Thứ năm, 18/04/2024 23:10 (GMT+7)

Nhân loại đang điên đầu vì rác!

MTĐT -  Thứ bảy, 10/08/2019 16:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mỗi ngày trên trái đất có 4 triệu tấn rác thải được tuôn ra, tương đương với 400 ngọn tháp Eiffel! Loại bỏ được chúng là một chuyện không đơn giản, rất đau đầu…

New York, tháng 10.2017. Khi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đang họp, ông tổng thư ký nhận được một lá đơn do 190.000 người tham gia mạng internet trên toàn thế giới đồng loạt ký tên. Họ đều tự xưng mình là “công dân của Quần đảo Rác” (Trash Isles).

Cùng lúc đó, trong một show phát sóng trên YouTube, cựu Phó tổng thống Mỹ Al Gore lên tiếng kêu gọi Liên Hiệp Quốc công nhận “đảo quốc” mới này. Các họa sĩ cũng thiết kế ra passport, lá cờ và đồng tiền ngân hàng của nó, với tên gọi là mảnh vụn!

Mang tính khôi hài đắng, chiến dịch gây xúc động này do trang mạng LADBible và tổ chức phi chính phủ Plastic Oceans Foundation của Mỹ phát động, nhằm thu hút mọi người chú ý đến hiện tượng đáng báo động: sự tồn tại của một bãi rác đồ nhựa khổng lồ, to bằng diện tích nước Pháp đang trôi nổi bềnh bồng giữa Thái Bình Dương. Nó đã được một thuyền trưởng tên Charles J. Moore phát hiện cách nay hai thập niên, vào năm 1997, trong một cuộc hành trình giữa California và đảo Hawaii. Từ đó, các đoàn thám thiểm khoa học đã phát hiện thêm bốn bãi rác khổng lồ khác tại các đại dương trên toàn cầu.

Các nhà khoa học mô tả chúng như những “nồi xúp nhựa” trôi lơ lửng trên mặt biển.

Dưới tác dụng của nước mặn và tia nắng, chúng phân tán thành những mảnh vụn li ti, hầu hết có đường kính dưới 5mm. Bị nước cuốn trôi, chúng biến thành những dòng xoáy khổng lồ.

Một nghiên cứu quốc tế liên minh giữa 12 trung tâm nghiên cứu trong đó có IFREMER của nước Pháp, với 24 đoàn khảo sát trong khoảng những năm 2007-2013, nhằm đánh giá tầm vóc của tác hại, đã kết luận: khối rác khổng lồ này chứa tối thiểu 5.250 tỉ mảnh vụn, với trọng lượng 269.000 tấn! Francois Galgani, nhà hải dương học thuộc IFREMER, cho biết: “Không chỉ là những cái trôi trên mặt nước. Người ta còn chưa tính ra được cái chìm sâu bên dưới.

Một điều chắc chắn: còn nhiều hơn nữa bởi vì mỗi năm trên toàn thế giới có 8 triệu tấn nhựa thoát ra khỏi đường ống cống, bị dòng nước lôi đi, cung cấp thêm cho cái khối rác chìm sâu này.

Vi trùng và vi tảo hí hửng bám vào rác và tạo ra một hệ sinh thái mới được gọi là “plasticsphère” và có thể gây tác hại nặng nề cho cần bằng sinh thái tự nhiên. Nhựa, một chất liệu cực bền, đã trở thành biểu tượng của xã hội xài rồi vất bỏ. Hành tinh này sẽ bị nó nuốt chửng? Ngay cả những nơi “khỉ ho cò gáy” nhất thế giới cũng có thể thành một bãi rác thải.

Chẳng hạn hòn đảo không người Henderson nằm giữa Chile và New Zealand, cách xa mọi thành thành phố và khu công nghiệp hơn 5.000km, cũng trở thành nơi chứa rác nhựa dày đặc nhất thế giới. Nhà sinh học Jennifer Lavers, thuộc Viện Nghiên cứu Hải dương học và Nam cực thuộc Đại học Tasmanie của Úc, cho biết đã thu lượm được 671 vật dụng/m2 trên bờ biển Henderson: hộp quẹt, dao cạo râu, bàn chải đánh răng, núm vú cao su, quân cờ domino, ly tách, nút chai… dùng làm nơi trú ngụ của các sinh vật có vỏ cứng như tôm cua.

Ở phía Nam Hawaii, người ta tìm thấy trầm tích rác nhựa

Giống như hình ảnh trên bãi biển san hô này, rác hiện diện khắp nơi, nhiều đến nỗi đã trở thành một dấu ấn địa chất. Trong thập niên 1970, các nhà địa chất Pháp đã khôi hài đề nghị xếp loại 2 tầng địa chất mới nhất là Poubellien trên và Poubellien dưới.

Những nghiên cứu trên bãi biển Kamilo ở miền Nam Hawaii, được Hội Địa dư Mỹ công bố năm 2014, cho biết đã tìm ra một “tầng đá” mới thành hình từ rác nhựa hỗn hợp với trầm tích, nham thạch và mảnh vụn hữu cơ được gọi là “plastiglomérat”.

Chúng có thể cạnh tranh với nhôm, bê tông, hạt bụi phóng xạ nhân tạo để trở thành… đặc trưng của thời đại công nghiệp. Đó là “hóa thạch” của thời hiện đại?

Biểu tượng của một thời kỳ địa chất mới? Câu trả lời sẽ có được trong vài năm sắp tới, khi Liên hiệp Khoa học Địa chất quốc tế (UGS) đưa ra phán quyết và có lẽ cũng sẽ tuyên bố trái đất đã thoát ra khỏi thời đại Halocène (bắt đầu cách nay hơn 10.000 năm) để bước vào thời kỳ Anthropocène (con người làm thay đổi vĩnh viễn hệ sinh thái của mình).

Khởi đầu từ giữa thế kỷ 20, nó đã làm cho trái đất trở thành một bãi rác khổng lồ.

Từ năm 1945, với sự phát triển kinh tế, số lượng rác đã bùng phát. Điều làm kinh hãi các nhà khoa học thuộc nhóm của giáo sư Daniel Hoornweg  ở Đại học Ontario, Canada, chuyên gia phát triển đô thị của Ngân hàng Thế giới, là tốc độ phát triển của bãi rác toàn cầu! Họ ước tính rác thải trên toàn thế giới hiện nay là 4 triệu tấn/ngày, sẽ tăng vọt lên 11 triệu tấn/ngày vào năm 2100, gần gấp 3 lần.

Ông nói: “Rác thải tăng nhanh hơn bất kỳ loại ô nhiễm môi trường nào khác, kể cả khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Lý do? Vì ba yếu tố hội tụ: gia tăng dân số, đô thị hóa gia tốc và gia tăng mức sống toàn cầu.

Với cùng thu nhập, một cư dân thành phố thải ra rác nhiều gấp 2 lần cư dân nông thôn vì xài ít giấy gói và đỡ phung phí thức ăn hơn. Nhưng vì giàu có hơn nên bình quân, mỗi cư thành phố thải ra rác cao gấp 4 lần nông thôn. Tóm lại, thành phố càng phát triển, mức sống trung bình càng được nâng cao thì rác thải càng nhiều!”.

Các nước thuộc khối OCDE, giàu nhất hành tinh, trong đó có Pháp, thải ra rác cao gấp 10 lần các nước nghèo nhất. Trái lại, rác cũng được quản lý chặt chẽ hơn. Người ta chôn hơn 40% rác thành phố, tái chế khoảng 20%, đốt cháy khoảng 20%, hơn 10% dùng làm phân bón.

Trong khi tại vùng Hạ Sahara ở châu Phi, nơi chậm tiến nhất hành tinh, hơn phân nửa rác bị vùi lấp, 40% nằm trong bãi chứa, chỉ có 2% được đốt cháy và gần như không có tái chế. Thế mà, vẫn theo Ngân hàng Thế giới, chính các nước kém phát triển nhất, vì lý do dân số và đô thị hóa, sẽ thải ra nhiều rác nhất trong tương lai. May mắn là một số nước đã có chuẩn bị cho tình huống này, thậm chí còn đi tiên phong.

Chẳng hạn Rwanda vừa khánh thành nhà máy đầu tiên tháo và tái chế linh kiện điện tử tại Đông Phi. Hay Philippines năm 2000 thông qua đạo luật buộc các địa phương phải thiết lập hệ thống quản lý rác bền vững. Từ đó, các thành phố như Quezon đã áp đặt mức độ tái chế rác lên đến 39% (tương với nước Pháp)… Nhưng cũng phải công nhận phần lớn các nước trên thế giới đều đổ rác ngoài trời với các phương tiện thật khôi hài.

Tại các nước mà việc thu gom và xử lý rác công cộng thất bại, tư nhân đóng vai trò then chốt. Chẳng hạn tại thử đô Cairo của Ai Cập, hơn 66% rác thải do “cái bang” xử lý.

Trên khắp thế giới có khoảng 15 triệu người sống bằng nghề lượm rác. Họ đang cố bầu ra một “đại bang chủ” để bảo vệ quyền lợi cho nhau trải dài trên 28 quốc gia, từ châu Mỹ La tinh cho đến châu Á và châu Phi, nhất là đối phó với các nguy cơ lớn.

Tháng 3.2017, sập một góc đống rác khổng lồ Koshe tại thủ đô Ethiopia làm 113 người chết. Một tháng sau, đống rác Kolonnawa, gần thủ đô Colombo của đảo quốc Sri Lanka cao 90 mét sụp đổ chôn vùi chết 29 người… Những tai nạn khủng khiếp làm gia tăng gấp đôi nguy cơ của nghề lượm rác.

Cuộc điều tra của cơ quan Nhà ở Liên Hiệp Quốc cho thấy ở vùng bãi rác, bệnh tiêu chảy gia tăng gấp 2 lần nơi khác và bệnh về đường hô hấp cao gấp 6 lần. Dĩ nhiên cũng có nhiều dự án xử lý rác. Ồn ào nhất hiện nay là hệ thống lưới phao vớt rác ngoài biển.

Tác giả Boyan Slat, một thanh niên Hà Lan mới 23 tuổi, đã huy động được 21 triệu USD qua Công ty Ocean Cleanup của mình. Anh ta hy vọng lúc kết thúc chiến dịch, trong vòng 5 năm tới sẽ thu hồi được phân nửa rác trôi ở Nam Thái Bình Dương. Nhưng theo một số chuyên gia, với số lượng rác khổng lồ hiện nay, công việc này chỉ là một trò trẻ con!

Francois Galgani nhận định: “Đó là sáng kiến đáng khen trên lý thuyết. Nhưng người ta có quyền nghi ngờ về kỹ thuật. Cấm sử dụng túi nylon dường như là giải pháp hiệu quả hơn đi vớt hàng triệu cái ở ngoài khơi”.

Các nước nghèo lại đi tiên phong cấm sử dụng túi tự phân hủy

Ngày nay, 95% túi nylon đi ra bãi rác sau một thời gian sử dụng rất ngắn. Một cảnh báo đáng sợ: từ nay đến năm 2050, nếu khuynh hướng sử dụng này không thay đổi, việc sản xuất ra nó sẽ tạo khí thải nhà kính chiếm 15% và tiêu tốn 20% dầu hỏa! Chỉ riêng túi nhựa thôi đấy! Hình ảnh những con cá nhà táng và rùa biển ăn nhầm hàng kg túi nylon chết phơi xác trên mặt biển mỗi năm đã khiến cho nhiều quốc gia đang phát triển, hành động ngược lại 180o: cấm sử dụng túi nylon tự phân hủy.

Bangladesh, nhiều bang tại Ấn Độ, Trung Quốc, Rwanda, Gabon, Togo, Nam Phi, Tchad, Mali và Mauritania là những quốc gia đầu tiên cấm sử dụng loại túi này. Đến tháng 7.2016, nước Pháp cũng theo chân họ! Trước khi bị cấm, 5 tỉ chiếc túi tự phân hủy được phân phát miễn phí hằng năm tại các quầy thu tiền của nước Pháp. Thời gian sử dụng trung bình 20 phút, mang từ cửa hàng về đến nhà.

Trong khi túi nylon hiện nay phải mất 400 năm mới phân hủy hết trong thiên nhiên!

Christian Duquennoi, chuyên gia về rác thuộc Viện Nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật – Môi trường và Nông nghiệp (IRSTEA), tác giả quyển Rác, từ Big Bang đến ngày nay, giải thích: “Rác của chúng ta tập trung thành núi, nhưng cũng biến thành những khe hở: tạo ra một vật mà gần như chẳng có công dụng gì cả! Đó là làm cạn kiệt tài nguyên một cách ngu xuẩn”. Vậy thì có nên xem rác là một nguồn tài nguyên không? Không bỏ sót thứ gì từ hàng tiêu dùng và tái chế đến vô tận có được không? Các nhà công nghiệp và kỹ sư bắt cầu cụ thể hóa giấc mơ phù thủy này.

Tại Bruxelles, người ta có thể uống bia lên men từ bánh mì phế thải của các siêu thị. Tại London, người ta sử dụng lại những chiếc xe bus có từ thời đế chế Anh bằng cách đốt bã cà phê làm nhiên liệu. Tại Paris, Công ty Relais chuyên thu thập quần áo cũ để làm chất cách nhiệt và cách âm mang nhãn hiệu Métisse.

Tại Eskilstuna, gần thủ đô Stockholm, trung tâm thương mại đầu tiên của thế giới bán hàng tái chế, vừa được khai trương, với một trung tâm tuyển lựa rác, và nhất là những cửa hàng trang trí kỳ quặc bán hàng điện tử, đồ chơi trẻ em. Ngoài việc ngăn chặn phung phí, khái niệm “kinh tế tuần hoàn” này còn làm phát sinh việc làm và lợi nhuận.

Theo văn phòng Thu hồi và Tái chế Quốc tế, lãnh vực tái chế đang bùng phát và sử dụng trên toàn cầu 1,6 triệu con người, xử lý hằng năm 600 triệu tấn rác và đạt doanh thu 170 tỉ euro! Nhưng mọi chất liệu không giống nhau trong tái chế: thủy tinh có thể sử dụng lại đến vô tận, giấy được 6 lần, nhưng nhựa chỉ được 2-3 lần. Còn vấn đề “tinh ròng” nữa. Thế nhưng với thời gian, nhiều phân tử nhựa khác chen vào sản phẩm gốc.

Christian Duquennoi, chuyên gia rác của IRSTEA, cho biết: “Với mỗi loại nhựa, có những đặc tính nóng chảy khác nhau. Tái sử dụng các hỗn hợp là rất khó, gần giống như tạo ra một quả trứng lớn bằng loại trứng đã chiên ốp la rồi!” Điển hình là hủ dựng yaourt. Thường làm bằng polypropylène, nó ít khi vào đến bãi rác để được tuyển chọn. Dù có đến được cũng chỉ có thể đi vào lò nung. Các nhà công nghiệp rác nói chúng quá nhẹ và giá quá bèo. Tóm lại là không có lời. Nếu không đốt, nó có cơ hội làm nơi ở cho các loài tôm cua ngoài biển Thái Bình Dương.

Ông nói tiếp: “Trong thế giới rác, giải pháp kỳ diệu là không có rác. Ưu tiên tuyệt đối là giảm rác thải, nghĩa là tái sử dụng được, mà không cần phải biến đổi chất liệu”. Sau cùng loại rác tốt nhất là… không có rác! Thoạt tiên xuất hiện tại Mỹ từ các chiến binh chống mở lò thiêu, phong trào Zero rác thải đang lan tràn trên mọi lục địa. Ngày càng có nhiều thành phố bị chinh phục bởi ý tưởng này.

Capannori, có 46.000 dân, gần thành phố Pise của Ý, đang đi tiên phong. Trong chưa đầy 10 năm, thành phố này đã giảm được 40% rác thải nhà bếp và tái sử dụng được hơn 80% số còn lại. Mô hình này được thành phố Roubaix bắt chước theo.

Cách nay ba năm, có 100 gia đình làm đơn tự nguyện giảm còn phân nửa rác thải của mình. Gần như tất cả đều đạt được. Hơn nữa, 1/4 trong số họ chỉ thải ra mỗi năm không quá 50kg rác, giảm 14 lần so với một người Pháp trung bình.

Chẳng hạn như vợ chồng Nieuwjaer, khoảng 60 tuổi, ngay năm đầu tiên đã kiếm được mỗi tháng 250 euro. Alexandre Garcin, người phát động chiến dịch, cho biết: “Trong một thời gian rất ngắn, người ta đã thay đổi hoàn toàn cách sống và gia tăng được khả năng mua sắm. Chương trình Zero rác thải cũng thu hút các thành phố San Francisco (Mỹ), Buenos Aires (Brazil), Alaminos (Philippines), Kamikatsu (Nhật Bản), Ljubjana (Slovenia ), Pune (Ấn Độ)… Một số người còn quá khích.

Chẳng hạn như một phụ nữ người Pháp tên Béa Johnson, sống tại California, đã đi vòng quanh thế giới để tuyên truyền! Trước khi “cải đạo”, gia đình gồm bốn người của nhà thiết kế thời trang 43 tuổi này mỗi tuần thải ra một phuy rác khoảng 250 lít. Ngày nay cả năm chị mới có một lít rác thải! Quyển sách Zero rác thải của chị đã được dịch ra 17 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Quan thoại, phát hành vào năm 2018!

Chị mô tả tỉ mỉ cách thức triệt tiêu rác: kéo dài tuổi thọ vật dụng, tái sử dụng và nhất là tiêu thụ ít hơn. Cân rác thường xuyên để có ý thức, không xài bao bì, sửa chữa vật dụng, mua hàng gộp chung, làm phân bón chất thải hữu cơ… Vấn đề là những sáng kiến cá nhân hay tập thể này có biến thành chính sách Nhà nước đại trà hay không.

Christian Duquennoi nhận xét: “Thực ra, rác thải gia đình chỉ chiếm khoảng 3% trong tổng số rác. Phải tấn công vào những đống rác khổng lồ của nông nghiệp và xây dựng. Hy vọng chúng ta sẽ thay đổi thói quen xấu của mình, trước khi trái đất biến thành một đống rác”.

Theo Người đô thị

Bạn đang đọc bài viết Nhân loại đang điên đầu vì rác!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.