Thứ năm, 28/03/2024 17:07 (GMT+7)

Ô nhiễm sông Cầu - sự yếu kém của Uỷ ban BV Môi trường sông Cầu

Tùng Anh -  Thứ tư, 12/02/2020 20:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chỉ sau hơn 2 thập kỷ, cùng với sự mọc lên các khu, cụm công nghiệp, các nhà cao tầng, các hoạt động sản xuất công nghiệp ngày càng gia tăng thì sông Cầu ngày nay đã không còn được trong xanh...

Sông Cầu (còn gọi là sông Như Nguyệt, sông Thị Cầu, sông Nguyệt Đức hay mỹ danh dòng sông Quan họ), là con sông quan trọng nhất trong hệ thống sông Thái Bình, sông nằm lọt trong vùng Đông Bắc của Việt Nam.

Lưu vực sông Cầu là một trong năm con sông dài nhất ở miền Bắc của Việt Nam (gồm: sông Hồng, sông Đà, sông Lô, sông Cầu, sông Đáy) và cũng là một trong những lưu vực sông lớn ở Việt Nam, có vị trí địa lý đặc biệt, đa dạng và phong phú về tài nguyên cũng như về lịch sử phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh nằm trong lưu vực của nó.

Trong mắt nhiều người, hình ảnh con sông Cầu nước trong xanh, hiền hòa đã quá đỗi quen thuộc, là biểu tượng không thể thiếu mỗi khi nhớ về ký ức tuổi thơ, cái thời mà trẻ con vùng ven sông ai cũng phải được tắm sông ít nhất một lần, cái thời mà vô tư vục tay xuống có thể uống vài ngụm nước sông khi khát hay việc giặt giũ, rửa rau trên sông là điều tất yếu của hầu hết các gia đình.

Ấy vậy mà chỉ sau hơn 2 thập kỷ, cùng với sự mọc lên các khu, cụm công nghiệp, các nhà cao tầng, các hoạt động sản xuất công nghiệp ngày càng gia tăng thì sông Cầu ngày nay đã không còn được trong xanh, yên lành nữa, thậm chí còn phải oằn mình chống chọi lại với nước thải, rác thải thường xuyên thải xuống sông. Sự thờ ơ, vô cảm của con người đã làm mất đi vẻ đẹp vốn có của nó. Thay vì những bãi cỏ xanh tại các triền đê thì nhiều điểm rác thải mọc lên như nấm; hay tình trạng cá chết hàng loạt, dạt trắng dọc hai bờ sông Cầu đoạn chảy qua huyện Việt Yên và Yên Dũng của tỉnh Bắc Giang đã trở thành hình ảnh quen thuộc diễn ra định kỳ hàng năm, nhất là sau các trận mưa lớn.

Sông Cầu nước chảy lơ thơ. Dòng sông thương, sông nhớ. Dòng sông lúng liếng ánh nhìn quan họ đã đi vào sử sách, thi ca..., giờ đang “chết” từng ngày, theo đà phát triển kinh tế “nóng” cùng nhịp sống hiện đại của lưu vực sông Cầu. Phải chăng với sự thiếu trách nhiệm của địa phương và khi đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép nên các doanh nghiệp càng coi thường trong việc xử lý chất thải, chỉ lấy lợi nhuận làm chính, nên môi trường nước Sông Cầu ngày càng bị ô nhiễm,lãng quên gây bức xúc của dân sinh và địa phương hạ lưu sông Cầu ngày càng lớn?!  Trong ảnh: Sông Ngũ Huyện Khê đoạn qua Đặng Xá ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng.

Trong khi đó, nguồn nước sông Cầu không chỉ phục vụ cho việc tưới tiêu nông nghiệp mà còn là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho phần lớn nhân dân, doanh nghiệp vùng huyện Việt Yên, Yên Dũng; sẽ rất nguy hiểm, hậu quả khôn lường khi mà vấn đề ô nhiễm môi trường nước sông Cầu không được giải quyết.

Chủ đề này cũng đã được nhiều báo chí đề cập, đã cho thấy sự vào cuộc của Bộ Tài nguyên và Môi trường và chính quyền địa phương các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương đã xác định nguồn gây ô nhiễm môi trường nước sông Cầu khu vực giáp ranh giữa tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang là từ sông Ngũ Huyện Khê - một chi lưu của sông Đuống, đổ vào sông Cầu tại xã Hòa Long thuộc thành phố Bắc Ninh.

Việc để doanh nghiệp xả nước thải gây ô nhiễm môi trường nước Sông Ngũ Huyện Khê rồi đổ thẳng nước thải ô nhiễm đó ra sông Cầu trong suốt thời gian qua không chỉ có trách nhiệm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề, tái chế phế liệu ở ven sông Ngũ Huyện Khê và trách nhiệm của chính quyền tỉnh Bắc Ninh mà còn có trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc "nhắm mắt" cấp giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất là không đúng thực tế.

Sông Ngũ Huyện Khê đã không còn xa lạ với nhiều người do nó được nhắc đến với cái tên “sông Chết” bởi sự ô nhiễm khủng khiếp vì bị “đầu độc” bởi nước thải sản xuất từ hoạt động làng nghề Phong Khê và cụm công nghiệp Phú Lâm thuộc tỉnh Bắc Ninh với lưu lượng khoảng 10.000 m3/ngày đêm, trong khi đó, nhà máy xử lý nước thải chỉ có công suất 5.000 m3/ngày đêm và chưa có hệ thống đấu nối thu gom đồng bộ.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp tại cụm công nghiệp Phú Lâm sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất xả thải gây ô nhiễm môi trường nhiều lần, song vẫn được cơ quan có thẩm quyền cấp phép nhập khẩu phế liệu để sản xuất.

Hàng năm cũng đã có những hoạt động của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu do Bộ Tài nguyên và Môi trường lập ra và của chính quyền hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh được triển khai như: quan trắc môi trường, đánh giá hiện trạng môi trường nước sông Cầu; họp bàn các giải pháp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường sông Cầu của các tỉnh cùng lưu vực Sông.

Tuy nhiên, kết quả vẫn không có gì khác biệt, nước sông vẫn đen ngòm và cá vẫn chết định kỳ, mà nhân dân vùng Việt Yên, Yên Dũng là nạn nhận chịu nhiều thiệt hại nhất bởi sự ô nhiễm chung này. Họ cũng đã nhiều lần kiến nghị, kêu cứu; chính quyền Bắc Giang cũng đã nhiều lần vào cuộc giải quyết, đã nhiều lần làm việc với tỉnh Bắc Ninh rồi kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo giải quyết. Song lại đâu vào đấy.

Mặc dù Công ty Giấy và Bao bì Phú Giang ở Cụm công nghiệp Phú Lâm, tỉnh Bắc Ninh không xử lý nước thải theo đúng quy định của pháp luật, gây ô nhiễm môi trường, thải nước thải ra sông Ngũ Huyện Khê nhưng ngày 08/6/2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn cấp giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu để sản xuất đối với Công ty Giấy và Bao bì Phú Giang. Để rồi ngay sau đó nửa tháng, ngày 25/6/2018, Thanh tra tỉnh Bắc Ninh đã ký kết luận thanh tra của UBND tỉnh Bắc Ninh ghi rõ tại Phụ lục 5A là Công ty Giấy và Bao bì Phú Giang "không xây lắp công trình bảo vệ môi trường", "Có hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải"...

Thiết nghĩ việc thành lập cả Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu thì trách nhiệm bảo vệ dòng sông này chính phải thuộc về tất các các bên có liên quan, nhân dân các địa phương thuộc lưu vực sông này đều phải được hưởng lợi công bằng như nhau.

Nhưng thực tế đã cho thấy, địa phương hạ nguồn luôn phải hứng chịu hậu quả do ô nhiễm nước sông Cầu từ các địa phương từ phía thượng nguồn gây ra, song việc giải quyết hậu quả đó lại không thỏa đáng, không thấy được trách nhiệm và vai trò điều phối của Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu, không thấy có sự liên đới giữa các địa phương cùng trách nhiệm. Rõ ràng việc quản lý chất lượng nước lưu vực sông Cầu như vậy là yếu kém và thiếu trách nhiệm. Dư luận cho rằng, có nên để tồn tại cái Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu này không ?!

Một số giải pháp đề xuất:

1) Phân vùng nguồn gây ô nhiễm để quy trách nhiệm cho từng địa phương;

2) Thực hiện việc đánh giá sức chịu tải của từng đoạn sông Cầu để quyết định việc xả thải đảm bảo chất lượng nước sông;

3) Quy định cụ thể việc thực hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường nước sông Cầu của từng địa phương trong việc xả nước thải vào sông như: Hạn mức xả thải, nghĩa vụ tài chính tham gia vào việc phòng ngừa ô nhiễm, khắc phục ô nhiễm môi trường nước sông Cầu;

4) Kiên quyết không cấp phép nhập khẩu phế liệu cho các đơn vị tái chế gây ô nhiễm môi trường...

Thiết nghĩ hơn ai hết, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải làm hết trách nhiệm của một cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực môi trường. Đồng thời phải quyết liệt chỉ đạo và xử lý nghiêm trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu. Có như vậy mới hy vọng chất lượng nước sông Cầu được cải thiện, các địa phương mới được đối xử một cách công bằng./.

Bạn đang đọc bài viết Ô nhiễm sông Cầu - sự yếu kém của Uỷ ban BV Môi trường sông Cầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.