Thứ năm, 28/03/2024 21:47 (GMT+7)

Những phương án thí điểm để “hồi sinh” sông Tô Lịch

MTĐT -  Thứ hai, 10/06/2019 15:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trước thực trạng sông Tô Lịch ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng, những năm qua, các chuyên gia trong và ngoài nước đã hiến nhiều giải pháp giúp “hồi sinh” sông Tô Lịch.

Công nghệ Nano – Bioreactor bước đầu mang lại kết quả khả quan

Ngày 31/5, nửa tháng sau khi Hà Nội thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano - Bioreactor (Nhật Bản), ở một số đoạn lắp máy xử lý, nước sông đã dần chuyển từ màu đen kịt sang màu trắng sữa. Lòng sông vẫn nổi nhiều bùn rác.

Tính đến nay, sau 3 tuần thực hiện xử lý ô nhiễm một đoạn nước sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano – Bioreactor, đơn vị triển khai và các chuyên gia Nhật Bản đã công bố kết quả ban đầu.

Công ty CP Cải thiện môi trường Nhật Việt (JEV) - đơn vị triển khai, và đại diện chuyên gia Nhật Bản cho biết: Sau 3 tuần công nghệ này đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu, các chỉ số về độ dày bùn, mùi hôi đã giảm đáng kể và khớp với chỉ số dự kiến trước đó. Dẫn chứng cho nhận định này, chuyên gia Nhật lần lượt lấy 4 mẫu nước, bùn, theo chuyên gia Nhật là lấy ở 2 khu vực trước và sau xử lý, được đặt lên bàn để làm mẫu so sánh cho phóng viên quan sát. Hai tiêu chí được chuyên gia Nhật đề cập là độ trong của nước lớp mặt và độ dày của lớp bùn tầng đáy sông Tô Lịch.

Nhật xét về việc này, chuyên gia Nhật Bản cho biết, nước ở lớp mặt của sông đã trong hơn rõ rệt. Những gì chúng ta nhìn thấy màu đen là lớp bùn dưới đáy vẫn gồm cát, sỏi chưa phân hủy được do không phải chất hữu cơ. Còn lớp bùn ở những khu vực không đặt máy xử lý thì vẫn còn mùi và có độ nhớt, chứa nhiều chất thải hữu cơ…

Công nghệ Nano – Bioreactor bước đầu mang lại kết quả. Ảnh: Internet.

Riêng về mùi hôi, chuyên gia Nhật thông tin, khi đưa lên mũi ngửi không còn thấy nhiều mùi, một phần là do khả năng xử lý chất thải hữu cơ của máy Bioreactor và một phần là do các tấm vật liệu Nano đặt xuống sông trước đó xử lý có hiệu quả.

Chiều 6/6, đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội (đơn vị xử lý các vấn đề về nước thải trên địa bàn Hà Nội) cho hay: Sông Tô Lịch có lượng bùn thải lắng đọng dày từ 1 đến hơn 1,5 mét so với cốt lòng sông. Vừa qua để chuẩn bị cho mùa mưa năm 2019, Công ty đã triển khai nạo vét theo kế hoạch thành phố giao đoạn từ Bưởi đến Láng với khối lượng bùn thải được nạo vét  trên 10.000 m3. Với đoạn từ Láng đến Ngã Tư Sở, đơn vị đang phấn đấu nạo xong trước mùa mưa năm nay.

Đánh giá về kết quả sau nạo vét, đại diện Cty Thoát nước cho biết, sau nạo vét lòng sông gần như hết lượng bùn thải lắng đọng, khai thông dòng chảy, nhờ đó nước sông cũng đỡ đen hơn so với trước.

Dù vậy, theo các chuyên gia, khi mà nước thải từ khắp nơi vẫn còn xả thẳng ra sông Tô Lịch như hiện nay thì không một công nghệ nào có thể làm sạch được.

Trao đổi với PV Tiền Phong về việc này, TS Nguyễn Văn Khải - chuyên gia về xử lý ô nhiễm nước cho rằng, với chiều dài hơn 14 km và nếu nước thải sinh hoạt của người dân luôn chảy thẳng ra sông thì việc xử lý trên chỉ mang tính chất thử nghiệm, nghiên cứu. Về bản chất công nghệ xử lý bằng sục khí hoặc xử lý ô nhiễm cục bộ hoàn toàn không thể áp dụng để xử lý ô nhiễm trên sông Tô Lịch.

Đánh giá về độ khả thi của công nghệ này, ông Khải cho rằng, với công nghệ và cách triển khai xử lý ô nhiễm trên sông Tô Lịch những ngày qua, ở góc độ quản lý vẫn còn quá sớm để có thể đánh giá đầy đủ, nhưng ở góc độ chuyên môn, tôi đánh giá là không khả thi!

Làm sạch bằng chế phẩm Redoxy3C

Cùng với việc thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano - Bio của Nhật Bản, Hà Nội cũng đang thử nghiệm làm sạch sông này bằng công nghệ châu Âu và các công nghệ tiên tiến khác. Phương án nào vượt trội sẽ được TP chọn để triển khai rộng rãi.

Một đoạn sông thuộc địa phận phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy được thử nghiệm làm sạch bằng công nghệ châu Âu.

Sau thử nghiệm, dựa trên kết quả phân tích, TP sẽ lựa chọn phương pháp công nghệ phù hợp, hiệu quả nhất để áp dụng.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung kiểm tra việc thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ châu Âu.

Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng đã kiểm tra việc làm sạch sông Tô Lịch đoạn qua phường Kim Giang, quận Thanh Xuân.

Từ năm 2016 đến nay, Hà Nội đã sử dụng chế phẩm Redoxy3C xử lý nước cho 87 hồ trong nội thành. Theo công ty thoát nước Hà Nội, kết quả quan trắc cho thấy các hồ từ chỗ bị ô nhiễm đến nay chỉ tiêu oxy hòa tan tăng trung bình từ 2-3mg/l lên 8-9mg/l. Các chỉ tiêu pH, vi sinh vật, chất thải rắn lơ lửng trong nước đã giảm và đạt chuẩn cho phép.

Tuy nhiên, cuối tháng 5/2019, trước nhiều lo ngại về tính minh bạch của việc sử dụng chế phẩm trên, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo thanh tra việc mua, đánh giá kết quả của chất Redoxy3C.

Tháng 4 vừa qua, Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội (Công ty) đã đề xuất lãnh đạo UBND TP Hà Nội xem xét, phê duyệt phương án đầu tư xây dựng trạm bơm bổ cập nước hồ Tây và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch.

Ông Võ Tiến Hùng - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội cho biết, hồ Tây đang ô nhiễm trong khi không có nước lưu thông, vì vậy cần phải cải tạo nguồn nước để phát triển hệ thuỷ sinh trong lòng hồ. Công ty đưa ra giải pháp bơm nước sông Hồng vào hồ Tây tạo lưu thông, đến khi hồ Tây sạch thì dẫn nước từ hồ vào hai cửa xả đến sông Tô Lịch để thau rửa, làm sạch nguồn nước ô nhiễm của sông.

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng, cùng với việc có các giải pháp bổ cập nguồn nước, thau rửa hồ Tây, sông Tô Lịch, còn phải kiểm soát, xử lý được hệ thống nước thải vẫn đổ ra hàng ngày.

Trước đó, tháng 10/2016, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát lệnh khởi công dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá với mục đích cải tạo môi trường, giúp làm sống lại các con sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ, góp phần tạo cảnh quan, sinh thái đô thị, phát triển bền vững Thủ đô

Dự án bao gồm nhà máy có công suất 270.000 m3/ngày đêm và tuyến cống thu gom nước thải dọc sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ với diện tích phục vụ khoảng 4.874 ha. Dự án sẽ áp dụng những công nghệ tiên tiến như công nghệ khoan kích ngầm để thi công tuyến cống bao có độ sâu lên đến 15m đi dưới các tuyến phố đông đúc và công trình ngầm, công nghệ lọc cao tải để xử lý nước thải nồng độ thấp do pha loãng bởi nước mưa...

Theo kế hoạch, các gói thầu khác của dự án cũng sẽ được triển khai đồng loạt trong năm 2017 và các hạng mục của dự án sẽ hoàn thành vào tháng 10/2019, trước 2 năm so với thiết kế ban đầu (2021). Tuy nhiên, đến nay nhiều hạng mục của dự án vẫn còn dang dở.

Nhật Hạ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Những phương án thí điểm để “hồi sinh” sông Tô Lịch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.