Thứ năm, 28/03/2024 19:15 (GMT+7)

Nâng cao công tác quản lý chất thải rắn tỉnh Hoà Bình

MTĐT -  Thứ hai, 09/09/2019 08:51 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hiện nay lượng chất thải trên cả nước phát sinh khoảng 12,8 triệu tấn/năm. Tốc độ gia tăng trung bình mỗi năm khoảng 12%.

Trong đó, lượng chất thải rắn (CTR) sinh hoạt phát sinh ở khu vực đô thị khoảng 38.000 tấn/ngày. Chất thải rắn y tế phát sinh là 600 tấn/ngày với mức độ gia tăng khoảng 7,6% mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh từ các khu công nghiệp vào khoảng 7 triệu tấn/năm.

Theo báo cáo của Sở TNMT các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương, lượng chất thải nguy hại phát sinh trên toàn quốc khoảng 800 ngàn tấn/năm. 

Dân số toàn tỉnh Hoà Bình hiện có trên 939.000 người. Lượng CTR sinh hoạt khu vực đô thị tại TP Hòa Bình và các thị trấn phát sinh từ 7 nguồn thải: khu dân cư, cơ quan hành  chính - văn phòng, khu thương mại - nhà hàng - khách sạn, khu sản xuất, cơ sở y tế, khu vực công cộng. Lượng CTR phát sinh khoảng 127.043 tấn/ngày đêm, chiếm 25% lượng CTR phát sinh trong tỉnh. Trong đó, lượng CTR được thu gom, xử lý khoảng 109.257 tấn/ngày đêm.

Đối với khu vực nông thôn, lượng CTR sinh hoạt phát sinh khoảng 379.571 tấn/ngày đêm, chiếm 75% lượng CTR phát sinh trong tỉnh. Lượng CTR được thu gom, xử lý ở khu vực này chỉ đạt khoảng 117.667 tấn/ngày đêm và chỉ khoảng 31% dân số được cung cấp dịch vụ thu gom.


Số liệu do Sở TN&MT tỉnh Hoà Bình nêu trên cho thấy, lượng CTR chưa được thu gom, xử lý đúng quy chuẩn còn khá nhiều. Không khó để bắt gặp những đống rác tự phát ngay tại lề đường ở một số khu vực trong tỉnh. Có những đống rác vẫn ngồn ngộn ngay tại biển "cấm đổ rác”, thậm chí rác bị vứt xuống sông, mương.

Tại thành phố Hòa Bình dù đã có dịch vụ thu gom rác vẫn tồn tại việc đổ CTR bừa bãi, không đúng nơi quy định. Điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan mà còn nguy hiểm khi cả chai lọ, mảnh thủy tinh vỡ... cũng bị ném ra lề đường.

Sở Xây dựng tỉnh Hoà Bình cho biết, việc bố trí khu đổ thải vật liệu xây dựng chưa phù hợp với thực tế, một số thời điểm còn xảy ra việc đổ thải không đúng quy định, đổ trộm, chưa quản lý được.

Trong thời gian qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, việc thu gom CTR sinh hoạt tại một số địa phương được thực hiện bằng phương tiện cơ giới như xe cuốn ép vận chuyển rác chuyên dụng, xe tải. Các địa phương trang bị thùng đựng rác, xe cải tiến, dụng cụ chuyên dụng. Tuy nhiên, theo Sở TN&MT tỉnh Hoà Bình,  những trang thiết bị đó chỉ đáp ứng một phần nhu cầu thực tế, phương tiện chủ yếu là xe thô sơ, tự chế. Các xã vẫn đang thiếu phương tiện để tập kết, thu gom rác hợp vệ sinh.

Việc thu gom CTR sinh hoạt ở khu vực nông thôn một phần do đơn vị dịch vụ môi trường đảm nhiệm, một phần do các tổ, đội tự quản được UBND xã giao thực hiện bằng xe đẩy tay gom về vị trí tập kết. Sau đó, xe ép rác thu gom theo giờ quy định chở về các khu xử lý rác. Song, việc làm này cũng mới được triển khai tại một số xã ven đô thị và các thị tứ. Hầu hết các xã vùng sâu, xa chưa triển khai được dịch vụ thu gom CTR sinh hoạt phát sinh. Các hộ chủ yếu tự xử lý bằng phương pháp đốt, chôn lấp tại chỗ hoặc tại các bãi chôn lấp, đốt rác tự phát. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh mới triển khai công tác thu gom rác tại 17 xã, phường của TP Hòa Bình; 11 thị trấn và 76 xã thuộc các huyện.  

Người dân đang đổ chung các loại rác vào cùng 1 thùng, 1 túi. Xe vận chuyển rác chưa có các ngăn để phân loại. Đó là thực tế chung của tỉnh hiện nay. Đến nay, tỉnh chưa triển khai chương trình phân loại CTR tại nguồn và chưa có khu xử lý phân bùn bể tự hoại. Việc phân loại CTR có khả năng tái chế như kim loại, thủy tinh được thực hiện tự phát bởi công nhân vệ sinh môi trường hoặc người dân. Sau khi được vận chuyển đến các khu xử lý, công nhân tiếp tục phân loại sơ bộ.

Theo ông Nguyễn Khắc Long, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Hoà Bình, CTR đang được xử lý bằng 2 phương pháp là chôn lấp và đốt. Trên địa bàn tỉnh hiện có 23 bãi chôn lấp, 6 lò đốt rác thải sinh hoạt. Việc đầu tư, xây dựng các bãi chôn lấp, lò đốt rác cơ bản xử lý được lượng rác thải phát sinh nhưng việc xử lý chưa triệt để và đảm bảo hợp vệ sinh. Nguyên nhân do các bãi chôn lấp, lò đốt rác công suất nhỏ, chưa xử lý được chất thải thứ cấp phát sinh như rỉ rác, khí thải từ quá trình đốt.

Kể cả tại các công ty đã được UBND tỉnh Hoà Bình cấp phép xử lý CTR vẫn còn những hạn chế. Đơn cử tại khu xử lý rác của Chi nhánh Công ty TNHH Đầu tư thương mại Hoàng Long tại Hòa Bình có trụ sở tại thị trấn Lương Sơn - Lương Sơn còn tồn đọng lượng rác thải của TP Hòa Bình chưa được xử lý, phát sinh mùi khó chịu, nước rỉ rác ra môi trường.

Còn nhà máy xử lý rác của Công ty TNHH Năng lượng môi trường Bắc Việt  ở xã Hợp Thịnh - Kỳ Sơn, theo giấy chứng nhận đầu tư được cấp lần đầu ngày 12/4/2018, công suất thiết kế 190 tấn/ngày. Công ty đang triển khai giai đoạn 1 với công suất 100 tấn/ngày. Từ tháng 4/2019, Công ty tiếp nhận xử lý rác của TP Hòa Bình. Tại buổi kiểm tra ngày 5/8/2019 của đoàn liên ngành, khí thải còn rò rỉ trong nhà xưởng dẫn đến phát tán mùi ra bên ngoài.

Trong dây chuyền sản xuất chưa lắp đặt hạng mục phân loại rác để loại bỏ các vật liệu trơ như gạch, đá... trước khi đưa vào xử lý gây hỏng một số bộ phận thiết bị trong dây chuyền, làm gián đoạn quá trình xử lý rác. Khu vực ủ mùn rác chưa được che kín, biện pháp chống nước mưa chảy tràn chưa hiệu quả, chưa có hệ thống thu gom nước rỉ rác. Từ đó, dẫn đến nguy cơ nước mưa chảy tràn sẽ kéo theo nước rỉ rác, mùn tràn ra bên ngoài khi trời mưa to, gây ô nhiễm môi trường.

Lo ngại ô nhiễm môi trường nên tình hình ANTT tại một số bãi rác, khu vực xử lý rác trong tỉnh Hoà Bình có thời điểm phức tạp. Việc triển khai xây dựng các bãi chôn lấp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt nhiều nơi nhân dân không ủng hộ. Cụ thể như tại bãi rác xã Yên Mông,TP Hòa Bình cũ, nhân dân đã từng tụ tập đông người ngăn chặn việc chuyển rác đến. Đối với dự án mới, dân cũng không ủng hộ trong quá trình xin ý kiến. Còn các hộ dân quanh khu vực xử lý rác ở huyện Lương Sơn có đơn kiến nghị về ô nhiễm môi trường nguồn nước, không khí...

Trên thực tế, công tác tổ chức triển khai quy hoạch quản lý CTR đã phê duyệt tại các địa phương còn chậm. Trong khi theo Sở Xây dựng, nguồn nhân lực quản lý môi trường chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ; ở cấp huyện, xã, năng lực cán bộ về quản lý môi trường còn hạn chế.

Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý CTR, thời gian qua, tỉnh đã quan tâm, xây dựng và ban hành các chính sách, văn bản làm cơ sở cho các ngành, địa phương triển khai thực hiện. Đáng chú ý như Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 30/12/2016 của Tỉnh ủy về tăng cường kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hoà Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. UBND tỉnh ban hành Quyết định số 18/2019/QĐ-UBND, ngày 18/6/2019 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định phân công, phân cấp quản lý CTR trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 2436/QĐ-UBND, ngày 22/10/2018 phê duyệt đồ án điều chỉnh Quy hoạch quản lý CTR đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050...

Theo số liệu của Sở KH&ĐT Hoà Bình,trong giai đoạn 2016 - 2020 có 48 dự án đầu tư vào lĩnh vực thu gom, xử lý CTR với số vốn 1.391.693 triệu đồng. Trong đó, vốn ngoài ngân sách 1.153.365 triệu đồng, chiếm 82,9% với 3 dự án; vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới 80.240 triệu đồng, chiếm 5,7%...

Công tác tuyên truyền được các sở, ban, ngành thực hiện thông qua nhiều hình thức, mô hình. Sở TN&MT tỉnh Hoà Bình đã xây dựng dự thảo báo cáo việc triển khai thực hiện giải quyết vấn đề rác thải nhựa và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Hoạt động thanh, kiểm tra được các sở, ngành chức năng triển khai, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của doanh nghiệp và người dân, kịp thời xử lý, kiến nghị khắc phục các thiếu sót, vi phạm. Riêng lực lượng Công an từ năm 2016 đến nay đã điều tra, quyết định, đề xuất cấp có thẩm quyền xử phạt hành chính vi phạm pháp luật về quản lý CTR, chất thải sinh hoạt 58 vụ (41 vụ vi phạm các quy định về quản lý CTR nguy hại). Trong đó, 6 tháng năm nay đã xử lý 16 vụ vi phạm.

Quản lý CTR hiệu quả vừa bảo vệ môi trường, sức khỏe, xây dựng cảnh quan sạch đẹp, ổn định tình hình ANTT, vừa đáp ứng tiêu chí số 17 trong xây dựng NTM.

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả quản lý CTR, theo Sở TN&MT tỉnh Hoà Bình, cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động tại các khu xử lý và bãi chôn lấp chất thải, vận chuyển chất thải liên tỉnh để phòng ngừa và kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm. Tuyên truyền, vận động người dân, tổ chức tham gia tích cực vào các hoạt động bảo vệ môi trường, phân loại CTR, giảm thiểu chất thải nhựa, đổ rác đúng nơi và giờ quy định. Nghiên cứu đưa nội dung giáo dục môi trường, trong đó có quản lý chất thải vào chương trình của các cấp học phổ thông. Rà soát, xây dựng các văn bản theo quy định liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, quản lý CTR.

Kiện toàn hệ thống tổ chức làm công tác bảo vệ môi trường tại các địa phương; nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ phụ trách. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển và vận hành cơ sở xử lý CTR, giảm dần sự hỗ trợ từ ngân sách. Thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý CTR theo quy định để đáp ứng được yêu cầu./.

Bạn đang đọc bài viết Nâng cao công tác quản lý chất thải rắn tỉnh Hoà Bình. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Khánh Dung

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.