Thứ năm, 28/03/2024 23:58 (GMT+7)

TP.HCM: Nhiều bất cập khi chọn đốt rác phát điện

MTĐT -  Thứ bảy, 04/08/2018 08:18 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Công nghệ đốt rác phát điện đang được TP.HCM lựa chọn là giải pháp chủ đạo cho việc xử lý vấn nạn rác thải của thành phố, thay cho chôn lấp.

Tuy nhiên, TP.HCM lại chưa có bộ tiêu chí lựa chọn cũng như cơ chế ràng buộc rõ ràng, minh bạch.

“Đến hẹn lại lên”, mùa mưa bắt đầu thì mùi hôi thối ở bãi rác Đa Phước lại trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người dân khu vực phía nam TP.HCM, tràn sang cả khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng. Được xây dựng trên một vùng đầm lầy, chịu ảnh hưởng của thủy triều bao quanh và tiếp giáp với nhiều kênh rạch, bãi chôn lấp rác tại Đa Phước, Bình Chánh của Công ty Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) đang tiếp nhận 5.500 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày.

Lượng rác chôn lấp này chiếm 76% tổng lượng rác thải sinh hoạt của thành phố (8.700 tấn/ngày). Chỉ có 14,7% rác thải được xử lý theo công nghệ làm phân compost - tái chế nhựa, và 9,3% rác được đốt không phát điện, bởi hai công ty Vietstar (nhận 1.800 tấn rác/ngày) và Tâm Sinh Nghĩa (1.300 tấn rác/ngày) tại khu xử lý Phước Hiệp, Củ Chi.

Mọi hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt hiện nay trên địa bàn TP.HCM đều được chi trả bởi ngân sách thành phố.

TP.HCM chọn đốt rác phát điện là chủ đạo

Trao đổi với phóng viên Người Đô Thị, theo giới chuyên gia, hiện có ba công nghệ xử lý rác có thể được xem phù hợp với “hoàn cảnh” TP.HCM: chôn lấp, làm phân compost, và đốt rác phát điện. 

Đơn giản nhất là chôn lấp, cả vốn đầu tư lẫn chi phí vận hành đang rẻ nhất. Tuy nhiên, nếu tính đúng tính đủ và về lâu dài, có khi nó còn đắt hơn rất nhiều. Thực tế, bãi chôn lấp sau khi đã đầy và đóng bãi thì vẫn phải tốn rất nhiều chi phí quan trắc, duy tu, bù lún để tránh bãi bị sụt lún, xử lý nước rỉ rác, khí… và phải mất 25 năm sau mới có thể tái sử dụng được quỹ đất này. Chưa kể nếu không tính toán kỹ, chôn lấp rất dễ gây ô nhiễm do mùi hôi, nước rỉ rác, lại chiếm nhiều đất.

Công nghệ làm phân compost có chi phí cao hơn chôn lấp, không chiếm nhiều đất, làm ra phân hữu cơ và một số nguyên liệu tái chế khác. Tuy nhiên tại Vietstar và Tâm Sinh Nghĩa hiện nay, phân bón compost từ rác thải hầu như không tiêu thụ được vì giá cao, chất lượng thấp do phân loại rác không triệt để; Vietstar đang bị ứ đọng cả rác và phân bón rất nhiều.

Sau nhiều năm hoạt động, xử lý hơn 8 triệu tấn rác, khu xử lý rác Đa Phước ngày càng phình to, biến thành một “núi” rác khổng lồ giữa vùng đất dày đặc kênh rạch. Việc UBND TP.HCM ngưng tiếp nhận rác ở bãi rác số 3 Phước Hiệp (huyện Củ Chi) vào năm 2016 để chuyển rác từ bãi này về Đa Phước gây ra nhiều gánh nặng ô nhiễm hơn. Ảnh: Lê Quân.

Đốt rác phát điện đang được chính quyền TP.HCM lựa chọn là một giải pháp chủ đạo, với mục tiêu công nghệ này sẽ tăng lên 55% vào năm 2020 và 85% vào năm 2030. Công nghệ này có nhiều ưu điểm so với các công nghệ khác, như: có thể giảm được 90-95% thể tích và khối lượng rác thải; tận dụng nhiệt, tiết kiệm diện tích, giảm ô nhiễm nước, mùi hôi, giảm phát thải nhà kính... Tuy nhiên với đặc thù rác có tới 60-80% là chất thải hữu cơ, độ ẩm cao (trung bình 50-60%, mùa mưa có thể lên tới 80%), và thực trạng chưa được phân loại tại nguồn, thì công nghệ này rất đắt: 50-75 USD để xử lý 1 tấn rác.

Tại hội nghị kêu gọi đầu tư xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt phát điện, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TP.HCM cho biết, dự báo, rác thải sinh hoạt của TP.HCM sẽ tăng 6-8% mỗi năm; đến năm 2020 là hơn 10.000 tấn/ngày, và năm 2030 là gần 16.500 tấn/ngày. Với công nghệ đốt rác phát điện, hơn 200MW điện năng thu được là kỳ vọng của thành phố, theo lộ trình chuyển đổi công nghệ của những công ty xử lý rác hiện hữu và các dự án được kêu gọi đầu tư mới, từ năm 2019-2030. Ngoài ra, thành phố có thể thực hiện được cơ chế phát triển sạch (CDM), bán chứng chỉ giảm phát thải các-bon cho các nước khác, với giá 12-14 USD/tấn CO2.

Vì vậy để thu hút đầu tư các dự án xử lý rác theo công nghệ đốt phát điện, gần đây, thành phố đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi như: hoặc được miễn tiền thuê đất 11 năm, hoặc giảm 70% tiền thuê đất phải nộp tại Bình Chánh, Củ Chi; giá điện bán với dự án đốt phát điện là 10,5 UScent/kWh. Những dự án xã hội hóa sẽ được ngân sách thành phố hỗ trợ toàn bộ lãi vay; ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế doanh nghiệp.

Thiếu cơ chế ràng buộc

PGS-TS. Phùng Chí Sỹ, Phó tổng thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam nhận định, phương án đốt rác phát điện đang được xem là xu thế mới của Việt Nam. Với vốn đầu tư và vận hành cao, gấp 4-6 lần so với công nghệ chôn lấp hiện nay, các chính sách ưu đãi dành cho công nghệ đốt rác phát điện có thể là một động lực lớn thu hút được các nhà đầu tư.

Vừa qua, UBND TP.HCM đã phê duyệt kế hoạch tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư dự án xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt phát điện trên địa bàn thành phố năm 2018. Các nhà đầu tư tham gia đấu thầu phải đáp ứng 4 tiêu chí xét chọn năng lực: khả năng tiếp nhận rác (phải đạt mức 1.000 tấn/ngày, có tính thêm khả năng mở rộng công suất xử lý, linh hoạt tiếp nhận, vận hành, xử lý chất thải bao gồm đã phân loại và không qua phân loại); đơn giá xử lý phù hợp (xem xét trên cơ sở công nghệ và giá bán điện để xác định mức tiêu chí xử lý phù hợp); diện tích đất không vượt quá 10ha/1.000 tấn rác; hiệu suất tái tạo năng lượng (rác chưa phân loại: 15kW - 20kW/tấn, rác đã phân loại: trên 20kW/tấn). Các đơn vị liên quan của TP.HCM phải hoàn thành việc lựa chọn nhà đầu tư xử lý chất thải rắn bằng công nghệ tiên tiến đốt phát điện theo hình thức xã hội hóa.

Theo lãnh đạo sở TNMT TP.HCM, mỗi ngày thành phố chỉ thu gom rác dao động 8.000-8.500 tấn. Ảnh minh hoạ: Môi trường và Đô thị.

Được biết hiện thành phố đã cho phép đưa ra đấu thầu hai dự án, gồm Công ty Trisun (công nghệ khí hóa plasma phát điện, 1.000 tấn/ngày) và Công ty Tasco (đốt phát điện, 500 - 1.000 tấn/ngày). Dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ đưa ra đấu thầu để chọn nhà đầu tư. Đồng thời, sau kêu gọi đầu tư của thành phố, đang có khoảng 10 nhà đầu tư đến thành phố tìm hiểu khả năng đầu tư đốt rác phát điện, đa số là nhà đầu tư Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia môi trường, các tiêu chí lựa chọn, về cả kỹ thuật, môi trường, xã hội và tài chính đến nay vẫn chưa được thành phố xây dựng rõ ràng; và không nhất thiết chỉ chạy theo công nghệ đốt rác phát điện. TS. Nguyễn Trung Việt, nguyên trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở TN-MT cho biết, từ năm 2006, phòng đã xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn của TP.HCM, nhưng nay đã lạc hậu. Vì vậy, thành phố cần xây dựng lại bộ tiêu chí này, với sự tham gia của các chuyên gia chuyên ngành kỹ thuật công nghệ, tài chính, chính sách... Điều này nhằm tránh rủi ro cho thành phố; tránh tình trạng xử lý rác “không tới nơi tới chốn” như hiện nay.

Thực tế, công nghệ đốt rác phát điện trên thế giới hiện có rất ít kinh nghiệm xử lý loại rác đặc thù nhiều chất thải hữu cơ, độ ẩm cao như ở Việt Nam. PGS-TS. Phùng Chí Sỹ cho biết, thời gian qua Trung Quốc đã cải tiến công nghệ đốt rác phát điện của Mỹ, châu Âu, Nhật Bản để phù hợp với loại rác thải này, giá thành cũng rẻ hơn công nghệ châu Âu, Nhật Bản khoảng 4 lần. Công nghệ đốt rác phát điện của Trung Quốc là 100 triệu USD, thì công nghệ của Nhật phải tốn khoảng 350 triệu USD cho một nhà máy công xuất xử lý 1.000 tấn rác/ngày. “Tuy nhiên, dù Trung Quốc đã có hàng nghìn nhà máy xử lý theo công nghệ này nhưng vẫn chưa đủ độ tin cậy”, ông Sỹ nói.

Kinh nghiệm thực tế cũng cho thấy, có chính sách thu hút đầu tư nhưng thành phố còn cần kèm theo cơ chế ràng buộc nghiêm túc, chặt chẽ và minh bạch. Điều này nhằm tránh trường hợp nhà đầu tư nói quá năng lực, khi thực hiện không đảm bảo chất lượng, hiệu quả như cam kết. Rác là tài nguyên, là tiền. Vì vậy, theo giới chuyên môn, nếu nhà đầu tư được lựa chọn không đảm bảo các cam kết đưa ra, thành phố không nên nghiệm thu và quyết toán dự án này; doanh nghiệp phải trả đất lại cho thành phố.

“Thường với một dự án, 3 - 6 tháng là vừa đủ để nhà đầu tư hoàn tất hồ sơ thiết kế đầu tư; và 1 năm rưỡi - 2 năm sau phải xây dựng xong nhà máy vận hành; sau 3 - 6 tháng là hoàn thành vận hành thử nghiệm. Mỗi khâu cần được hội đồng thẩm định đánh giá”, TS. Nguyễn Trung Việt tư vấn. 

Tận dụng nguồn tài trợ từ các chương trình ứng phó biến đổi khí hậu

Theo TS. Nguyễn Trung Việt, nguyên Chánh văn phòng Biến đổi khí hậu TP.HCM, thực tế trong giá xử lý đốt rác thì khấu hao chiếm khoảng 70%. Chi phí đầu tư và vận hành công nghệ đốt rác phát điện đều rất lớn.

Vì vậy, nếu tìm được các nguồn tài trợ không hoàn lại từ các chương trình ứng phó biến đổi khí hậu của Nhật hoặc thế giới được hỗ trợ 70% thì giá đốt rác sẽ giảm nhiều, lúc ấy thành phố mới kham được công nghệ này.

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Nhiều bất cập khi chọn đốt rác phát điện. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Người đô thị

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.