Thứ sáu, 19/04/2024 10:25 (GMT+7)

Ngành thời trang đang hủy hoại môi trường thế nào?

MTĐT -  Thứ ba, 26/05/2020 14:28 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Là ngành công nghiệp mang lại nhiều lợi nhuận, nhưng thời trang lại là ngành đứng thứ 2 về mức độ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là thời trang nhanh.

Theo thống kê của Chương trình Môi trường LHQ, thời trang là ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều nước thứ 2 thế giới và chiếm từ 8 - 10% lượng khí carbon phát thải, nhiều hơn lượng phát thải từ các máy bay và tàu thủy cộng lại.

Cụ thể, theo một số nghiên cứu, hoạt động sản xuất tại các nhà máy may mặc đã tiêu thụ nguồn năng lượng rất lớn và thải ra lượng khí thải CO2 khổng lồ. Ước tính tới 80% năng lượng dùng trong ngành thời trang là cho việc sản xuất vải. Người ta cũng cần lượng lớn nhiệt cho việc giặt, làm khô và nhuộm vải.

Theo UNCTAD, khoảng 93 tỉ m3 nước, đủ để đáp ứng nhu cầu của 5 triệu người, được ngành công nghiệp thời trang sử dụng hàng năm cho hoạt động sản xuất. Khoảng 1/2 triệu tấn vi sợi, tương đương với 3 triệu thùng dầu, hiện đang bị đổ xuống biển mỗi năm.

Các tổ chức môi trường ước tính, các nhãn hàng thời trang nhanh cần 2.650 lít nước để sản xuất một chiếc áo thun cotton; 20% lượng nước ô nhiễm trong ngành công nghiệp toàn cầu đến từ việc xử lý vải nhuộm dệt; chỉ có 20% trên tổng số vải được tái chế và 80% còn lại sẽ chôn dưới bãi rác.

Môi trường trả giá đắt vì thời trang giá rẻ

Thời trang nhanh cũng khuyến khích sản xuất các bộ quần áo chất lượng thấp hơn. Chất lượng và độ bền đã bị đẩy sang một bên để nhường chỗ cho quần áo giá rẻ đáp ứng thị hiếu trước mắt nhưng sẽ nhanh chóng lỗi mốt vào mùa năm sau. Hậu quả nghiêm trọng nhất của thực trạng này là việc nó dẫn tới số lượng khổng lồ quần áo bỏ đi chất đống ở các bãi chôn rác.

Theo thống kê, vào năm 2014, các bãi chôn rác ở Mỹ tiếp nhận tới 10,46 triệu tấn quần áo. Chỉ khoảng 15-20 số quần áo thừa dành cho các cửa hàng từ thiện là có mặt được trên các giá của các cửa hàng này vì đơn giản là số lượng của chúng quá lớn.

Thời trang nhanh giá rẻ khiến môi trường trả giá đắt.

Việc sản xuất số lượng quần áo thừa này gây tác động xấu lên môi trường như thế nào?

Quần áo gồm nhiều loại chất liệu, thường là kết hợp các loại sợi khác nhau – tất cả đều có ích lợi và nhược điểm xét về độ thoải mái với người mặc, độ bền và chi phí sản xuất. Riêng cotton (sợi bông) có trong 40% tất cả các quần áo, còn các sợi tổng hợp (như là polyester và nylon) có mặt trong 72% số quần áo. Cả hai chất liệu này đều bị chỉ trích vì tác động xấu lên môi trường.

Cotton là loài cây tiêu thụ nhiều nước. Mặc dù chỉ 2,4% đất nông nghiệp thế giới là trồng cotton nhưng loại cây này tiêu thụ tới khoảng 10% tất cả loại hóa chất nông nghiệp và 25% thuốc trừ sâu.

Vấn đề lớn là phần lớn sợi trong những bộ trang phục rẻ là sợi tổng hợp và polyester, loại nguyên liệu có nguồn gốc từ quá trình sản xuất dầu và xăng.

Khác với len hay cotton, các chất tổng hợp không phân hủy. Khi con người vứt quần, áo vào một bãi rác, các sợi tổng hợp gây ô nhiễm nguồn nước.

Khi con người giặt đồ dệt may, các hạt nhựa siêu nhỏ trong sợi sẽ phát tán và hòa lẫn vào nước cũng như chuỗi thức ăn.

Hóa chất mà người ta sử dụng để sản xuất và nhuộm sợi vải cũng gây ô nhiễm môi trường. Trên thực tế, tình trạng ô nhiễm của ngành thời trang ở Mỹ phổ biến đến nỗi Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ đã xem xét khả năng đưa các doanh nghiệp dệt may vào nhóm cơ sở sản xuất độc hại.

"Người tiêu dùng có thể nghĩ họ đang mua hàng thời trang để đổi lấy giá trị gần như bằng không, vì quần, áo được thiết kế để trở thành rác. Nhưng họ nên hỏi: Chi phí thực sự của sản phẩm là bao nhiêu?", Stanley-Jones nhận định.

Không dừng lại ở đó, các nhà máy may mặc cũng là nơi tiêu thụ năng lượng lớn trong các ngành sản xuất công nghiệp vì thế cũng phát ra nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Ước tính tới 80% năng lượng dùng trong ngành thời trang là cho việc sản xuất vải. Điện cần thiết để chạy máy như máy giặt và bơm không khí tại các nhà máy dệt may. Người ta cũng cần lượng lớn nhiệt cho việc giặt, làm khô và nhuộm vải.

Tỷ lệ lớn các nhà máy may mặt như thế này hoạt động ở Trung Quốc nơi phụ thuộc nhiều vào than đá để tạo năng lượng. Việc vận tải quần áo cũng tạo thêm khí CO2 do đa phần các sản phẩm này được vận chuyển bằng đường hàng hải sử dụng loại dầu bunker – nhiên liệu hóa thạch chứa nhiều sulfur gấp 1.800 lần so với nhiên liệu chạy ô tô, khiến hàng hải là một nguồn gây ô nhiễm đáng kể nữa.

Sông Buriganga của Bangladesh bị ô nhiễm nặng do các nhà máy may mặc

Thời trang xanh lên ngôi

Hai năm trở lại đây, tình hình có vẻ được cải thiện khi các "ông lớn" trong ngành thời trang nhanh đều có những động thái tích cực. Thời trang bền vững hay eco-fashion đã trở thành triết lý được họ theo đuổi. Mỗi thương hiệu đều có thể chọn một công thức bền vững riêng phù hợp với giá trị, niềm tin và nguồn lực tài chính.

Để bắt kịp xu hướng thời trang xanh, ngày càng nhiều công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực thời trang, thậm chí cả các nhà thời trang lớn, tìm kiếm giải pháp sáng tạo từ các vật dụng bỏ đi hoặc vật liệu thân thiện với môi trường. Theo đó, da cá, lá khóm, vỏ táo..., những nguyên liệu thường bị vứt bỏ khi nấu ăn, hiện đã được các nhà thiết kế ứng dụng vào sản xuất quần áo và phụ kiện thời trang.

Giải pháp sản xuất sợi tự nhiên có nguồn gốc từ thực vật cũng được đẩy mạnh. Hàng loạt loại thực vật mới như: hạt dẻ, cải ngựa, tầm ma, gai dầu đã được trồng để sản xuất vải. Ngoài ra, rong biển và bột gỗ cũng được dùng để sản xuất vải sợi. Đối với sợi có nguồn động vật, thay vì sản xuất lụa thông thường phải giết chết tằm, một phương pháp nhân văn hơn đã được thay thế, đó là sản xuất lụa hòa bình. Quy trình sản xuất này sẽ không gây hại cho tằm.

Những chiếc áo hợp thời trang, không có vẻ gì khác biệt nhưng nó đang được kỳ vọng tạo nên một xu hướng thời trang mới tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất. Đó là những sản phẩm thời trang không được sản xuất bởi vải truyền thống mà được làm từ rác thải nhựa băm nhỏ.

Nhật Hạ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Ngành thời trang đang hủy hoại môi trường thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái tạo thói quen “tiêu dùng xanh, sản xuất xanh”
Những năm trước, khái niệm về "tiêu dùng xanh" còn xa lạ với đa số người dân Yên Bái, nhất là tại các huyện vùng cao thì gần đây mọi người đã quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?