Thứ sáu, 19/04/2024 08:09 (GMT+7)

Nguy cơ suy thoái tài nguyên đất ở Đồng bằng sông Cửu Long

MTĐT -  Thứ ba, 04/12/2018 09:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo nhiều nhà khoa học, tài nguyên đất ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đứng trước nguy cơ suy thoái, do sử dụng thiếu khoa học và chịu tác động của các yếu tố tự nhiên…

Chất lượng đất có xu hướng thoái hóa

Ngay từ những tháng giữa năm 2018, ông Nguyễn Hoàng On ở xã Mỹ Khánh (Phong Điền, Cần Thơ) đã tất bật gom đất mặt ruộng về bồi thêm cho vườn quýt hồng gần 5 năm tuổi của mình. Ông On cho biết: "Không chỉ bồi đất mặt ruộng, tôi còn lấy bùn bổ sung thêm. Nếu không làm như vậy thì vườn quýt đã chết rụi từ lâu rồi. Đây là kinh nghiệm tôi tự rút ra sau những đợt quýt trước đây bị chết khi cây chuẩn bị vào vụ Tết Nguyên đán. Chất lượng nguồn đất giảm sút thấy rõ, nguyên nhân thì không biết tại sao”.

Tháng cuối năm, có dịp trở lại xã An Phước (Tân Hồng, Đồng Tháp), chúng tôi được ông Nguyễn Văn Nin (sáu Nin) dẫn ra xem cánh đồng xanh mướt. Chưa ai kịp mở lời khen đã nghe ông Nin than vãn: "Coi vậy chứ đất đai đã giảm độ màu mỡ rất nhiều, do tăng vòng quay sản xuất của đất. Độ màu mỡ giảm sút, lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật buộc phải sử dụng càng nhiều nhưng năng suất và chất lượng hạt lúa chưa chắc đã tốt như trước đây".

Nông dân xã Mỹ Thái, huyện Hòn Đất, Kiên Giang cải tạo đất phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Theo khảo sát mới đây của Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), môi trường tự nhiên của ĐBSCL đã có nhiều biến động về chế độ thủy văn, dòng chảy nguồn nước, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn... làm cho tính chất đất đai trong vùng thay đổi nghiêm trọng. Việc sử dụng quá nhiều phân khoáng, ít phân hữu cơ với cường độ thâm canh cao đang làm mất cân bằng chất hữu cơ trong đất dẫn tới suy thoái môi trường đất trên quy mô lớn. 

Theo GS, TS Nguyễn Bảo Vệ (Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ): Đất trồng cây lâu năm ở ĐBSCL cũng có những biểu hiện suy thoái. Dễ nhận thấy là chất hữu cơ trong đất thấp và cạn dần dưỡng chất, bị mặn hóa do sử dụng phân bón hóa học thiếu cân đối, nấm bệnh trong đất phát triển mạnh.

Cần sớm xây dựng cơ sở khoa học về sử dụng đất hợp lý

Theo báo cáo của Hội Khoa học đất Việt Nam, ĐBSCL hiện có hơn 1,9 triệu héc-ta đất lúa; trong đó lúa trồng trên đất phèn hơn 802.400ha, đất phù sa 689.900ha, đất mặn 326.600ha, đất xám 88.700ha, đất cát 13.800ha và đất khác 5.600ha. Như vậy, toàn vùng có 58,5% diện tích đất lúa có yếu tố hạn chế (phèn và mặn); 35,8% đất cát nghèo dinh dưỡng, đất không mặn, đất phù sa…

 TS Nguyễn Trọng Uyên, Phân viện trưởng Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, cho rằng: "Quá trình khai thác, sử dụng đất phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, nhất là việc thâm canh, tăng vụ và phát triển hệ thống đê bao kiểm soát lũ thiếu hợp lý ở ĐBSCL làm cho chất lượng đất có xu hướng cạn kiệt, thoái hóa; trong khi áp lực về nhu cầu phát triển đô thị, hạ tầng và đất ở nông thôn ngày một tăng, việc sử dụng tài nguyên đất bền vững ở ĐBSCL cũng chưa được quan tâm đúng mức. Đó chính là những nguyên nhân rất quan trọng dẫn đến sự suy thoái tài nguyên đất".

Theo TS Vũ Năng Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam: Tại ĐBSCL hiện nay, việc sử dụng đất nông nghiệp bền vững đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt đối với đất lúa, đất trồng cây ăn trái và đất nuôi trồng thủy sản.

Để có chiến lược sử dụng tài nguyên đất bền vững, nhất là trong điều kiện chịu tác động của biến đổi khí hậu, ĐBSCL cần sớm xây dựng cơ sở khoa học về cơ cấu sử dụng đất bền vững, thích hợp cho đất canh tác nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, đất lâm nghiệp, đất ở đô thị, nông thôn, đất khu công nghiệp...

“Tài nguyên đất của vùng là có hạn. Sử dụng tài nguyên đất bền vững cũng đồng nghĩa với phát triển bền vững ĐBSCL, biến vùng này thành vùng kinh tế phát triển trù phú của đất nước. Những nguy cơ hiện hữu trên cần được nghiên cứu, cảnh báo và có giải pháp ngăn chặn hiện nay cũng như trong tương lai”, TS Vũ Năng Dũng khuyến nghị.

Theo Báo QĐND

Bạn đang đọc bài viết Nguy cơ suy thoái tài nguyên đất ở Đồng bằng sông Cửu Long. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.