khu đô thị mới Nam thành phố, Khu đô thị mới Thủ Thiêm:
- Trường hợp cơ sở thực hiện xã hội hóa có dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư thì được miễn 11 năm tiền thuê đất phải nộp;
- Trường hợp cơ sở thực hiện xã hội hóa có dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư thì được miễn 03 năm tiền thuê đất phải nộp.
b) Các khu vực còn lại cơ sở xã hội hóa được lựa chọn chế độ miễn, giảm tiền thuê đất theo một trong hai hình thức như sau:
b1) Trường hợp cơ sở xã hội hóa lựa chọn ưu đãi miễn tiền thuê đất theo lĩnh vực đầu tư thì: được miễn 11 năm tiền thuê đất phải nộp (nếu dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư); được miễn 03 năm tiền thuê đất phải nộp (nếu dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư).
b2) Trường hợp cơ sở thực hiện xã hội hóa lựa chọn ưu đãi giảm tiền thuê đất thì được giảm tiền thuê đất tùy theo khu vực như sau: Khu vực 2, gồm: Quận 2 (trừ Khu đô thị mới Thủ Thiêm), quận 6, quận 7 (trừ Khu A Khu đô thị mới Nam thành phố), quận 11, quận Bình Thạnh, quận Tân Bình, quận Bình Tân: Được giảm 50% tiền thuê đất phải nộp; Khu vực 3, gồm: Quận 8, quận 9, quận 12, quận Thủ Đức, quận Tân Phú, quận Gò Vấp: Được giảm 60% tiền thuê đất phải nộp; Khu vực 4, gồm: Huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, huyện Nhà Bè, huyện Củ Chi: Được giảm 70% tiền thuê đất phải nộp; Khu vực 5: huyện Cần Giờ: Được giảm 80% tiền thuê đất phải nộp.
3. Trường hợp có từ hai nhà đầu tư trở lên cùng đăng ký lựa chọn một địa điểm để thực hiện dự án đầu tư trong lĩnh vực xã hội hóa, thì giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Sở, ngành liên quan thực hiện lựa chọn nhà đầu tư đáp ứng cao nhất các tiêu chí về quy mô, chất lượng, hiệu quả theo quy định tại pháp luật về đấu thầu và pháp luật về đất đai”.
3.3. Cục Thuế Thành phố có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các Sở-ngành giám sát việc thực hiện của các dự án xã hội hóa theo đúng điều kiện và tiêu chí đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp phát hiện cơ sở thực hiện xã hội hóa không đáp ứng đủ điều kiện và tiêu chí đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định bãi bỏ các ưu đãi theo quy định của pháp luật.”
(5). Quyết định số 693/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí, quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực…môi trường.
Như vậy, nếu dự án thu gom, xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải tập trung (dự án đặc biệt ưu đãi đầu tư) thuộc địa bàn huyện Củ Chi và Bình Chánh mà đáp ứng quy mô, tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 693/QĐ-TTg ngày 06/5/2013 thì được lựa chọn 01 trong 02 chế độ, như sau: Hoặc miễn 11 năm tiền thuê đất; Hoặc giảm 70% tiền thuê đất phải nộp.
Thành phố sẽ sử dụng quỹ đất trong khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi để bố trí phù hợp cho nhà đầu tư xây dựng dự án. Ngoài ra, Thành phố sẽ hỗ trợ cơ sở hạ tầng (đường giao thông, điện, nước) đến chân tường rào dự án của nhà đầu tư.
Chính sách về hỗ trợ giá mua/bán điện
Theo quy định tại Quyết định số 31/2014/QĐ-TTg ngày 05/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam và Thông tư số 32/2015/TT-BCT ngày 08/10/2015 của Bộ Công Thương Quy định về phát triển dự án và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn, thì đối với các dự án phát điện đốt chất thải rắn trực tiếp là 2.114 đồng/kWh (tương đương 10,05 UScents/kWh). Đối với các dự án phát điện đốt khí thu hồi từ bãi chôn lấp chất thải rắn là 1.532 đồng/kWh (tương đương 7,28 UScents/kWh).

Ảnh minh họa

Chính sách về nguồn vốn
Theo quyết định số 33/2011/QĐ-UBND ngày 28/5/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành quy định về thực hiện các dự án đầu tư thuộc chương trình kích cầu của Thành phố Hồ Chí Minh thì nhà đầu tư thực hiện đầu tư dự án thu gom, xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải tập trung (dự án đặc biệt ưu đãi đầu tư) bằng hình thức xã hội hóa sẽ được ngân sách thành phố hỗ trợ toàn bộ lãi vay (đối với nhà đầu tư trong nước thực hiện dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung).
Chính sách về thuế
Thuế nhập khẩu: Được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án; thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ sản xuất của dự án là nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được.
Thuế thu nhập doanh nghiệp: Được thực hiện như đối với dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế./.

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Xử lý chất thải rắn và chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.